• Zalo

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông nguy cơ vỡ tiến độ

Thời sựThứ Ba, 21/05/2013 07:00:00 +07:00 Google News

(VTC News) - Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt Trần Văn Lục vừa giải trình lý do khiến dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông có nguy cơ vỡ tiến độ.

(VTC News) - Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt Trần Văn Lục vừa giải trình lý do khiến dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông có nguy cơ vỡ tiến độ.

Phát biểu tại Hội nghị thông tin báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều nay (21/5), ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Cục Đường sắt Việt Nam) cho hay, tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đến nay vẫn còn chậm so với yêu cầu.

Vì đâu lỡ hẹn?

“Công tác giải phóng mặt bằng vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên tiến độ đang chậm so với yêu cầu, nhất là công tác giải phỏng mặt bằng trên địa bàn phường Phú Lương quận Hà Đông, mở rộng nghĩa trang Trinh Lương để di dời nghĩa trang Văn Nội, việc bàn giao mốc GPMB đoạn qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, hạ ngầm đường điện cao thế đoạn La Thành – Láng.

Nếu trong thời gian tới, công tác này vẫn tiếp tục chậm trễ, không đảm bảo được các mốc tiến độ đã xác định (nêu trong phụ lục) thì khả năng dự án sẽ không thể hoàn thành theo tiến độ đã nêu là rất lớn”, ông Lục nói.

Tiến độ của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông vẫn chậm.
Sau hơn 1 năm thi công, tiến độ của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông vẫn chậm.  

Cũng theo vị lãnh đạo này, so với tổng thời gian thực hiện hợp đồng là 65 tháng, đến nay, đã qua 40 tháng, tổng khối lượng công việc đã thực hiện mới chỉ đạt 39%.


Ông Lục lý giải: “Do thời gian đầu chủ yếu thực hiện công tác khảo sát, thiết kế, khối lượng thi công còn ít nên mới dẫn tới tình trạng trên. Đến nay, hạng mục chậm tiến độ nhiều nhất là khoảng 2 tháng (xây dựng bãi đúc dầm và xử lý nền đất yếu trong khu Depot)”.

Chia sẻ khó khăn với Ban quản lý dự án đường sắt này, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông cho hay: “Việc giải phóng mặt bằng cho dự án đã gặp phải không ít khó khăn, thêm vào đó, chúng tôi còn phải lo di chuyển 250 ngôi mộ sang nghĩa trang khác.

Đó là việc cực kì khó khăn vì theo tập quán của người Việt, việc di chuyển nghĩa trang chỉ nên được thực hiện vào khoảng thời gian từ 2 – 3 tháng trước hoặc sau Tết”.


Chồng chất kiến nghị

Trước những khó khăn, vướng mắc trên, ông Lục đã đề nghị UBND TP Hà Nội thành lập ngay Công ty O&M, hoặc giao cho một đơn vị có đủ chức năng của TP tiếp nhận tiểu dự án đào tạo nhân lực được tách ra từ dự án chính và tổ chức tuyển dụng nhân lực theo tiêu chuẩn của dự án để gửi đi đào tạo bắt đầu từ tháng 6 năm nay theo đúng kế hoạch do Tổng thầu EPC lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ban Quản lý cũng đề nghị UBND TP HN sớm phê duyệt quy hoạch không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực 47 Cát Linh và nút giao thông Cát Linh - Giảng Võ - Giang Văn Minh (trong đó có ga Cát Linh); đề nghị Sở Xây dựng và Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội sớm xem xét và có ý kiến về thiết kế kỹ thuật, biện pháp thi công các trụ DR1-DR14 (thuộc phạm vi lòng sông Tô Lịch) và các trụ AR4-AR6 (trong hồ Hào Nam) tạo điều kiện để chủ đầu tư sớm triển khai thi công...

Với tổng mức đầu tư khoảng 550 triệu USD, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) có điểm đầu là Ga Cát Linh (ngã 5 Giảng Võ – Cát Linh – Giang Văn Minh), điểm cuối là ga bến xe Hà Đông được xem là dự án trọng điểm có ý nghĩa quan trọng với Thủ đô, theo dự kiến, tuyến đường này sẽ được chạy thử vào quý 1/2015.

Theo thiết kế, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được xây dựng với chiều dài 13km, gồm 12 nhà ga, có năng lực vận chuyển tối đa 28.000 khách/giờ/hướng, được coi là trục giao thông xương sống góp phần giải quyết căn bản bài toán giao thông từ nội đô ra cụm đô thị vệ tinh ở khu vực phía Đông Hà Nội.



Minh Quân


Bình luận
vtcnews.vn