• Zalo

Dư luận Trung Quốc giận dữ cách truyền thông đưa tin bác sỹ cảnh báo virus corona qua đời

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 07/02/2020 10:59:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Việc truyền thông Trung Quốc đăng tải những thông tin bất nhất về cái chết của Lý Văn Lượng, bác sỹ đầu tiên cảnh báo virus corona, khiến dư luận giận dữ.

Tối 6/2, dư luận Trung Quốc xôn xao trước thông tin Lý Văn Lượng, bác sỹ đầu tiên cảnh báo virus corona qua đời. Tuy nhiên, tới nửa đêm, một số phương tiện truyền thông Trung Quốc nói Lý thực tế vẫn còn sống. 

Bệnh viện Trung ương Vũ Hán sau đó nói rằng, Lý, 34 tuổi đang trong tình trạng nguy kịch và bệnh viện đang tìm mọi cách để cứu anh. 

Một bức ảnh và ảnh chụp màn hình dường như bị rò rỉ từ hệ thống thông tin liên lạc bên trong bệnh viện lan truyền chóng mặt trên Weibo trước khi nó bị xóa. 

Dư luận Trung Quốc giận dữ cách truyền thông đưa tin bác sỹ cảnh báo virus corona qua đời - 1

Bác sĩ Lý Văn Lượng (Ảnh: Twitter)

Dựa trên những hình ảnh bị rò rỉ, một số người bắt đầu suy đoán rằng Lý vẫn đang sống. Tới rạng sáng 7/2, bệnh viện Vũ Hán thông báo vị bác sỹ nhãn khoa đã qua đời. 

Trước đó vài giờ, các tài khoản Weibo đăng tải ảnh chụp màn hình trong một nhóm trò chuyện riêng trên WeChat, hướng dẫn các nhà báo địa phương dìm thông tin về cái chết của Lý xuống. Cụ thể, các ký giả được yêu cầu không đẩy các thông báo, không bình luận và quan trọng hóa vụ việc. 

Dường như trong một khoảnh khắc "bối rối", Global Times xóa một dòng tweet nói Lý đã chết, thay vào đó là thông báo Lý vẫn đang được điều trị khẩn cấp. 

Theo Quartz, sự nhiễu loạn thông tin liên quan tới cái chết của Lý có khả năng sẽ châm mồi lửa vào dư luận Trung Quốc vốn đang sục sôi vì sự chậm chạp trong khâu ứng phó và cảnh báo công chúng về dịch corona của chính quyền. 

Đối với nhiều người Trung Quốc, việc cảnh sát từng buộc Lý phải ký vào biên bản nói anh vi phạm pháp luật khi cố cảnh báo cho những người khác về dịch bệnh là điều khó có thể chấp nhận. Họ phẫn nộ khi các quan chức thay vì chia sẻ thông tin với công chúng về những gì mình biết lại tập trung dập tắt thông tin về bệnh dịch. 

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Thanh niên Nhật báo tuần trước, Lý nói anh nhắn vào nhóm trò chuyện hôm 30/12, cảnh báo với các bạn học cũ ở trường y về trường hợp 7 bệnh nhân từ một chợ hải sản địa phương được chẩn đoán mắc căn bệnh giống SARS và đang được cách ly trong bệnh viện. 

Nhưng sau vài giờ, ảnh chụp màn hình tin nhắn của Lý bị lan truyền ra ngoài nhóm và chia sẻ chóng mặt trên các trang mạng xã hội.

Không lâu sau khi tin nhắn được phát tán, Lý bị cảnh sát Vũ Hán triệu tập và trở thành một trong những chuyên gia bị giới chức theo dõi vì lo ngại lan truyền thông tin về loại virus khi đó vẫn còn là bí ẩn.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 1/1, cảnh sát nói họ đã có hành động chống lại 8 người lan truyền các thông tin đồn về bệnh viêm phổi, 1 trong 8 người này được cho là Lý. Một tuần sau, Lý bị nhiễm virus corona từ một bệnh nhân tăng nhãn áp mà anh điều trị và nhập viện vào ngày 12/1. 

Những ngày tuần gần đây, khi thông tin về Lý ngập tràn trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc chỉ trích cảnh sát vì điều tra người dân lan truyền tin đồn.

Vài ngày trở lại đây, Lý bắt dầu tiếp nhận các cuộc phỏng vấn từ truyền thông nước ngoài. Trên giường bệnh, Lý giải thích mình chỉ muốn nhắn nhủ tới các bạn học của mình để họ và người thân đề phòng chứ không ngờ tin nhắn được chia sẻ rộng rãi tới vậy. 

Sau sự ra đi của Lý, nhiều người Trung Quốc hy vọng cách xử lý thông tin của bộ máy chính quyền hiện tại có thể thay đổi dù biết rằng đây là một điều hết sức khó khăn. Trong những ngày gần đây, các bình luận về việc ứng phó với virus corona tại Trung Quốc bắt đầu bị gỡ bỏ nhanh hơn những ngày trước. 

 

Song Hy(Nguồn: Quaztr)
Bình luận
vtcnews.vn