• Zalo

Đừng coi thang máy chung cư là đồ chơi dỗ trẻ biếng ăn

Ý kiếnThứ Tư, 26/07/2023 10:04:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Nhiều khi sốt ruột phát điên nhưng thang máy dừng liên tục cho mục đích dỗ đứa trẻ ăn, người bế đáp trả khi được nhắc nhở: “Chiều trẻ con một chút, gì mà căng!”.

Sống ở chung cư nghĩa là chấp nhận cảnh trên một mặt bằng nhỏ hẹp tập trung số người bằng dân số cả xã. Nghĩa là phải nhìn nhau mà sống, phải biết thông cảm cho nhau, nhưng cũng phải ý tứ để đừng quá làm phiền người khác. Sự chung đụng, tương tác, ảnh hưởng lẫn nhau rất nhiều này cũng là cái nền để thể hiện văn hóa ứng xử. Thang máy là không gian mà người dân trong chung cư gặp nhau nhiều nhất, tiếp xúc gần nhất nhưng cũng là nơi chất chứa nhiều bực bội do cách xử sự “hồn nhiên” đến vô duyên.

Ngán nhất là đang vội mà gặp phải những phụ nữ tay bế đứa trẻ, tay bưng bát cháo bước vào thang máy, vì có khả năng đó là đứa trẻ biếng ăn đang được dỗ dành bằng cách vào đây để chơi. Đi từ tầng 25 xuống tầng 1, có lúc tôi gặp đến 4-5 lượt như vậy. Cứ di chuyển qua vài tầng là họ ra, để lại có thể bấm gọi thang nhiều lần nữa, cho đến khi em bé ăn hết bát cháo. Cũng để đút thêm vài thìa cháo, nhiều bà, nhiều chị còn để mặc, thậm chí cố vũ trẻ bấm loạn xạ lên bảng điều khiển, chỉ cần không hủy kịp một lệnh là lại thêm một lần dừng thang vô ích. Chắc chắn nhiều người hiểu cảm giác khốn khổ khi đang rất vội nhưng vẫn phải chịu đựng cảnh này.

Nhiều phụ huynh để mặc con bấm toàn bộ các số trên bảng điều khiển thang máy như một trò vui.

Nhiều phụ huynh để mặc con bấm toàn bộ các số trên bảng điều khiển thang máy như một trò vui.

Điều đáng nói là những phụ nữ đó nghiễm nhiên coi nhiệm vụ cho trẻ ăn cháo của họ là ưu tiên số 1 mà tất cả những người khác phải nhường. Chuyện liên quan đến trẻ con nên phần nhiều mọi người ngại nhắc. Nhưng khi được nhắc nhở, có chị xin thông cảm, có chị cười trừ, cũng có bà nhăn nhó lườm lại: “Trẻ con nó ốm yếu không chịu ăn nên mới phải thế, chiều chúng nó một chút, làm gì mà căng!”. Trẻ yếu đã đành, nhiều cháu khỏe mạnh nghịch ngợm coi việc bấm thang máy để nó chạy lên chạy xuống là một trò vui nhưng bố mẹ, bảo mẫu cũng không ngăn cản, thậm chí còn tươi cười hùa theo.

Sự thiếu ý thức khiến nhiều người, trong giờ cao điểm, ngang nhiên kéo cả thùng các-tông to tướng đựng hàng vào thang máy khi cửa vừa mở, miệng hô “các bác thông cảm” nhưng hành động thì siêu nhanh, ai không thông cảm cũng đành chịu. Vì thùng hàng đó mà có mấy người phải tiếp tục dài cổ chờ lượt khác. “Sao không đi thang hàng?”, có người nhắc, nhưng chủ thùng hàng chỉ làm thinh. Có người vô tư lao cả xe đạp vào thang máy vì không muốn tốn tiền gửi dưới hầm. Có người dắt chó đi dạo đúng vào giờ tan tầm, đông đúc nhất, rồi mắng những ai lỡ đụng vào thú cưng của mình trong thang máy chật hẹp là "vô ý vô tứ". 

Thay vì sử dụng thang hàng riêng, người phụ nữ này đưa cả xe đẩy chở hàng khá cồng kềnh vào thang máy dành cho cư dân.

Thay vì sử dụng thang hàng riêng, người phụ nữ này đưa cả xe đẩy chở hàng khá cồng kềnh vào thang máy dành cho cư dân.

Nhiều người oang oang nói chuyện điện thoại trong không gian vừa kín vừa hẹp, khiến ai nấy vốn đã ngạt thở vì phải đứng chen chúc sau cả ngày đi làm mệt mỏi nay lại “ung cả thủ”. Kiểu nói chuyện hăng đến mức văng cả nước bọt đó còn gây cảm giác sợ hãi, lo lắng về những virus gây bệnh phát tán trong không khí. Hút thuốc trong thang máy là tình huống ít gặp, nhưng ai dám làm vậy thì thường bất chấp thái độ, góp ý của người xung quanh cũng như quy định của tòa nhà.

Không phải thang máy tòa chung cư nào cũng có hệ thống điều phối tự động thông minh. Điều này kết hợp với sự ích kỷ của một số người tạo nên những hành vi thiếu ý thức, kiểu như bấm gọi thang ở góc này rồi chạy sang góc khác bấm tiếp, thang nào đến trước thì vào. Cái khôn ấy tiện cho họ, nhưng nhiều người khác chỉ biết thở dài thườn thượt khi buổi sáng vội đi làm nhưng thang máy tầng nào cũng dừng, không phải lúc nào cửa mở ra cũng có người bước vào.

Đối với một số người, không dễ để giải thích cho họ hiểu thang máy chung cư không phải là đồ chơi cho trẻ biếng ăn, ưu tiên trẻ con không có nghĩa là hoàn toàn phớt lờ nhu cầu chính đáng của rất nhiều người khác; hay thang máy không phải của riêng một nhà để họ thoải mái chiếm dụng, làm gì tùy thích. Mỗi tòa chung cư có mấy trăm, thậm chí cả nghìn nhân khẩu, sự “đụng độ” về nhu cầu của chừng ấy người là khó tránh khỏi. Nhưng càng như vậy,  sự ý thức về nhu cầu của người khác lại càng phải được coi trọng để có môi trường văn minh.

Dân chung cư đang chiếm một tỷ lệ rất lớn trong dân số Hà Nội, TP.HCM và sẽ ngày càng cao ở nhiều đô thị khác, vì vậy văn hóa chung cư sẽ là vấn đề thiết thân đối với số đông. Học cách chung sống văn minh, lịch sự ở chung cư, xin hãy bắt đầu từ cái thang máy!

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Bạn muốn chia sẻ trải nghiệm, ý kiến của mình về văn hóa chung cư? Xin hãy nhập vào box bình luận bên dưới hoặc gửi thư điện tử về địa chỉ: [email protected].

Hồng Trần
Bình luận
vtcnews.vn