• Zalo

Gen COVID: Thế hệ lớn lên dưới cái bóng của COVID-19

Tin tức - Sự kiệnThứ Tư, 29/12/2021 12:30:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Đối với nhiều người thuộc thế hệ gen C, hay Gen COVID, hai năm qua tràn ngập sự thất vọng và mất mát khi dịch bệnh làm gián đoạn cả đời sống học đường và xã hội.

Dù không có định nghĩa chính xác nào về ranh giới giữa các thế hệ, nhưng cuộc sống và tư duy của mỗi lứa tuổi đều được định hình bởi các sự kiện trên thế giới xung quanh họ. Những người sinh ra vào những năm sau Thế chiến II để lại ấn tượng bởi tinh thần làm việc mạnh mẽ, còn thế hệ lớn lên trong thời đại Internet có được tư duy toàn cầu hóa hơn nhiều.

Vậy còn những em nhỏ và thanh thiếu niên trưởng thành trong thời gian COVID-19 “thống trị” khắp thế giới thì sao?

Gen COVID: Thế hệ lớn lên dưới cái bóng của COVID-19 - 1

Đại dịch COVID-19 khiến trẻ em và thanh thiến niên ít được tương tác với bạn bè cùng trang lứa. (Ảnh: The Strait Times)

Gần hai năm sau đại dịch COVID-19, ngày càng có nhiều thanh niên thất học, suy dinh dưỡng và trầm cảm trên khắp châu Á trong khi các gia đình phải vật lộn để đối phó với tình trạng mất việc làm và tài chính eo hẹp.

Họ phải thích nghi với việc học ở nhà, ít được tương tác với bạn bè, xã hội. Dù các bậc phụ huynh đã cố gắng hết sức để đảm bảo con cái của họ có được khoảng thời gian ý nghĩa, nhưng theo các chuyên gia, không gì có thể thay thế được vai trò của sự tương tác mặt đối mặt với trẻ nhỏ.

Ông Yong Ming Lee, từ Viện Giáo dục Quốc gia (NIE) tại Hàn Quốc, cho biết việc học trực tuyến “gần như là bất khả thi” đối với trẻ em còn quá nhỏ tuổi.

Đối với những em thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên, thời gian này cũng khó khăn không kém. Các lệnh phong tỏa và hạn chế kéo dài liên miên đã khiến nhiều em gặp khủng hoảng về tâm lý và vấn đề về thể chất. Nếu không có các biện pháp cải thiện phù hợp, tình trạng tự tử vì trầm cảm ở thanh thiếu niên sẽ tăng cao.

Gen COVID: Thế hệ lớn lên dưới cái bóng của COVID-19 - 2

Việc bị cô lập trong thời gian dài có thể khiến sức khỏe tâm thần của trẻ em.

Lớn lên trong sự cô lập

Đại dịch COVID-19 khiến trẻ em và thanh thiến niên ít được tương tác với bạn bè cùng trang lứa, điều này có thể ảnh hưởng đến việc hình thành các kỹ năng xã hội sau này. 

Ông John Shepherd Lim, giám đốc của Trung tâm Tư vấn Singapore, cho biết: “Mặc dù lớn lên trong sự cô lập có thể giúp họ tự chủ hơn, nhưng điều quan trọng là những thanh thiếu niên này phải duy trì được mức độ hòa đồng lành mạnh”.

Việc bị cô lập trong thời gian dài có thể khiến sức khỏe tâm thần của cả trẻ em và các bậc phụ huynh trở nên tồi tệ hơn. Do đó, ông Bryan Tan, giám đốc điều hành của Trung tâm Fathering, gợi ý rằng các thành viên gia đình nên cố gắng dành thời gian gắn bó với nhau.

Thực tế cho thấy rằng những đứa trẻ thường xuyên giao tiếp với cha mẹ trong bữa ăn gia đình ít có biểu hiện trầm cảm và lo âu hơn”, ông Tan nói.

Giới trẻ Đông Nam Á bỏ học, tỷ lệ tảo hôn tăng vọt

Ở Indonesia - nơi có 1/4 dân số ở độ tuổi từ 10-24 - các bậc phụ huynh đã cho con thôi học hoặc ép con gái nhỏ phải kết hôn để giảm bớt gánh nặng tài chính.

Độ tuổi kết hôn hợp pháp cho cả nam và nữ là 19 ở đa số quốc gia theo đạo Hồi, nhưng dữ liệu thực tế cho thấy các cuộc tảo hôn đã tăng từ 23.126 năm 2019 lên 64.211 vào năm 2020 .

Tại Thái Lan, ít nhất 10.000 học sinh đã bỏ học kể từ khi đại dịch bắt đầu. Theo giáo sư Sompong Jitradub, giám đốc của Quỹ Giáo dục Công bằng (EEF), con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên 65.000 vào cuối năm nay.

Ấn Độ cũng gặp tình trạng tương tự. Năm nay, có tới 4,6% trẻ em tại quốc gia này không đi học trong năm nay, gần gấp đôi năm 2018. Số liệu chính thức cho thấy khoảng 150 triệu trẻ em Ấn Độ không được đến trường học.

Cả thể chất và tinh thần đều cạn kiệt

Tính đến ngày 14/10, Ấn Độ ghi nhận 1,77 triệu trẻ em “suy dinh dưỡng cấp tính”, tăng tới 91% so với hồi tháng 11/2020.

Tiến sĩ Jitendra Nagpal, bác sĩ tâm thần cấp cao tại bệnh viện Moolchand ở New Delhi, cho biết các trường hợp trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên Ấn Độ tăng tới ba lần.

Tình trạng này là hậu quả của thời gian dài áp dụng các biện pháp tăng cường chống dịch, khiến những người trẻ tuổi buộc phải học ở nhà và ít tương tác với bạn bè hơn.

Bà Margaret Lim 54 tuổi, một người nội trợ tại Malaysia, cho biết hai con của bà hầu như không đi chơi xa, bỏ lỡ tất cả các sự kiện thể thao và các buổi hòa nhạc thường niên do trường tổ chức.

Tôi nghĩ các con tôi khá chán nản vì điều đó. Một trong hai thì sợ bị lây virus đến nỗi không dám bước ra khỏi nhà ngay cả khi chúng tôi không ở trong giai đoạn phong tỏa”, bà Lim cho biết.

Gen COVID: Thế hệ lớn lên dưới cái bóng của COVID-19 - 3

Các lệnh phong tỏa và hạn chế kéo dài liên miên đã khiến nhiều trẻ em gặp khủng hoảng về tâm lý và vấn đề về thể chất. (Ảnh: Getty Images)

Nhiều thanh thiếu niên có nguy cơ tự tử vì trầm cảm 

Lối sống trong đại dịch khiến thanh thiếu niên rất dễ hay đổi tâm trạng, mất ngủ, thiếu tập trung và gặp một loạt các vấn đề về hành vi khác. 

Theo một cuộc khảo sát của Bộ Trao quyền cho Phụ nữ và Bảo vệ Trẻ em ở Indonesia, 13% số thanh thiếu niên dưới 18 tuổi được hỏi cho biết họ bị trầm cảm từ nhẹ đến nặng.

Tại Philippines, một nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ những trường y hàng đầu quốc gia cho thấy đại dịch đã khiến sức khỏe tâm thần ở trẻ em từ 5-15 tuổi xấu đến mức đáng báo động.

Nghiêm trọng hơn, những người có các biểu hiện trên trong thời gian dài có thể tự tử vì trầm cảm. 

Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở Thái Lan. Cơ quan Kiểm tra Sức khỏe Tâm thần thuộc Bộ Y tế Thái Lan đã thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến ​​trong hơn 18 tháng xảy ra đại dịch. Theo dữ liệu tính đến tháng 9 năm nay, 32% trong số 183.974 thanh thiếu niên được khảo sát có nguy cơ trầm cảm, trong khi 22% có nguy cơ tự tử. 

Gen C vẫn nỗ lực thích nghi và hướng tới 'bình thường mới'

Blogger người Thái Lan Thanaporn Limrungsukho, 41 tuổi, cho biết hai người con của cô đã thân nhau hơn sau thời gian phong tỏa.

Chúng vẫn xung đột, nhưng sau đó, chúng đã học được cách thỏa hiệp hoặc thương lượng với nhau, tôi nghĩ đó đều là những kỹ năng cần thiết”, cô Limrungsukho nói.

Bé Ursula Merveille Virinescia 10 tuổi, người Indonesia, cho biết em đã học được các kỹ năng mới như vẽ, vẽ và tạo hình ảnh động trên ứng dụng điện thoại thông minh của mình.

Một thiếu niên khác cũng sống tại Indonesia, Guido Anderlecht Aurelius Maximus, 18 tuổi, cho biết thời gian phong tỏa giúp em có cơ hội luyện tập nhiều hơn cho ước mơ thi đấu bida. 

Em hy vọng trong hai năm tới mình có thể giành chiến thắng trong các cuộc thi bida khác nhau… để em có thể bắt đầu công việc kinh doanh liên quan đến bida trong tương lai”, Maximus chia sẻ.

Đại dịch cũng rèn giũa kỹ năng nấu nướng của một số trẻ em, chẳng hạn như Almas Sumaiyah Mardhiah, 12 tuổi, người Malaysia.

Những gì em thu được từ đại dịch này là cơ hội học hỏi về chính bản thân và cải thiện kỹ năng nấu ăn của mình bằng cách thử nhiều công thức mới”, Mardhiah nói.

Em hy vọng trong thời gian hai năm, chúng ta sẽ có thể trở lại cuộc sống bình thường mà không cần đeo mặt nạ hay lo lắng về COVID-19”.

Trần Trang(Nguồn: Straits Times)
Bình luận
vtcnews.vn