• Zalo

Gia đình người hiến tạng có quyền biết thông tin cá nhân của người nhận?

Tin tức Thứ Ba, 23/03/2021 11:38:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Câu chuyện bà T.T.N., 71 tuổi ở Hải Dương có nguyện vọng gặp lại người nhận trái tim của con trai mình sau khi hiến tạng khiến dư luận xôn xao những ngày qua.

Về vụ việc trên, theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) việc hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác được xem là quyền cơ bản của mỗi công dân trong xã hội. Đây cũng được xem là hành động đẹp, mang tính nhân đạo của người cho với người nhận, thể hiện tình tương thân tương ái.

Ở góc độ cá nhân, ông Bình cho rằng hiến tạng là nghĩa cử cao đẹp của con người đối với người khác, đây cũng được xem như là trách nhiệm xã hội. Có rất nhiều người được cứu sống, được khỏe mạnh khi nhận một phần mô, nội tạng của người hiến tặng. Mô, bộ phận cơ thể đó không chết đi mà sống cùng với người được hiến tặng. Đây là một nghĩa cử hết sức nhân văn của con người khi đã chết.

Tuy nhiên, về luật pháp, tại Điều 4 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận trên cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định rõ các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Đó là tự nguyện đối với người hiến, người được ghép. Vì mục đích nhân đạo như chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học, không nhằm mục đích thương mại. Ngoài ra, luật cũng quy định phải giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Gia đình người hiến tạng có quyền biết thông tin cá nhân của người nhận? - 1

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM).

Mặt khác, căn cứ điểm a, khoản 5, Điều 44 Nghị định 117 năm 2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tế thì hành vi tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của các bên hoặc pháp luật có quy định khác sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

“Do đó, nếu một cơ sở nào đó thực hiện kết nối giữa người hiến tim và người nhận tim dưới bất cứ hình thức nào đều là không đúng quy định, là vi phạm pháp luật. Còn nếu người nhận tha thiết gặp người hiến, họ sẽ tìm cách để gặp phía gia đình người hiến. Còn nếu người này không muốn đến và muốn giữ cuộc sống riêng tư thì người ta hoàn toàn có quyền đó. Việc để các bên mang ơn nhau có thể làm mất đi tính nhân văn của nghĩa cử hiến tim cứu người”, ông Bình nói.

Trong câu chuyện của bà N., luật sư Bình cho biết Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đều thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình về Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận trên cơ thể người và hiến, lấy xác.

“Theo tôi, trong trường hợp này, việc cả 2 bệnh viện đều không thể cung cấp thông tin về người nhận tạng cho bà N. đúng theo pháp luật. Trừ khi 2 bên hiến tạng là bà N. và bên nhận tạng đều đồng ý, tự thoả thuận với nhau. Việc này đã quy định rất rõ nên các bên đều cần phải tuân thủ. Ngoài ra, đôi khi việc tiết lộ thông tin người nhận cũng có nguy cơ làm ảnh hưởng tới tâm lý cũng như sức khoẻ của người nhận tạng”, ông Bình nhấn mạnh.

Tháng 9/2020 con trai bà N. không may bị tai nạn lâm tình trạng chết não tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Bà N. đồng ý hiến tạng cứu sống 6 người khác. Trong đó, trái tim được chuyển sang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để ghép cho một bệnh nhân bị viêm cơ tim thể giãn giai đoạn cuối.

Ngày làm tang lễ cho con tai bệnh viện, 5 gia đình nhận tạng của con trai bà đều có mặt để cảm ơn, chia sẻ. Đáng quý hơn, từ đó tới nay, bà N. vẫn giữ liên lạc với những người này. Duy chỉ có gia đình người nhận trái tim con trai bà vẫn chưa có bất cứ thông tin gì.

Vì việc này, nhiều lời đồn đoán cho rằng bà N. đem bán tim con trai với giá 2 tỷ đồng. Việc này khiến bà đau buồn và suy sụp suốt nhiều ngày, thậm chí có thời điểm phải uống thuốc an thần. Bà luôn mong được gặp người nhận trái tim của con.

Thông tin về vụ việc, theo giáo sư, tiến sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh viện nắm được thông tin và chia sẻ với nguyện vọng của bà N. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, bệnh viện và các bác sĩ không được cung cấp thông tin và địa chỉ của người hiến và người nhận tạng để tránh trường hợp không hay xảy ra.

Về lý do 5 gia đình nhận tạng vẫn có thể gặp được bà N., lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, theo Khoản 4, Điều 4 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có quy định nguyên tắc “Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác”.

Vì vậy, trong trường hợp của bà N. và những gia đình nhận tạng của con bà gặp mặt nhau đều không trái pháp luật. Bởi các gia đình trên đều chủ động liên lạc với gia đình người hiến và người nhận cũng mong muốn được gặp mặt. “Mặc dù bệnh viện đã giữ bí mật thông tin về người cho và nhận tạng. Nhưng đây là hành động tự nguyện của 2 bên và có thoả thuận riêng, nên hoàn toàn không trái pháp luật”, lãnh đạo bệnh viện cho biết.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn