• Zalo

Facebook, Google, Microsoft luôn có hàng trăm người 'săn tìm' dân học Toán

Giáo dụcThứ Ba, 14/11/2017 07:38:00 +07:00 Google News

TS Trần Nam Dũng cho biết các tập đoàn khổng lồ Facebook, Google, Microsoft, Amazon, Intel,… đều thường trực có hàng chục đến hàng trăm vị trí "săn tìm" dân học Toán.

Trong buổi giao lưu ngành Toán toàn miền Bắc năm 2017, TS Trần Nam Dũng (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, Phó Tổng biên tập Tạp chí Pi) cho biết các tập đoàn khổng lồ facebook, Google, Microsoft, Amazon, Intel,… đều thường trực có hàng chục đến hàng trăm vị trí "săn tìm" dân học Toán. 

Nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Chia sẻ trong một buổi tọa đàm về toán, Giáo sư Ngô Bảo Châu phát biểu: “Tương lai đang nằm trong tay những người am hiểu về Toán học”.

Theo ông Châu, toán học ngày càng thể hiện vai trò rõ nét hơn trong phát triển công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, tổ chức kinh tế.

Anh 01

Theo GS. Ngô Bảo Châu, “Tương lai đang nằm trong tay những người am hiểu về Toán học”.

GS. TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cũng cùng chung quan điểm này khi cho rằng học sinh phổ thông muốn thích ứng được với cách mạng công nghiệp 4.0 hay 5.0, 6.0 thì phải được học những thứ cơ bản để giải quyết vấn đề như môn Toán.

Thật vậy, nhìn nhận một cách đơn giản, thế giới là tập hợp của những thuật toán, nhất là trong kỷ nguyên bùng nổ khoa học công nghệ. Chế tạo robot, trí tuệ nhân tạo, hệ thống dữ liệu lớn, công nghệ học máy… tất cả đều được xử lý bằng Toán học.

Việc ứng dụng thành quả của Toán học vào việc phát triển công nghệ mới chính đã giúp nền công nghiệp toàn cầu bước vào một cuộc “lột xác” mang tên Cách mạng công nghiệp 4.0.

Học Toán thế nào cho hiệu quả?

Hiểu được tầm quan trọng của môn Toán là một chuyện, nhưng làm sao để học toán hiệu quả trong khi đây vốn được xem là môn học khô khan, cứng nhắc, dễ gây nhàm chán đối với phần đông học sinh.

Đây cũng là băn khoăn chung của những người làm giáo dục khi nhiều thầy cô giáo vẫn gặp khó khăn trong việc truyền đạt kiến thức, mà quan trọng hơn là cảm hứng học toán cho các em.

“Những nguyên lý giúp trẻ học hiệu quả hơn là phong cách "vừa học vừa chơi", sự tương tác, công nghệ multimedia và sự đa dạng trong việc thực hiện các loại câu hỏi kiểm tra đánh giá giúp trẻ phản ứng linh hoạt.” TS. Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo), chia sẻ.

Anh 02

Các cuộc thi trên Internet như Violympic tạo ra động lực, hứng thú học tập cho các em học sinh, nhất là với các môn những tưởng khô khan như môn Toán

Ông Ngọc cho biết thêm việc áp dụng công nghệ thông tin vào học Toán mang lại nhiều lợi ích như: học sinh động hơn, bài toán được minh họa với multimedia.

Học sinh có thể vẽ hình, đồ thị thậm chí theo không gian ba chiều mà bình thường làm bằng tay rất khó, tìm các tài liệu tham khảo, bài giảng của nhiều thầy dạy giỏi.

Bên cạnh đó, chi phí dành cho việc áp dụng công nghệ thông tin và học toán không quá tốn kém.

Theo TS. Trần Nam Dũng, các cuộc thi không chỉ để kiểm tra, đánh giá, mà còn tạo không khí học tập cho học sinh, là gốc của sự học. Ngoài ra, các cuộc thi còn là những sân chơi tạo nên sự thi đua, hứng khởi và động lực cho học sinh.

Nói cách khác, việc ứng dụng công nghệ và sức mạnh Internet vào đổi mới phương thức học tập và thi cử có thể là mấu chốt để tạo ra những cuộc thi có đủ sức hút đối với các em học sinh.

Theo GS.TSKH Đỗ Đức Thái (Đại học Sư phạm Hà Nội): “Vấn đề cốt lõi nhất của việc dạy học Toán cho học sinh là làm thế nào để các em có được một động cơ học tập toán thật tốt, tức là phải tạo cho trẻ em niềm vui khi học toán, học mà chơi, chơi mà học, phải thấy được vẻ đẹp từ những con số, những phép toán hay những hình vẽ. Chương trình toán nên gắn liền với thế giới xung quanh trẻ.

Có rất nhiều cơ hội giúp trẻ học toán mà không cần sách vở. Hơn nữa, có rất nhiều phương tiện nghe nhìn, công nghệ thông tin mà các em được tiếp xúc, có nhiều hình thức học và giải toán trên các phương tiện đó, chẳng hạn các kỳ thi giải toán qua Internet như ViOlympic cũng là những kênh có ích trong việc giúp trẻ học Toán”.

Có thể nói, nếu không có ứng dụng công nghệ, không có internet, không thể có cuộc thi nào thu hút được hàng chục triệu thí sinh trên toàn quốc, lan tỏa rộng khắp các khối từ lớp 1 đến lớp 12 như cuộc thi Violympic Toán, tiếng Anh.

Với hình thức thi trực quan sinh động, như một trò chơi hấp dẫn và bổ ích trên máy tính hay thiết bị điện tử dành cho học sinh, qua đó giúp các em nhanh chóng làm quen với môn toán ngay từ những năm đầu đi học, lại vừa nâng cao được kỹ năng sử dụng máy tính và Internet.

Học sinh cũng được tạo điều kiện tiếp cận nhanh nhất với nguồn học liệu trên Internet, qua đó tăng tính chủ động và hình thành phong trào học tập, rèn luyện toán học trên cả nước. Đây cũng là cách thức tiếp cận công nghệ lành mạnh, bổ ích, góp phần lan tỏa niềm đam mê toán học cho học sinh các cấp.

Việc ứng dụng công nghệ vào dạy và học cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tới các cấp trong chỉ thị số 2699/CT-BGDĐT về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017-2018 của ngành giáo dục, công văn số 4116/ BGDĐT-CNTT về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin.

Tuy vậy, khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang gõ cửa, bên cạnh việc tự triển khai các ứng dụng CNTT trong các sở, ngành, trường học, nên chăng Bộ cần ủng hộ, tận dụng các ứng dụng, các hình thức thi trực tuyến có sẵn.

Bên cạnh đó, Bộ cũng cần yêu cầu sát sao hơn về nội dung theo hướng bổ sung thêm các nội dung mang tính ứng dụng thực tiễn, gỡ bỏ bớt các chính sách tạo áp lực cho học sinh và thầy cô giáo để các ứng dụng, cuộc thi toán trực tuyến thực sự trở thành công cụ hiệu quả hỗ trợ phong trào học tập cho học sinh cả nước, góp phần tạo ra đội ngũ nhân lực ngành Toán sẵn sàng hội nhập toàn cầu.

 >>> Đọc thêm: Toàn cảnh triển lãm 'Viettel với cuộc cách mạng 4.0' tại TP.HCM

Vân Anh
Bình luận
vtcnews.vn