• Zalo

Giải thể, bán, sáp nhập hàng loạt ngành nghề, Vingroup đang thực sự muốn gì?

Kinh tếThứ Năm, 19/12/2019 15:49:00 +07:00 Google News

Chuyên gia phân tích, Vingroup tham vọng trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp hàng đầu khi mạnh tay loại bỏ hàng loạt ngành nghề vốn đã dày công xây dựng.

Rút lui hoàn toàn khỏi thị trường bán lẻ

Sau thương vụ sáp nhập và chuyển quyền điều hành VinCommerce về tay Masan, Vingroup tiếp tục gây “sốc” khi sáp nhập Adayroi vào VinID và giải thể hệ thống siêu thị điện máy VinPro.

Trước nhiều hoài nghi cho rằng VinPro cũng như Adayroi thua lỗ nên phải đóng cửa, đại diện của Vingroup, CEO Nguyễn Việt Quang cho rằng, các doanh nghiệp đều chấp nhận thua lỗ ban đầu khi đầu tư để thâu tóm thị phần. Ngay cả những doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Amazon, JD.com cũng phải mất nhiều năm mới thoát lỗ.

Với VinPro, ông Quang cho hay, giải thể vì tập đoàn thay đổi chiến lược mới, rút lui hoàn toàn khỏi mảng bán lẻ, dồn mọi nguồn lực cho VinFast và VinSmart.

Vin 1 sua

VinPro được Vingroup giải thể. 

"Chúng tôi sẽ thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, tái cấu trúc hoặc giải thể các công ty con không thuộc ưu tiên cốt lõi để tập trung nguồn lực cho những dự án lớn, đủ sức đưa Vingroup trở thành một tập đoàn có tầm vóc trên trường quốc tế", ông Quang khẳng định.

Hiện các siêu thị điện máy VinPro đang phủ sóng tại tất cả các Vincom trên cả nước với tổng diện tích mặt bằng thuê khá lớn. Nhiều ý kiến lo lắng việc giải thể VinPro gây một khủng hoảng kiểu "domino" cho Vincom.

Tuy nhiên, ông Quang khẳng định các siêu thị VinPro đang nằm ở các vị trí rất tốt của các trung tâm thương mại Vincom, vì vậy Vincom Retail sẽ rất dễ dàng cho thuê các mặt bằng này.

Về chiến lược sản xuất các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại... ông Quang cho biết VinPro giải thể cũng không có tác động lớn vì tập đoàn không phụ thuộc vào 1 – 2 nhà phân phối cố định "trong nhà" mà sẽ cung cấp rộng rãi tới các chuỗi bán lẻ như Thế giới di động, FPT Shop, Viettel Store…

"Đây cũng là chính sách bán hàng của chúng tôi từ xưa đến nay. Mục tiêu là khách hàng có thể dễ dàng mua sản phẩm ở bất cứ điểm bán nào. Chúng tôi bắt tay mọi đối tác để mở rộng quan hệ hợp tác chứ không gói gọn trong một vài nhà phân phối cụ thể", ông Quang khẳng định.

Vừa qua, Vingroup cũng thông báo sáp nhập Vincomerce - đơn vị sở hữu gần 2.500 siêu thị VinMart trên toàn quốc để tập trung xây dựng Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp – Thương mại Dịch vụ hàng đầu Việt Nam và có tầm vóc trên trường quốc tế.

 
Một doanh nghiệp cũng như một con người, cũng trải qua tất cả các thời kỳ để phát triển, chuyển đổi từ thể lực đến trí lực đến năng lực hoạt động. Việc Vingroup ngừng hoạt động cái này để phát triển cái kia cũng là điều bình thường

Tiến sĩ - chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành – Nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng

Ý tưởng này đã được nhen nhóm trong Báo cáo thường niên 2018 của Vingroup. Trong báo cáo, Vingroup nhấn mạnh mục tiêu của mảng công nghiệp – công nghệ giai đoạn 2019 – 2023. Theo đó, sẽ hình thành hệ sinh thái các sản phẩm thông minh, bắt đầu từ điện thoại thông minh, tivi thông minh (đã ra mắt),  điều hòa nhiệt độ thông minh (sắp ra mắt) và các sản phẩm thông minh khác.

Ở mảng công nghệ, Vingroup cũng hướng đến mục tiêu nâng tầm các nghiên cứu của Việt Nam lên tầm thế giới.

Qua báo cáo này, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup truyền đi thông điệp: "Hệ sinh thái của Vingroup hiện nay đã tương đối lớn, nhưng còn rất nhiều việc cần tiếp tục làm và phải làm tốt. Không chỉ làm tốt trong hệ thống tập đoàn, phải làm sao để mang lại kết quả thực tế cho sứ mệnh 'Vì một cuộc sống đẹp hơn cho người Việt'. Từ đó, Vingroup sẽ tạo ra sức cạnh tranh rất lớn để phát triển hơn nữa ở thị trường trong nước và sẵn sàng vươn tầm quốc tế”.

“DN cần thay đổi, cũng như cơ thể con người"

Việc rút khỏi mảng bán lẻ của Vingroup được nhiều chuyên gia coi là chiến lược có “ý đồ”, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ điện máy vô cùng khốc liệt.

Năm 2018, thị trường bán lẻ điện máy chứng kiến thương vụ sáp nhập lớn nhất từ việc Thế giới Di động mua lại Trần Anh. Trước nữa, thị trường chứng kiến hàng loạt các sự kiện liên quan đến việc chấm dứt hoạt động của tên tuổi lớn trong ngành điện máy như thương vụ Vingroup mua lại Viễn thông A, Central Group (Thái Lan) thâu tóm Nguyễn Kim, các chuỗi Topcare, Việt Long, WonderBuy, Best Carings, HomeOne lần lượt đóng cửa.

Đến 2019, thị trường này dường như vẫn chưa “dễ thở” hơn, khi mà các kênh thương mại điện tử đang trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ. Bởi vậy, rút khỏi thị trường thời điểm này theo giới chuyên gia vẫn có thể coi là sáng suốt.

vin 2 sua

Công nghệ sản xuất ô tô được coi là ngành nghề trọng điểm của Vingroup thời gian tới.

Bàn về chiến lược này của Vingroup, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, nhấn mạnh, chắc chắn Vingroup đã có những tính toán kỹ lưỡng vì đây là bài toán quyết định chiến lược quan trọng, xuyên suốt thời gian tới của tập đoàn. “Điều chỉnh chiến lược kinh doanh là việc làm hết sức bình thường của một doanh nghiệp có tầm nhìn xa. Còn việc điều chỉnh đó có khả thi hay không phụ thuộc rất nhiều vào con người, đội ngũ quản trị của tập đoàn”, ông Lực nói.

Cũng theo góc nhìn của ông Lực, việc tập trung xây dựng Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp – Thương mại Dịch vụ hàng đầu Việt Nam chứng tỏ Vingroup đã nhìn nhận ra những tiềm năng của thị trường này trong tương lai. “Việt Nam là một thị trường có tiềm năng, kinh tế phát triển tốt, dự báo đến năm 2025 vẫn có thể duy trì đà tăng trưởng 6,57% như hiện nay. Ngoài ra, cơ cấu dân số trẻ, thị hiếu tiêu dùng tăng, công nghiệp nền tảng, công nghệ công nghiệp còn tương đối non trẻ sẽ là những yếu tố thuận lợi để Vingroup khai thác”, ông Lực dẫn giải.

Đồng tình với ý kiến của ông Lực, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: “Với bất cứ doanh nghiệp nào, việc tái cơ cấu là điều hoàn toàn bình thường. Bởi trong quá trình đầu tư không thể dàn trải mà cần phải tỉnh táo để bỏ bớt và chuyển giao”.

Ông Long phân tích, Vingroup tập trung cho VinFast với ước mơ về một chiếc xe Việt nên việc phải dồn sức, tập trung nguồn lực cho mục tiêu cốt lõi này là hoàn toàn dễ hiểu. “Trên thế giới, đặc biệt với những doanh nghiệp quy mô lớn, có thời điểm sẽ thấy họ mở rộng hệ sinh thái một cách dồn dập. Đó cũng là cách họ đầu tư dàn trải có mục đích để tìm hiểu thị trường, tìm ra thế mạnh của mình cũng như giá trị cốt lõi để theo đuổi. Nhưng về lâu dài, họ sẽ thu hẹp lại, tái cơ cấu để chỉ tập trung vào mục tiêu chính thôi”, ông Long phân tích.

Nói về việc Vingroup tập trung vào lĩnh vực công nghệ và coi đây là mũi nhọn, ông Long khẳng định điều này hoàn toàn đúng. “Vingroup đang dẫn đầu về công nghệ 4.0. Thế kỷ 21 lại là thế kỷ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 - nền tảng để phát triển cho tất cả các lĩnh vực khác”, ông Long nói.

Trả lời VTC News, tiến sĩ - chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành – Nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng, ví von: “Một doanh nghiệp cũng như một con người, cũng trải qua tất cả các thời kỳ để phát triển, chuyển đổi từ thể lực đến trí lực đến năng lực hoạt động. Việc Vingroup ngừng hoạt động cái này để phát triển cái kia cũng là điều bình thường”.

Ông Thành cũng khẳng định, công nghiệp – công nghệ thực sự là lĩnh vực chủ chốt của thế kỷ mới, mà bất cứ doanh nghiệp có tầm nào như Vingroup cũng phải hướng đến.

Nhóm PV
Bình luận
vtcnews.vn