• Zalo

Đúc tượng rùa vàng 10 tấn bên Hồ Gươm: Chuyên gia đề xuất xây thủy cung

Thời sựThứ Sáu, 31/03/2017 07:28:00 +07:00Google News

Thay vì đúc tượng rùa vàng 10 tấn, PGS.TS Lê Quý Đức đề xuất xây thủy cung thờ thần Kim Quy để người dân có thể tìm hiểu lịch sử và thu hút khách du lịch khi tới Hà Nội.

Thời gian gần đây, đề xuất đúc tượng rùa vàng 10 tấn đặt ở khu vực Hồ Gươm của ông Tạ Hồng Quân, một công dân Hà Nội nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Về vấn đề này, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ với PV VTC News.

hai-thanh-keo-go-sua-o-di

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

- Đề xuất đúc tượng rùa vàng 10 tấn đặt ở Hồ Gươm đang nhận được nhiều ý kiến khen, chê khác nhau. Ý kiến của ông về đề xuất này?

Tôi biết ý tưởng này là của ông Tạ Hồng Quân, một người dân Hà Nội. Mấy hôm nay, nhiều người cũng bàn luận về vấn đề này. Người đồng ý cũng nhiều nhưng cũng có không ít ý kiến phản đối. Ý kiến đồng ý thì tôi không nhắc đến nữa nhưng còn ý kiến phản đối cũng có 2 loại.

Một loại ý kiến đứng trên phương diện lịch sử, thẩm mỹ, không gian, môi trường... cho rằng, khu vực Hồ Gươm có nhiều di tích lịch sử văn hóa mang tính biểu tượng rồi nên không cần thêm nữa.

Một loại ý kiến phản đối nữa cho rằng, chúng ta đang khó khăn kinh tế, vì vậy không nên bày vẽ những cái đó dẫn đến tốn kém, lãng phí.

Một vài ý kiến còn gay gắt và so sánh với ý tưởng dựng King Kong cho rằng thiếu thận trọng, thiếu suy nghĩ.

Tôi cho rằng, những ý kiến mang tính chất đóng góp đều tốt. Tuy nhiên, theo tôi không nên vơ đũa cả nắm. Dựng con rùa ở khu vực Hồ Gươm cũng là một ý tưởng hay nhưng cần bổ sung để hoàn thiện hơn.

- Theo ông, điều cần bổ sung ở đây là gì?

Tôi có cùng ý tưởng làm rùa vàng với ông Tạ Hồng Quân nhưng tôi đề xuất không làm trên mặt đất. Không gian trên mặt đất đã chật và có nhiều di tích lịch sử văn hóa rồi nên chúng ta hãy làm một biểu tượng dưới lòng hồ.

Nếu có thể làm một cái thủy cung, bên trong thủy cung ta đặt biểu tượng rùa vàng. Xung quanh thủy cung ta dựng những bức phù điêu để mô tả lại truyền thuyết vua Lê trả kiếm. Thậm chí, ta có thể mô tả lại cuộc chiến chống quân Minh xâm lược, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn...

Hoặc ta làm những màn hình chiếu phim 3D và làm sân khấu tròn để vừa làm biểu tượng thờ thần rùa vàng mà vẫn gắn với sự tích thần rùa vàng nhận kiếm rồi chui xuống thủy cung.

Vậy là một công đôi ba việc. Chúng ta vẫn có biểu tượng để thờ và giải quyết không gian vốn đã hạn hẹp quanh khu vực Hồ Gươm. Một công viên như thủy cung vừa có nơi thờ thần Kim Quy, vừa là nơi người dân có thể tìm hiểu lịch sử và thu hút khách du lịch.

- Mới nói đến ý tưởng đúc một con rùa vàng đã có ý kiến cho rằng lãng phí và bị phản đối quyết liệt, ông có nghĩ ý tưởng xây thủy cung dưới lòng hồ sẽ vấp phải nhiều ý kiến phản đối còn gay gắt hơn?

20170328221931-tuong-rua-

Theo đề xuất của ông Tạ Hồng Quân, tượng rùa vàng có kích thước vừa phải với chiều dài từ 2,5 - 3,5m, chiều cao (cả phần đế) khoảng 2,5m và dự kiến đúc bằng đồng và vàng.

Tất nhiên, công việc ấy chưa chắc ở thế kỉ này đã làm được vì chúng ta chưa đủ lực. Bởi vậy, tôi đề xuất có làm nhưng không phải làm ngay hôm nay.

Bây giờ, người ta đã làm được những ngôi nhà cao tầng dưới mặt đất. Bởi vậy, chuyện xây thủy cung là hoàn toàn có thể làm được nếu ta đủ tiềm lực kinh tế.

Vấn đề là Hà Nội có đủ tiền của mà làm hay không? Đề xuất của tôi không phải là hôm nay mà là cho mai sau.

Có thể ai đó đánh giá ý tưởng này là điên rồ nhưng với tôi nó là ý kiến cực hay. Tôi nghĩ vẫn cần thời gian suy nghĩ và phải tích lũy vốn để làm, nhân ý tưởng đúc tượng rùa vàng 10 tấn của ông Tạ Hồng Quân thì tôi nói thêm ý tưởng của mình.

Đối với các di sản văn hóa chúng ta có thể bảo vệ nguyên trạng, có thể là bảo vệ kế thừa, cũng có thể là bảo vệ phát triển. Nói về bảo vệ và phát triển, thế hệ sau có thể phát triển thêm di sản cho thế hệ sau nữa một cách phong phú hơn.

Cũng như trước đây, ban đầu chỉ có hồ Hoàn Kiếm, đến thế kỉ 19 người ta xây hàng loạt các công trình xung quanh, tức là phát triển để cho hôm nay.

Ta tự hào vì cha ông ta đã làm và ta cũng có thể làm gì đó cho hồ Hoàn Kiếm để cho thế hệ sau, sau nữa được thụ hưởng. Theo đó tôi nghĩ, ý tưởng làm thủy cung là nên làm.

- Quay trở lại với đề xuất đúc tượng rùa vàng của ông Tạ Hồng Quân, theo ông, vị trí nào đặt rùa vàng là hợp lý nhất?

hai-thanh-keo-go-sua-o-dinh-lang-bi-danh-cap-cua-but-mat-mot-den-muoi-0148

 

Phương án làm thủy cung mới tối ưu, nó vừa giải quyết vấn đền tâm linh, vừa mang yếu tố du lịch. 

PGS.TS Lê Quý Đức

Theo tôi, phương án đặt trên mặt đất thì ở đâu xung quanh Hồ Gươm cũng không tối ưu. Phương án làm thủy cung mới tối ưu. Nó vừa giải quyết vấn đền tâm linh, vừa mang yếu tố du lịch.

Nếu đặt rùa vàng trên mặt đất sẽ phá vỡ cảnh quan xung quanh.

- Ông đánh giá thế nào về ý kiến cho rằng con rùa không phải là biểu tượng của Hà Nội?

Không nên gọi con rùa là biểu tượng của Hà Nội mà chỉ là biểu tượng của khu văn hóa Hồ Gươm thôi.

Trước khi lấy Khuê Văn Các người ta thường lấy Tháp Rùa làm biểu tượng, rồi chùa Một Cột, cột cờ Hà Nội... Tôi cho rằng, tất cả những di tích đó chỉ được coi là biểu tượng của một khu di tích văn hóa ở Hà Nội chứ chưa đủ tầm là biểu tượng của Thủ đô.

Muốn lấy biểu tượng của Hà Nội phải điều tra nguyện vọng của nhân dân. Thậm chí, ta có thể tổ chức một cuộc thi về ý tưởng biểu tượng của Hà Nội, hoặc tổ chức một hội nghị lấy ý kiến của các chuyên gia văn hóa.

Ngay đến bản thân tôi cũng chưa chọn được biểu tượng của Thủ đô. Kể cả đến Khuê Văn Các, di tích đang được chọn là biểu tượng chính thống của Hà Nội vẫn có thể thay đổi.

Xin cảm ơn ông!

Sở Văn hóa Hà Nội: 'Tượng rùa vàng không phải biểu tượng Thủ đô'

Ngày 29/3, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho hay, ông chưa nhận được đề án đúc tượng rùa vàng bên Hồ Gươm của công dân Tạ Hồng Quân. "Nếu ông Quân có đề xuất này thì nên gửi đến Sở Văn hóa là cơ quan chuyên ngành sẽ nghiên cứu chi tiết về vấn đề này", ông Quý nói.

Ông Trương Minh Tiến - Phó giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội cũng cho biết, cơ quan này chưa nhận được đề án đúc tượng rùa vàng và chỉ đạo của thành phố về việc này, nên chưa có động thái xem xét. Nếu được thành phố giao xem xét, Sở Văn hóa sẽ lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia và dư luận, sau đó trình Cục Di sản và Bộ Văn hóa thẩm định.

"Hồ Gươm là di tích quốc gia đặc biệt, là di sản quý báu của người dân Hà Nội và cả nước nên mọi công trình đưa vào đều phải rất cẩn thận", ông Tiến nói.

Về đề xuất rùa vàng là biểu tượng Hà Nội, ông Trương Minh Tiến thông tin, Hà Nội đã có biểu tượng nhận diện là Khuê Văn Các và biểu tượng này được Quốc hội quy định trong Luật Thủ đô.

Video: Chuyên gia nói gì về xuất đặt rùa vàng 10 tấn tại Hồ Gươm?

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn