• Zalo

Dựng tóc gáy lời đồn 'ma ám' ở hang mộ trên vách đá

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 04/08/2015 06:29:00 +07:00 Google News

Theo lời thầy cúng Mùi Văn Chiển, rồi cả Bí thư Đinh Văn Sửu, thì tất cả những người xâm phạm hang ma đều bị trừng phạt.

(VTC News) - Theo lời thầy cúng Mùi Văn Chiển, rồi cả Bí thư Đinh Văn Sửu, thì tất cả những người xâm phạm hang ma đều bị trừng phạt.


Kỳ 2: Lời đồn 'ma ám'


Những câu chuyện dựng tóc gáy về hang hang động chứa xương cốt ở Suối Bàng (Vân Hồ, Sơn La) có kể cả ngày không hết.

Theo lời thầy cúng Mùi Văn Chiển, rồi cả Bí thư Đinh Văn Sửu, thì tất cả những người xâm phạm hang ma đều bị trừng phạt.

Bản Khoang Tuống nằm ngay sau trung tâm xã và có núi Khoang Tuống dựng đứng phía sau lưng. Ở độ cao chừng 200m so với chân núi, có 3 hang động có quan tài thân cây, gồm hang Tạng Háo, Khoang Tuống và Lang Chánh.

Ông Chiển chỉ tay lên vách đá có quan tài thân cây. Vách đá này dựng đứng, không thể trèo lên được.
Ông Chiển chỉ tay lên vách đá có quan tài thân cây. Vách đá này dựng đứng, không thể trèo lên được. 

Cuốc bộ leo núi dốc ngược đến khi hơi chồn chân, thì những cái hang nhỏ kiểu hàm ếch hiện ra. Độ cao của hang chỉ chạm đầu người, rộng độ vài mét, nhưng những thân cây khoét rỗng nhét chật ních. Người nắm rõ mấy hang mộ này là ông Mùi Văn Khương, nguyên Chủ tịch UBND xã Suối Bàng.

Nhà ông Khương ở ngay dưới chân núi Khoang Tuống, nên từ nhỏ ông Khương đã biết đến sự hiện diện của hang đá có những quan tài kỳ lạ.

Hồi đó khoảng năm 1970, có một giáo viên người xuôi lên đây cắm bản dạy học, khi nghe ông Khương nói về hang ma, thì rất tò mò, muốn ông Khương dẫn lên xem. Vị giáo viên kia là người Kinh, nên không sợ những truyền thuyết ghê rợn, không sợ ma ám theo về.

Mặc dù rất sợ, nhưng bị giáo viên kia thuyết phục, nên ông Khương đã leo lên núi để thám hiểm hang động chứa quan tài.

Khi đó, đường lên những hang động này rậm rịt, dây leo mọc chằng chịt. Ông Khương mang theo đèn lửa, đốt đuốc chui vào hang.

Quan tài xếp chênh vênh trên vách đá
Quan tài xếp chênh vênh trên vách đá 

Hang Tạng Háo không rộng lắm, chiều ngang chỉ độ 4m, cao bằng đầu người, nhưng đi sâu vào trong thì chia thành hai ngách, ăn sâu vào trong lòng núi. Phía trong ngách, nơi đặt quan tài tối om, phải đốt đuốc mới nhìn thấy 7 đoạn thân cây khoét rỗng nằm xếp chồng lên nhau.

Khi đó, vị giáo viên kia không tin đây là những quan tài, nên đã dùng đá đập tụt mấy cái chốt, khiến quan tài bửa làm đôi, lộ ra những đoạn xương ống, hàm răng và chiếc đầu lâu trắng hếu.

Nghĩ trong những quan tài này thế nào cũng có của quý nên hai người đã phá tung tóe hang ma. Thế nhưng, của cải chẳng thấy đâu, chỉ thấy xương cốt người.

Không hiểu ma xui, quỷ khiến thế nào, mà hai thanh niên này đã mang chiếc đầu lâu to về bản, rồi cắm chiếc đầu lâu ở hàng rào trường học nhằm hù dọa học sinh.

Chiếc đầu lâu trắng hếu bỗng lủng lẳng ở hàng rào ngay cổng trường học khiến người dân cả xã Suối Bàng khi đó sợ hãi, không hiểu có chuyện gì xảy ra. Người ta đồn đại ầm ĩ rằng, người Xá cổ xưa đã biến thành người rừng, về bản ăn thịt người, rồi để đầu lâu ở đó.

Quan tài trong hang Tạng Mè
Quan tài thân cây rất nhiều trong hang Tạng Mè 

Vài hôm sau, sự việc bại lộ, khi anh chàng Mùi Văn Khương bị ốm liệt giường. Khương tiết lộ với mọi người rằng, anh chính là thủ phạm đem đầu lâu ở hang đá xuống cắm vào hàng rào ở trường học.

Điều kinh dị là tóc Khương cứ bạc trắng, rồi mỗi ngày rụng mất cả nắm. Chỉ trong vài tuần, đầu Khương trọc lốc, không còn sợi tóc nào. Gia đình đã đưa Khương đi bệnh viện, thậm chí xuống cả Hà Nội, song không tìm ra bệnh gì.

Tin rằng bị hồn ma người Xá hành, nên gia đình đã mổ lợn, mổ gà, sắm cỗ rất linh đình để thầy cúng làm lễ trục ma. Phải mấy tháng sau, Khương mới trở lại bình thường, tóc mọc lại.

Từ bấy, không chỉ Mùi Văn Khương, mà dân cư trong vùng đều vô cùng sợ hãi những hang mộ trên vách núi, không bao giờ dám xâm phạm. Vị giáo viên nọ cũng sợ quá, mà bỏ về tỉnh, không dám dạy học ở Suối Bàng nữa.

Theo lời kể của ông Mùi Văn Chiển, sau vụ ông Khương suýt chết vì đem đầu lâu ở hang mộ ra nghịch ngợm, thì 7 năm sau, vào năm 1977, ông Mùi Văn In, bác ruột của ông Chiển, đã qua đời một cách bí ẩn, mà theo lời đồn là đã vô ý xâm phạm hang Bản Lồi.

Video hai bộ xương nắm tay nhau


Thời kỳ đó, ở Suối Bàng có nhiều gỗ đinh thối và gỗ lát. Những cây lát rất to, hai ba người ôm, thân thẳng đuột, được ưa chuộng làm cột nhà sàn.

Khi đó, ông In làm nhà, nên huy động toàn bộ người thân lên núi Lồi khai thác cây lát. Ông In và mọi người lao đoạn thân lát xuống chân núi. Do vô ý, đoạn cây lát đã lăn đúng vào cửa hang Lồi, đâm vỡ tung một quan tài thân cây, khiến xương cốt tung tóe ra ngoài.

Đúng lúc đó, ông In bỗng run rẩy, rồi ngã vật ra đất. Mọi người sợ quá, khênh ông In về nhà, không dám lấy đoạn thây cây ấy nữa.

Điều kinh dị là từ hôm đó, bụng ông In cứ trương phềnh lên, căng như quả bóng. Gia đình đã mời nhiều thầy đến cúng, cho ông uống nhiều loại thuốc, nhưng không ăn thua gì. Đúng một tháng sau thì ông In qua đời một cách bí ẩn.

Mới đây nhất, là chuyện anh Mùi Văn Hòa, 40 tuổi, chỉ ghé vào cửa hang Tạng Mè trong lúc đi rừng hái thuốc để nghỉ, mà ốm nặng đến mức suýt mất mạng. Gia đình đã đưa đi nhiều bệnh viện, song không tìm ra bệnh gì, mà người héo hon, xanh xao như tàu lá chuối. Rồi một ngày, anh nằm liệt giường luôn.

Sợ quá, gia đình đã mời thầy cúng đến xem. Thầy cúng người Mường phán rằng, anh bị "ma Xá" từ rừng theo về, nên mới ốm nặng như thế. Điều lạ lùng là sau khi cúng bái, đuổi tà ma, anh Hòa bỗng khỏe lại.

Giờ đây, anh Hòa lại đi rừng hái thuốc thường xuyên, chỉ có điều không bao giờ anh dám bén mảng đến những hang ma đó nữa.

 

Ở ngay cạnh nhà ông Chiển, bà Mùi Thị Đức đã được con cháu đóng quan tài sẵn, chuẩn bị hậu sự, do ốm liệt giường chiếu nhiều ngày trời, vì theo lời đồn là trót xâm phạm hang ma.

Bà Đức mới 50 tuổi, sức vóc chẳng kém gì nam giới, khi mỗi ngày vào rừng sâu bắt cả chục kg ốc đá đem bán. Cứ sau cơn mưa, bà lại vào trong rừng, trèo lên những vách đá dựng đứng để bắt loài ốc núi bò ra từ khe đá để kiếm ăn.

Hôm đó, đang bắt ốc, gặp cơn mưa lớn, kèm theo dông lốc, khiến những cây cổ thụ khổng lồ đổ ngả nghiêng, nên bà liều mạng chui vào hang động Tạng Mè để trú ẩn.

Ngay hôm đó, vừa về đến nhà, bà lăn ra ốm luôn. Chữa mãi không khỏi, nên gia đình đã sắm quan tài, lo chuyện tang ma.

Thế nhưng, một ngày, có ông thầy cúng đi qua, liền ghé vào nhà và bảo bà Đức bị ma ám vì xâm phạm vào hang đá nơi người Xá yên nghỉ. Gia đình liền mổ lợn, gà, mời thầy cúng này bắt ma. Không ngờ, hôm sau, bà Đức tỉnh lại, khỏe mạnh như thường.

Giờ bà Đức lại có thể vào rừng bắt ốc đá, đặc sản của vùng núi Vân Hồ và Mộc Châu kiếm sống. Chỉ có điều, những quả núi có hang mộ, thì bà cũng như người Mường, người Thái nơi đây tránh xa. Họ tin rằng, linh hồn người Xá, bộ tộc mà họ đồn rằng, từng ăn thịt người, rất hung dữ, sẽ đi theo và ám hại cư dân nơi đây.

Còn tiếp…


Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn