Dịch bệnh đặt ra những thách thức chưa từng có và gây gián đoạn lớn đối với hoạt động kinh tế toàn cầu. Kinh tế Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, không tránh khỏi những khó khăn của bài toán cân bằng giữa phát triển và chống dịch, trong khi giới chuyên gia lo ngại việc những biện pháp hạn chế kéo dài quá lâu có thể tiếp tục gây áp lực tắc nghẽn chuỗi cung ứng và giảm thu hút đầu tư nước ngoài.
Malaysia đã cắt giảm một nửa dự báo tăng trưởng năm 2021 xuống còn 3% - 4% khi số ca COVID-19 hàng ngày đạt kỷ lục. Hy vọng phục hồi của Thái Lan đối với ngành du lịch quan trọng cũng trở nên mờ nhạt, sau khi chỉ 26.000 khách đến Phuket so với chỉ tiêu 100.000 khách trong một chương trình hỗ trợ du lịch.
Tái mở cửa và tìm cách sống chung với dịch đang là phương án được một số quốc gia xem xét. Trong khi đó, trong bối cảnh dịch bệnh, việc tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các đối tác quốc tế càng có ý nghĩa quan trọng.
Trước bối cảnh đó, VTC News có cuộc trao đổi với ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam về vấn đề này.
- Trong cuộc họp hôm 9/9 với Thủ tướng Phạm Minh Chính, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đặt ra nhiều vấn đề về việc tái mở cửa nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch. Ông có bình luận gì?
EuroCham rất vinh dự khi được có một cuộc thảo luận dài và chi tiết với ngài Thủ tướng. Đó là minh chứng cho thấy sự quan tâm và cam kết của ông ấy với doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam ngay cả trong những thời điểm nhiều thách thức.
Trong hơn 4 giờ thảo luận, chúng tôi đã chia sẻ những thông tin và khuyến nghị sâu sắc từ một nghìn thành viên về việc làm thế nào để bảo vệ tính mạng, sinh kế, điều kiện sống của mọi người và giúp chính phủ Việt Nam đạt được mục tiêu kép vừa đảm bảo sức khỏe vừa phát triển kinh tế.
Đặc biệt, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine COVID-19; đảm bảo sự lưu thông hàng hóa; nới lỏng chính sách đi lại cho người lao động; đẩy nhanh tốc độ cấp thị thực cho các lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà đầu tư và chuyên gia đã tiêm chủng; đảm bảo rằng các nhà máy và công ty có thể khôi phục hoạt động càng sớm càng tốt; và cần phải sống chung với virus trong bối cảnh “bình thường mới”.
Một trong những vấn đề bức thiết nhất là cần có hộ chiếu vaccine điện tử để những người đã tiêm chủng có thể đi lại thoải mái hơn cả trong nước và từ nước ngoài vào Việt Nam.
Đặc biệt, chúng tôi đã kêu gọi chính phủ Việt Nam thiết lập một quy trình cấp thị thực nhanh chóng cho các lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài và gia đình đang quay lại Việt Nam. Quy trình hiện tại tốn thời gian và cồng kềnh. Đây cũng là một trong những rào cản đáng kể đối với hoạt động thương mại và đầu tư, mà những hoạt động này sẽ là thiết yếu để đạt được tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch.
- Đánh giá về xu hướng doanh nghiệp EU chuyển một phần đơn hàng và quy trình sản xuất ra khỏi Việt Nam do đại dịch, ông cho rằng có khả năng các doanh nghiệp EU rời Việt Nam hay không?
Xin được nói rõ rằng theo dữ liệu của chúng tôi, chưa đến một phần năm các thành viên di chuyển một phần việc sản xuất ra ngoài Việt Nam. Còn chúng tôi chưa biết về các công ty rời Việt Nam hoàn toàn. Điểm chính mà chúng tôi muốn đề cập với Thủ tướng là, nếu tình hình đóng cửa và các hạn chế hiện tại đối với doanh nghiệp – như “3 tại chỗ”, cùng với thủ tục thị thực kéo dài, hạn chế di chuyển trong tỉnh vẫn tiếp tục trong một thời gian dài, điều đó có thể khiến các công ty xem xét lại hoạt động hoặc kế hoạch đầu tư của họ ở Việt Nam.
Hiện chúng tôi có thể thấy chính phủ Việt Nam đã bắt đầu đặt ra lộ trình để thoát khỏi những hạn chế này, nên tôi chắc chắn các công ty sẽ muốn duy trì ở Việt Nam về lâu dài.
- Bài học kinh nghiệm của doanh nghiệp EU tại các thị trường khác liên quan đến mở cửa nền kinh tế trong bối cảnh chống dịch căng thẳng và thiếu vaccine là gì? Ông có lời khuyên nào đối với Việt Nam?
Như chúng tôi chứng kiến ở châu Âu, cách duy nhất thoát khỏi đại dịch này là một chương trình tiêm chủng hàng loạt quyết liệt và tăng tốc. Các biện pháp hiện tại như phong tỏa, giãn cách xã hội, hạn chế du lịch,... cuối cùng cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Dù các biện pháp này đã từng phát huy tác dụng trong các làn sóng dịch bệnh trước đây, giờ chúng ta phải đối mặt với các biến chủng mới, dễ lây nhiễm hơn khiến việc kiểm soát kiềm chế dịch bệnh trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Vì vậy, điều cần nhấn mạnh bây giờ là phải tiêm chủng càng nhanh càng tốt, ưu tiên những người dễ bị tổn thương và nhóm làm công việc tuyến đầu. Chính phủ Việt Nam cũng đang theo đuổi hướng tiếp cận này, và tôi kêu gọi họ hãy cố gắng triển khai sâu rộng hơn và nhanh hơn nữa ở bất cứ nơi nào có thể, để đảm bảo chúng ta có thể tái mở cửa các doanh nghiệp và khôi phục cuộc sống bình thường càng sớm càng tốt.
- Gần đây Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có chuyến công du dài 1 tuần đến châu Âu và phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp, thể hiện nỗ lực phát triển hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa hai bên. Ông bình luận thế nào về việc một số quốc gia EU chưa thông qua Hiệp định bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA)?
Không như thương mại – nằm trong khả năng của EU, các thỏa thuận đầu tư yêu cầu từng nước thành viên EU phê duyệt. Vì vậy không ngạc nhiên khi EVIPA mất nhiều thời gian để phê duyệt và có hiệu lực hơn EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do).
Đặc biệt vì mỗi quốc gia thành viên còn tuân theo một quy trình riêng. Ví dụ, chỉ riêng Bỉ đã có 3 nghị viện cần thông qua thỏa thuận trước khi nó có thể có hiệu lực. Dù vậy việc phê duyệt vẫn đang diễn ra và chuyến thăm gần đây của ngài Chủ tịch Quốc hội Việt Nam chắc chắn đã giúp xây dựng thêm động lực mới và tăng tốc cho quá trình này.
- Nếu được thông qua, thỏa thuận hợp tác này sẽ bổ trợ như thế nào cho EVFTA?
Một khi được phê duyệt và thực hiện, EVIPA sẽ khiến các nhà đầu tư châu Âu tự tin hơn về đầu tư ở Việt Nam và về việc nguồn vốn của họ sẽ được bảo vệ tốt hơn. Đó là nhờ những quy tắc bảo hộ đầu tư hiện đại, cải tiến thay thế cho 21 IPA song phương giữa Việt Nam và riêng các nước thành viên EU.
Trong EVIPA, Việt Nam cũng đã hứa sẽ duy trì 5 nguyên tắc cơ bản: Bao gồm các quy định về không phân biệt đối xử; cho phép các nhà đầu tư chuyển nhượng hoặc hồi hương các quỹ liên quan đến đầu tư; bồi thường nhanh chóng và thỏa đáng trong các trường hợp trưng thu tài sản; cam kết đối xử công bằng và bình đẳng; và đảm bảo rằng các nghĩa vụ hợp đồng và pháp lý đối với nhà đầu tư sẽ được tôn trọng.
EVIPA cũng có định nghĩa rõ ràng hơn về "đối xử công bằng và bình đẳng". Điều này sẽ đảm bảo môi trường thương mại và đầu tư nhất quán hơn, vì sẽ loại bỏ các cách diễn giải tùy tiện. Cùng với nhau, các điều khoản - được thực thi thông qua một cơ chế giải quyết tranh chấp sáng tạo - sẽ giúp khuyến khích sự đầu tư lớn hơn từ EU trong tương lai.
- Việt Nam vẫn đang nỗ lực từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế. Sau khi Việt Nam mở cửa lại, các doanh nghiệp châu Âu có dự định như thế nào để phục hồi hoạt động sản xuất và kinh doanh thúc đẩy EVFTA?
EVFTA là một trong những công cụ sẽ giúp các công ty và nền kinh tế hai bên trở lại và phục hồi. Khi thỏa thuận đã có hiệu lực, việc loại bỏ dần thuế quan và mở cửa thị trường cho nhau giúp chúng ta có cơ hội tăng cường thương mại và đầu tư khi cần thiết nhất.
Tuy nhiên, để lập kế hoạch bắt đầu lại hoạt động kinh doanh bình thường, các công ty cần có những dự đoán và sự chắc chắn. Nói cách khác, chúng tôi cần một lộ trình rõ ràng để tháo bỏ các biện pháp hạn chế gần đây, giải quyết các rào cản đối với hoạt động thương mại và dựa vào một lộ trình có thể dự đoán được, chúng tôi sẽ có thể lên kế hoạch tái mở cửa các doanh nghiệp.
Bình luận