• Zalo

Giật mình giá giao dịch đô la tại ngân hàng

Kinh tếThứ Hai, 17/06/2013 05:35:00 +07:00Google News

(VTC News) - USD gây "choáng" khi giá mua vào gần bằng giá bán ra nhưng điều đáng nói nhất chính là các ngân hàng lớn “khát” USD hơn ngân hàng nhỏ.

(VTC News) - Nóng trong suốt tuần qua, USD gây "choáng" khi giá mua vào gần bằng giá bán ra nhưng điều đáng nói nhất chính là các ngân hàng lớn “khát” USD hơn ngân hàng nhỏ.



Giá mua vào gần bằng bán ra

Trong suốt thời gian qua, USD “nóng” hầm hập khi liên tục được niêm yết ở mức giá “trần”. Đặc biệt, USD ngày càng “nóng” hơn nữa khi giá mua USD được niêm yết gần bằng giá bán.

Cụ thể, tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), USD được niêm yết ở mức: 21.035 - 21.036 (mua vào - bán ra). Có thể thấy, giá bán ra chỉ cao hơn giá mua vào đúng 1 đồng. Mức giá này không đổi kể từ ngày 14/6.

Cũng tại Vietcombank, có thời điểm, giá mua USD chuyển khoản được niêm yết đúng bằng giá USD bán ra 21.036 đồng. Điều đó cho thấy nhu cầu USD của ngân hàng này là rất lớn.


Không chỉ Vietcombank có mức giá mua vào gần bằng giá bán ra. Tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), tình trạng tương tự cũng đang diễn ra. Tỷ giá đang giao dịch ở mức 21.035 - 21.036 đồng (mua vào - bán ra).
USD đang "nóng" hầm hập
USD đang "nóng" hầm hập  

Tỷ giá tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) bớt “nóng” hơn khi giá mua vào USD được điều chỉnh giảm. Trong ngày 13/6, giá mua vào và bán ra USD của ngân hàng này chỉ chênh nhau đúng 1 đồng và niêm yết ở mức : 21.035 - 21.036 (mua vào - bán ra).  Tuy nhiên, hiện tại, tỷ giá tại Vietinbank đang là 21.030 - 21.036 đồng.

Trong nhóm tứ đại gia, ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mua vào USD với mức giá thấp nhất “chỉ” 21.020 đồng/USD. Trong khi đó, mức giá bán ra tại ngân hàng này vẫn được niêm yết ở mức kịch trần 21.036 đồng.

Nhiều nguyên nhân đã được đưa ra để giải thích cho hiện tượng nóng lên của USD. Theo các chuyên gia, USD tăng do lãi suất liên ngân hàng của đồng bạc xanh khá thấp, từ 1,5% tới 2%/năm. Trước đó, nhiều ngân hàng bán USD mua tiền đồng và khi lãi suất thì mua USD trở lại. Đây là thời điểm USD có lãi suất thấp.

Bên cạnh đó, tình trạng nhập siêu tăng, chênh lệch cung cầu USD, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cũng góp phần khiến USD “nóng”. Mặc dù “nóng” nhưng các chuyên gia cho rằng sức “nóng” của USD vẫn chưa tới mức báo động.

"Ông lớn" khát USD hơn ngân hàng nhỏ


Tuy nhiên, trên thị trường đang diễn ra một nghịch lý về nhu cầu USD của các “ông lớn” ngân hàng và các ngân hàng thương mại cổ phần. Trong khi các “ông lớn” như Vietcombank, Agribank, Vietinbank đang “khát” USD (được thể hiện qua việc nâng giá mua sát giá bán) thì các ngân hàng thương mại cổ phần, từ lớn tới nhỏ đều niêm yết giá bán ra ở mức kịch trần nhưng giá mua vào lại tương đối thấp.

Ở nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, ngân hàng Á Châu (ACB), ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) niêm yết ở mức 21.015 - 21.036 đồng. Như vậy, giá bán ra cao hơn giá mua vào 21 đồng. Trong khi con số này tại các ngân hàng hàng đầu là 1 đồng.

Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) mua vào cao hơn một chút ở mức 21.020 đồng, ngân hàng Đông Á mua vào 21.025 đồng.

Mức giá mua vào tại Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) thậm chí còn thấp hơn, chỉ là 20.980 đồng. Mức giá bán ra vẫn ở “trần” 21.036 đồng. Chênh lệch giữa hai mức giá là 56 đồng, một con số rất lớn.

Ở nhóm các ngân hàng cổ phần nhỏ hơn, giá mua vào cũng  tương đối thấp trong khi giá bán ra đều là 21.036 đồng. Ví dụ, Oceanbank (21.015 - 21.036 đồng), VpBank (21.005 - 21.036 đồng), GPBank (21.000 - 21.036 đồng), Vietabank (21.010 - 21.036 đồng),…

Đặc điểm chung tại nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần chính giá bán “kịch trần”, giá mua bằng tiền mặt thấp nhưng giá mua chuyển khoản lại rất cao, thường là 21.035 đồng.

Mặc dù USD đang nóng nhưng trong Hội nghị tổng kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2013, Ngân hàng Nhà nước khẳng định trong 6 tháng đầu năm, tỷ giá và thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định, thanh khoản của hệ thống cải thiện.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, từ tháng 4 đến nay tỷ giá có xu hướng tăng trở lại một mặt do yếu tố tâm lý, mặt khác do áp lực cung cầu ngoại tệ đã xuất hiện trở lại nhưng Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời can thiệp với khối lượng hợp lý.

Ngân hàng Nhà nước cho biết 6 tháng cuối năm sẽ theo dõi sát diễn biến tỷ giá, thị trường ngoại hối, tiền tệ; thường xuyên rà soát số liệu dự báo cán cân thanh toán quốc tế để có cơ sở đánh giá cung cầu ngoại tệ, từ đó điều hành tỷ giá phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ giữa điều hành tỷ giá và lãi suất theo hướng khuyến khích nắm giữ VND, hạn chế sự dịch chuyển sang USD.



Thanh Hà

Bình luận
vtcnews.vn