• Zalo

Giao quyền điều hành xăng dầu về Bộ Công Thương: Đại biểu Quốc hội nói gì?

Thị trườngThứ Tư, 09/11/2022 13:29:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đề xuất giao quyền điều hành xăng dầu về Bộ Công Thương đang là vấn đề làm "nóng" nghị trường Quốc hội, với nhiều ý kiến của các đại biểu.

Nhiều đại biểu Quốc hội chỉ rõ sự bất cập trong quản lý xăng dầu, khi mà Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý về giá, cách tính các loại giá cả còn Bộ Công Thương quản lý về nguồn cung, thị trường, quản lý hoạt động của doanh nghiệp.

Giao quyền điều hành xăng dầu về Bộ Công Thương: Đại biểu Quốc hội nói gì? - 1

Đại biểu Quốc hội cho rằng thị trường xăng dầu còn nhiều bất cập do sự bất đồng giữa các cơ quan điều hành. (Ảnh minh họa)

Một bộ chịu trách nhiệm để tránh chồng chéo

Đại biểu cho rằng, đây là nguyên nhân khiến doanh nghiệp giảm nhập khẩu xăng dầu do bị lỗ chênh lệch giá, vấn đề này do việc quản lý giá của Bộ Tài chính chưa thích ứng kịp những biến động bất thường thời gian qua. Do vậy, nếu có thể đưa quản lý thị trường về một đầu mối là Bộ Công Thương thì sẽ giúp hạn chế được sự chồng chéo, bất cập.

Cụ thể, theo đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM), hiện nay xăng dầu liên quan đến kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp, do vậy, năng lượng, trong đó xăng dầu là hết sức quan trọng. Thời điểm qua, nhiều cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội và TP.HCM bán gián đoạn, nhiều lúc đóng cửa không đón khách. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là thiếu nguồn cung do doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu để tránh thua lỗ do chiết khấu thấp khiến họ càng bán càng lỗ.

Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng đây là sự việc mang tính chất nhỏ lẻ, không phản ánh hết bản chất thị trường xăng dầu trên cả nước hoặc trên địa bàn thành phố Hà Nội, TP.HCM. Bên cạnh đó, thông tin trên mới chỉ dừng lại là thông tin từ dư luận hoặc trên các cơ quan báo chí, chưa có sự thống kê cụ thể của các cơ quan chức năng, trong đó có quản lý thị trường nên chúng ta chưa thể lấy hiện tượng đơn lẻ đó để kết luận là thiếu xăng dầu hoặc quy kết vấn đề thiếu xăng dầu.

Rất có thể các cây xăng om hàng chờ tăng giá hoặc một thời điểm nào đó họ không nhập được xăng dầu. Vấn đề này, quản lý thị trường phải có câu trả lời rõ ràng với dư luận”, đại biểu Hoàng nói.

Giao quyền điều hành xăng dầu về Bộ Công Thương: Đại biểu Quốc hội nói gì? - 2

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, giao toàn quyền điều hành xăng dầu về Bộ Công Thương là hợp lý.

Mặc dù vậy, ông Hoàng đồng tình với việc Bộ Tài chính không tham gia vào điều hành thị trường xăng dầu mà nên giao lại cho Bộ Công Thương, "Nếu Chính phủ thống nhất thì đây là một lựa chọn đúng đắn, sáng suốt. Một việc có nhiều người làm nhưng phải có một người chủ trì. Đây đã là quy định của Đảng và Bộ Chính trị, do vậy việc giao cho Bộ Công Thương là đúng. Đây là việc mới nên chúng ta cần có thời gian theo dõi xem Bộ Công Thương vận hành bộ máy như thế nào và quá trình đó có những cơ chế nhất định. Nếu ngay bây giờ mà đã đánh giá được hay không được là vội vàng, hấp tấp. Khi đã có bộ chủ quản chính danh thì Bộ Công Thương sẽ phát huy được trách nhiệm, năng lực và cơ chế vận hành của mình trong quản lý xăng dầu. Tôi tin rằng Bộ Công Thương sẽ làm được”, ông Hoàng nói.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc bình ổn thị trường xăng dầu ở Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, ông Trí cũng chỉ ra nguyên nhân do quá nhiều đầu mối tham gia thị trường, với 36 thương nhân đầu mối, hơn 300 thương nhân phân phối, bán lẻ dẫn đến sự rối loạn, khó quản lý. Trong khí đó xăng dầu là năng lượng quan trọng, là "máu" trong sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế. Nếu dòng máu lưu thông thì kinh tế tăng trưởng ổn định, sản xuất kinh doanh phục hồi tốt. Nếu xăng dầu thiếu thì nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

“Vấn đề xăng dầu cần phải giải quyết ngay trong 1-2 ngày, chứ hiện nay rõ ràng đã để lâu rồi. Do vậy, nếu thống nhất về một bộ quản lý sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội. Từ đó bộ được giao là Bộ Công Thương mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, ông Trí nêu quan điểm.

Chưa có cơ sở nên cần cân nhắc

Trong khi đó, trả lời VTC News, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) cho biết, vấn đề thiếu xăng dầu hiện nay đang "nóng". Nhưng câu chuyện này mấy ngày nay Chính phủ đã thống nhất chỉ đạo điều hành, trên cơ sở phân cấp, giao quyền, một việc có thể có nhiều cơ quan thực hiện nhưng phải có một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm chính.

Theo ông Thắng, xăng dầu liên quan nhiều cơ quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện. Do vậy, việc Bộ Tài chính đề xuất giao về một đầu mối cho Bộ Công Thương thì cần phải đánh giá đầy đủ cơ sở theo chức năng nhiệm vụ và đánh giá tác động, có cơ sở về thẩm quyền và thực tiễn ảnh hưởng, đồng thời chứng minh được tính ưu việt của nó, vì thế phải thận trọng, cân nhắc quyết định.

Giao quyền điều hành xăng dầu về Bộ Công Thương: Đại biểu Quốc hội nói gì? - 3

Đại biểu Hoàng Đức Thắng

Ông Thắng nói thêm: “Không quan trọng bộ nào làm, mà quan trọng là bộ nào làm có chất lượng, có hiệu quả và Chính phủ giao cho nhiệm vụ thì bộ đó phải làm hết trách nhiệm của mình chứ không đùn đẩy trách nhiệm”.

Cũng theo đại biểu Thắng, vấn đề quan trọng là phải thống nhất để tháo gỡ khó khăn về thiếu hụt nguồn cung. “Tôi cho rằng, đề xuất của Bộ Tài chính giao cho một đầu mối quản lý xăng dầu chưa hẳn là tốt, bởi nó không thấy rõ có cơ sở. Quan điểm của tôi không phải là bộ nào làm, mà cần nhiều bộ, liên bộ để nâng cao vai trò tham mưu của mình với Chính phủ, để thực hiện mục tiêu chung. Do vậy, nếu chưa có cơ sở, chưa đánh giá được tác động của việc giao cho một bộ quản lý có hiệu quả hơn thì cần phải cân đối”, ông Thắng nói.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn