19h tối 26/12, chợ đầu mối Tân Hòa, phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột nhộn nhịp người mua bán. Theo quan sát của phóng viên, trong chợ có 4 điểm bán giá đỗ bỏ sỉ. Tuy nhiên, khi phóng viên tới hỏi chuyện thì các chủ cửa hàng đều đứng dậy bỏ đi.
Bà Hà Thị Nụ, một tiểu thương tại huyện Ea Kar, Đắk Lắk, thường xuyên lấy giá đỗ ở chợ Tân Hòa, chia sẻ: "Tôi hay lấy giá đỗ của nó, cái thằng đó nó bị bắt rồi. Giá đỗ bữa trước nó ủ thuốc, ngắn, mập, bữa nay giá dài. Người ta ăn quen giá mập kia rồi, người ta cứ đòi giá đó nhé, người ta không có biết. Mình cứ thế là mua chứ đâu biết đâu".
Thông tin về việc giá đỗ ngâm chất cấm ở Đắk Lắk khiến cả tiểu thương, người tiêu dùng, chủ quán ăn lo lắng. Chị Dung, chủ quán bún phở tại phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột, kể: "Có một vài ngày tôi tìm khắp các chợ mà không thấy giá đỗ. Khi hỏi thăm, mọi người bảo rằng giá đỗ bị bắt vì ngâm hóa chất. Nghe xong tôi rất lo lắng, mấy ngày nay cũng không dám nhập giá đỗ về bán nữa. Tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý tỉnh trạng này.”
Trong khi dư luận đang xôn xao về vụ việc, các cơ quan chức năng lại thể hiện sự thiếu phối hợp và sự lúng túng trong việc giải quyết.
Phóng viên đã liên hệ với các cơ quan liên quan như Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Thanh tra Sở Nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ở Đắk Lắk, nhưng tất cả những người có trách nhiệm đều lảng tránh tiếp xúc.
Đây là trả lời từ phía Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Đắk Lắk: "Em phải hỏi bên Sở Nông nghiệp, bên anh chỉ nắm thôi, không phải lĩnh vực của chúng tôi."
Phóng viên tiếp tục liên hệ với Thanh tra Sở Nông nghiệp Đắk Lắk, câu trả lời là: "Nếu là sản phẩm bán ra thị trường thì hỏi bên Sở Công Thương. Còn bên chúng tôi chỉ quản lý sản xuất".
Khi phóng viên trực tiếp đến Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk, cũng chỉ nhận được câu trả lời rằng: "Cái đó không phải chất bên mình, bên thực phẩm chứ không phải bên mình".
Xin nhắc lại sự việc rằng trong năm 2024, khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất độc hại đã bán trên thị trường Đắk Lắk; trung bình mỗi ngày khoảng từ 8 đến 10 tấn. Chất 6-Benzylaminopurine mà các đối tượng sử dụng ngâm ủ giá đỗ là chất kích thích tăng trưởng tế bào, gây ngộ độc cấp tính với người, nếu ăn số lượng lớn thực phẩm chứa loại hóa chất này có thể gây tử vong; nếu tiếp xúc hít, qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh.
Vậy nhưng, câu trả lời từ các cơ quan chức năng ở Đắk Lắk đang khiến cho vụ việc trở nên mù mờ và chưa có giải pháp xử lý triệt để hành vi sử dụng chất độc hại này ngâm ủ giá đỗ bán trên thị trường. Vậy ai sẽ bảo vệ sức khỏe cho người dân khi các cơ quan chức năng không rõ ràng trách nhiệm?
Bình luận