• Zalo

Giáo viên đánh tới tấp vào đầu nhiều học sinh lớp 2: Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nói gì?

Giáo dụcChủ Nhật, 19/05/2019 13:48:00 +07:00 Google News

Bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng hành động giáo viên đánh học sinh cần phải lên án mạnh mẽ.

"Những giáo viên có hành vi bạo lực đối với học trò không đủ tư cách để đứng lớp. Nhà trường cần xem xét chuyển cô giáo sang vị trí khác, không cho họ đứng lớp, tránh tình trạng tiếp diễn những hành động như vậy với các em nhỏ", bà  Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhấn mạnh, liên quan đến vụ cô giáo đánh, tát liên tiếp vào đầu và mặt của học sinh ở Hải Phòng.

ninh-thi-hong

 Bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. (Ảnh: Vietnamnet)

Bà Hồng cho rằng, đánh trẻ em là hành động đáng lên án. Cô giáo không được phép đánh học sinh trong mọi tình huống, dù học sinh có hư đến đâu. Hơn thế, các em còn nhỏ tuổi, muốn học trò nghe lời, cô giáo mầm non và Tiểu học cần phải như những người mẹ hiền thực sự, "dạy" về kiến thức, đồng thời là phải "dỗ" bằng tình thương, coi trò như con của mình.

"Trong độ tuổi trẻ lớp 1, lớp 2 là chúng ta phải vừa dạy, vừa dỗ, chứ không chỉ dạy không. Dù bằng bất cứ hình thức nào, cô giáo đánh trẻ là hoàn toàn sai, là vi phạm pháp luật", bà Hồng nói.

Trẻ chịu ảnh hưởng nặng nề sau bạo lực

Theo bà Hồng, những em bé bị đối xử tàn nhẫn về mặt thể xác, như bị bố mẹ đánh hay thầy cô giáo đánh thường có hai chiều hướng xảy ra. Một là, các em sẽ thù hằn, cảm thấy bất lực và muốn tìm một người để xả cơn giận, từ đó có thể khiến các em có hành vi đánh bạn hoặc không thân thiện với bạn bè.

Hai là, khi nhắc đến việc học, các em sẽ sợ và co rúm lại, không dám gặp ai. Sự hào hứng, mong được đến trường, đến lớp để gặp thầy, gặp cô của các em không còn.

Bên cạnh đó, việc đánh vào đầu học sinh lớp 2 - độ tuổi còn quá non nớt còn khiến các em cảm thấy xấu hổ, đau đớn về thể xác, nghiêm trọng hơn là tinh thần cũng bị hoảng loạn.

"Thông thường trẻ rất tin, yêu cô giáo, bố mẹ nói chưa chắc chúng đã nghe bằng cô giáo. Trẻ đặt nhiều hy vọng, sự tin tưởng mà bị cô đánh như thế, ngoài tổn thương về mặt thể xác, trẻ còn gặp phải nỗi đau về tinh thần. Các em sẽ cảm thấy xấu hổ, mặc cảm, sợ sệt và sợ hãi. Hành động như vậy của các cô sẽ mãi ám ảnh các em", bà Hồng phân tích.

Phụ huynh nên làm gì để bảo vệ con

Trước hàng loạt những vụ việc bạo hành, thậm chí cả xâm hại tình dục xảy ra trong thời gian gần đây, bà Hồng khuyên, bố mẹ nên dành thời gian để tâm sự với con, xem ngày hôm nay con đến lớp vui hay buồn, gặp bạn bè hoặc có vấn đề gì không. Nếu thấy con sợ sệt hoặc thấy con có điều bất thường thì bố mẹ phải tìm hiểu ngay.

Đặc biệt, với những vết thương trên cơ thể, bố mẹ phải chụp ảnh lại và đưa con đến cơ sở y tế xem có vấn đề gì không, nhất là bị đánh vào đầu, với có em ngày hôm ấy không sao, nhưng đêm hoặc ngày hôm sau mới phát bệnh.

Không những vậy, phụ huynh phải tìm cách để trao đổi, an ủi động viên con. Bố mẹ cần cần giải thích cho con rằng không phải tự nhiên cô đánh con, lỗi này của con cô phải xử lý bằng biện pháp khác, cô đánh con là cô sai. Bố mẹ sẽ bảo vệ con, sẽ có ý kiến với nhà trường. Con cứ yên tâm các bạn vẫn luôn yêu thương con, các thầy cô giáo khác vẫn yêu thương con.

Nghĩa là bố mẹ phải làm nhiều động tác để nâng đỡ tinh thần con mình, để con có thể quay lại hòa đồng với các bạn và mới có thể quay lại trường được,

Ngày 15/5, Facebook Nhu Anh Nguyen đăng tải nội dung cùng đoạn clip “vạch trần” những cái bạt tai khiến nhiều người bức xúc. Facebook này là của một phụ huynh một học sinh vì quá bức xúc nên đưa hình ảnh lên mạng xã hội.

Đoạn clip dài hơn 11 phút ghi lại những cảnh giáo viên liên tiếp tiếp tát vào mặt, đầu và cầm thước dài khoảng gần 1m đánh nhiều học sinh. Trong đó 2 nam học sinh phải bật khóc, tay ôm chỗ đau. Không dừng lại ở đó, một nữ giáo viên khác sau khi bước vào lớp cũng tát một học sinh.

Hình ảnh diễn ra trong buổi kiểm tra học kỳ 2, tại lớp 2A7, trường Tiểu học Quán Toan (quận Hồng Bàng, Hải Phòng).

Người thực hiện hành vi đánh học sinh là cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang (32 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A8). Hiện cô này đã bị đình chỉ công tác 6 tháng. UBND quận yêu cầu Ban giám hiệu nhà trường không bố trí cho nữ giáo viên này chủ nhiệm trong một năm.

Anh Thư
Bình luận
vtcnews.vn