• Zalo

Đứng trước bờ vực phá sản, nhiều doanh nghiệp du lịch mòn mỏi chờ hỗ trợ

Thị trườngThứ Năm, 27/08/2020 07:00:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Để đối đầu với khủng hoảng, tránh nguy cơ phá sản khi COVID-19 hoành hành, các doanh nghiệp du lịch rất cần những gói cứu trợ kịp thời và hiệu quả.

Nhiều doanh nghiệp du lịch sắp phá sản

Theo Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), trong ba tuần vừa qua, hàng chục nghìn khách du lịch trong nước hủy tour, cụ thể như Hà Nội có khoảng 32.000 khách, TP.HCM hơn 35.000 khách, tỷ lệ hủy phòng khách sạn riêng trong tháng 8 ước khoảng hơn 90%. Điều này khiến hoạt động kinh doanh lữ hành và các dịch vụ liên quan gần như dừng hẳn, gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.

Cơn bão COVID-19 cũng khiến 137 doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải xin thu hồi giấy phép, số còn lại phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Đứng trước bờ vực phá sản, nhiều doanh nghiệp du lịch cho biết đang rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý Nhà nước giúp cả doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng của COVID-19 có thể cầm cự.

Đứng trước bờ vực phá sản, nhiều doanh nghiệp du lịch mòn mỏi chờ hỗ trợ - 1

Nhiều doanh nghiệp du lịch mong được tiếp cận gói hỗ trợ để vượt qua khủng hoảng. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Văn Tiến – Giám đốc Công ty Du lịch Blue Sky chia sẻ trước khi bùng phát dịch trở lại, tình hình tương đối khả quan. Có những ngày cao điểm nhân viên phải làm tới tận 12 giờ khuya để giải quyết yêu cầu đăng kí tour của khách thế nhưng khi dịch bùng phát, tất cả đều ngưng trệ.

COVID-19 tái bùng phát khiến hoạt động du lịch rơi vào đình trệ, đẩy các doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với tình trạng vô cùng khó khăn. Hơn 90% các tour trong nước đã bị hủy và không có đơn hàng mới. Trong khi đó chúng tôi vẫn phải trả lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng, hoàn tiền cho các đơn vị đối tác và khách hàng. Lúc này điều chúng tôi mong là được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi đến hết năm 2021”, ông Tiến nói.

Còn ông Đinh Đức Văn - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần đầu tư và Dịch vụ du thuyền Việt - Vietyach Club chia sẻ công ty có hơn 20 du thuyền nhưng giờ ngày nào nhiều cũng chỉ có một vài khách, còn hầu hết đều phải bỏ không, tính sơ sơ một du thuyền tiêu tốn đến gần chục triệu cho các chi phí từ bảo dưỡng đến bến bãi, thuế… nếu không được hỗ trợ kịp thời thì doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn.

Với tình hình như hiện nay, nếu không tiếp cận được nguồn vay ưu đãi cũng như các chính sách về phí, thuế thì chỉ trong thời gian ngắn nữa công ty sẽ phải đóng cửa hoàn toàn”,Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần đầu tư và Dịch vụ du thuyền Việt - Vietyach Club đề nghị.

Nhiều đại diện các doanh nghiệp du lịch cũng cho biết tình hình rất cấp bách, những giải pháp đã đề ra cần phải được thực hiện lúc này để giúp doanh nghiệp vượt qua COVID-19. Trong đó, chú trọng đến giải pháp về tài chính và thuế như miễn giảm tiền thuê đất, giảm giá điện, giảm thuế, cho vay ưu đãi.

Mòn mỏi chờ các gói hỗ trợ

Theo ông Đỗ Như Châu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Le Pavilon Hoi An - chia sẻ, hiện doanh nghiệp mới tiếp cận được chính sách ưu đãi giá điện, giảm phí, lệ phí với các hồ sơ, thủ tục... Với các chính sách còn lại các doanh nghiệp đều đánh giá khó tiếp cận như chính sách hỗ trợ tín dụng, thuế, phí, bảo hiểm.

"Chúng tôi có 400 nhân viên nhưng trong đợt COVID-19 lần 1 chưa đầy 1/2 số nhân viên được hưởng hỗ trợ an sinh. Vì vậy, mặc dù không có doanh thu, khách sạn phải đóng cửa nhưng trong 3 tháng 4,5,6 chúng tôi vẫn thực hiện hỗ trợ tối thiểu mỗi người 2 triệu đồng/tháng. Hiện khách sạn lại đóng cửa từ 28/7 nếu tiếp tục phải hỗ trợ nhân viên thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp nhưng chúng tôi cũng không thể đứng nhìn nhân viên không có nguồn thu nhập. Vì vậy, tôi mong sao những lao động chưa được hưởng hỗ trợ trong đợt COVID-19 lần trước sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ an sinh", ông Châu kiến nghị.

Ngoài ra theo ông Châu, mặc dù nhà nước có chủ trương cho các doanh nghiệp được vay ưu đãi nhưng trên thực tế để tiếp cận gói vay ưu đãi này rất khó khăn, đòi hỏi nhiều thủ tục doanh nghiệp khó đáp ứng.

"Chúng tôi có hai dự án khách sạn 5 sao chưa thực hiện vì thiếu nguồn vốn nhưng khi làm đơn vay thì điều kiện lại rất khó khăn. Nhiều ngân hàng từ chối vì cho rằng đang dịch phải đóng cửa khách sạn, thì xây khách sạn làm gì và lấy đâu ra tiền để trả nhưng chúng tôi cho rằng đây là thời gian để chuẩn bị cho một chiến lược dài hơi khi dịch qua đi, chứ đợi hết dịch mới triển khai thì quá muộn", ông Châu nói.

Tương tự như ông Châu, Ông Nguyễn Văn Tiến – Giám đốc Công ty Du lịch Blue Sky cho rằng mặc dù hiện tại dịch COVID-19 đang bùng phát và chưa biết đến khi nào mới có thể kiểm soát được nhưng các doanh nghiệp vẫn phải hoạt động và chuẩn bị sẵn sàng để có thể tái hoạt động khi dịch qua đi.

"Cái khó của doanh nghiệp lữ hành là không có tài sản đảm bảo nên ngân hàng không cho vay, trong khi chúng tôi rất cần nguồn vốn để tiếp tục duy trì hoạt động, cơ cấu lại doanh nghiệp, đặt cọc với các đối tác... Ngân hàng nên có các gói ưu đãi riêng dành cho các doanh nghiệp du lịch. Trong 1, 2 năm đầu mức lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp, sau đó chúng tôi sẵn sàng trả lãi suất với mức cao hơn như một sự bù đắp và để tương trợ cho ngành ngân hàng”, ông Tiến nói.

Còn đối với Công ty Cổ phần đầu tư và Dịch vụ du thuyền Việt - Vietyach Club, ngay từ COVID-19 lần 1 vì không thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng nên chủ doanh nghiệp này đã chủ động tìm cách xoay sở từ các nguồn khác nhưng cái họ cần lúc này là được gia hạn các loại thuế để giảm bớt gánh nặng chi phí.

"Được ngân hàng cho vay thì khó lắm vì vậy giờ chỉ còn trông chờ vào chính sách giảm thuế, gia hạn thuế thôi và thời hạn ít nhất cũng phải 1 năm thì chúng tôi mới có khả năng hoàn thuế bởi mùa cao điểm du lịch đã qua, từ giờ đến cuối năm doanh nghiệp còn có thể trụ được đã quá tốt", Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần đầu tư và Dịch vụ du thuyền Việt - Vietyach Club đề xuất.

Ngoài các chính sách giãn nợ, cho phép chậm nộp thuế, hỗ trợ giảm thuế VAT đến năm 2021, có chính sách giảm các chi phí điện, nước, viễn thông đến hết năm 2020, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng đề xuất về phía Tổng cục Du lịch cần có định hướng xây dựng chương trình kích cầu phù hợp, mang lại hiệu quả và hướng tới khách du lịch trong nước cũng như những thị trường các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh để có thể nhanh chóng đón khách trở lại. Trong đó, tập trung triển khai chiến dịch truyền thông chung trong cả nước dưới nhiều hình thức, giới thiệu Việt Nam là điểm đến an toàn khi tình hình cho phép.

Lan Hương
Bình luận
vtcnews.vn