• Zalo

Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội lùi tiến độ, 'đội' vốn thêm 5.000 tỷ đồng

Tin nhanh 24hThứ Năm, 19/05/2022 19:18:00 +07:00 Google News

Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội (MRB) vừa có văn bản trình UBND TP Hà Nội xem xét, báo cáo Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án (PDO).

Chiều 19/5, đại diện MRB xác nhận thông tin đang đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Metro số 2 (tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội). Theo đó, MRB đang triển khai thực hiện 10/10 gói thầu chính; tiến độ tổng thể chung của dự án đạt 74,36% (trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 95,1%).

Mặc dù đến thời điểm hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của đoạn trên cao đã hoàn thành và bàn giao cho các nhà thầu, song vẫn tồn tại khiếu nại kéo dài của 177 hộ dân tại Depot; khó khăn cho việc bồi thường 50 toà nhà (không trong diện thu hồi đất) bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến hầm vì quy trình này chưa có trong tiền lệ theo các quy định pháp luật của Việt Nam...

Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội lùi tiến độ, 'đội' vốn thêm 5.000 tỷ đồng - 1

MRB đã kiến nghị TP Hà Nội báo cáo Chính phủ xin điều chỉnh thời gian hoàn thành và bổ sung nguồn vốn cho dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội.

Hiện dự án gặp nhiều khó khăn liên quan đến các gói thầu của dự án được ký theo mẫu Hợp đồng quốc tế FIDIC có nhiều điểm khác biệt với quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp tới việc gia hạn thời gian hợp đồng và bổ sung chi phí do việc kéo dài thời gian, dẫn đến các tranh chấp với nhà thầu quốc tế.

Trong quá trình đàm phán điều chỉnh, gia hạn hợp đồng, một số nhà thầu quốc tế lợi dụng tính cấp bách và phức tạp của án để gây sức ép lên chủ đầu tư, đề xuất giá trị phát sinh lớn và thiếu hợp tác.

Bên cạnh đó, tư vấn dự án Systra được chỉ định thông qua Nghị định thư giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam ngay từ đầu dự án, nên việc quản lý thực hiện và thương thảo, điều chỉnh hợp đồng của chủ đầu tư với tư vấn luôn gặp khó khăn. Đơn vị tư vấn chưa cung cấp đầy đủ, hiệu quả cho chủ đầu tư các giải pháp giải quyết các vấn đề trong quá trình triển khai để bảo đảm tiến độ dự án.

Những khó khăn, vướng mắc trên khiến 9/10 gói thầu của dự án cần phải ký kết các phụ lục gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung các chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng.  

Để thúc đẩy tiến độ dự án, đại diện MRB cho rằng cần phải điều chỉnh tổng mức đầu tư cho phù hợp với thực tế. Cụ thể, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 34.532 tỷ đồng tăng lên khoảng 4.905,24 tỷ đồng.

Theo MRB, việc điều chỉnh này là cần thiết vì sự biến động khách quan của tỷ giá quy đổi (tiền euro sang Việt Nam đồng) trong quá trình thanh toán khối lượng thực hiện dự án; do điều chỉnh thiết kế và các yêu cầu kỹ thuật để phù hợp với thực tế thi công và phù hợp với phương án vận hành hai giai đoạn; cập nhật các chi phí trong tổng mức đầu tư; bổ sung các phần việc còn thiếu do không lường trước được bởi đây là dự án có quy mô lớn, phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam trong khi các quy định pháp luật hiện hành, các quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa đồng bộ, kinh nghiệm thực tiễn triển khai chưa có…

Bên cạnh việc điều chỉnh mức đầu tư, MRB kiến nghị TP Hà Nội báo cáo Chính phủ xin điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án, từ giai đoạn 2009 - 2022 lùi lại thành 2009 - 2029. Trong đó đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao trong năm 2022; vận hành toàn tuyến vào năm 2027 và hoàn thành bảo hành, quyết toán vào năm 2029. 

(Nguồn: Tin tức TTXVN)
Bình luận
vtcnews.vn