• Zalo

Du học sinh Việt về hay ở: Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đưa lời khuyên

Giáo dụcThứ Năm, 10/12/2015 11:16:00 +07:00 Google News

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đã đưa ra lời khuyên đối với những du học sinh Việt Nam trước băn khoăn về hay ở

(VTC News)  - Ông Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đã đưa ra lời khuyên đối với những du học sinh Việt Nam trước băn khoăn về hay ở.

Trong chương trình "Vấn đề hôm nay" của VTV,  ông Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đã nêu quan điểm câu chuyện “về hay ở” của các du học sinh Việt Nam.
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 
Gần đây, câu chuyện lùm xùm của giảng viên Doãn Minh Đăng và ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ đã xới lên cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề trọng dụng, sử dụng nhân tài ở Việt Nam.

Nếu du học sinh đi học ở nước ngoài bằng tiền của Nhà nước, người đó buộc phải trở về nước sau khi đã hoàn thành quá trình học tập. Nếu không, du học sinh đó sẽ bị kiện và phải bồi thường số tiền mà Nhà nước đã bỏ ra để đầu tư đào tạo.

Còn nếu du học bằng tiền tự túc, việc ở lại nước ngoài hay trở về nước là quyền của du học sinh tự quyết.
Du học sinh Việt : Về hay ở? (Nguồn: VTV)
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho biết: "Ngày nay, Việt Nam bước vào quá trình đổi mới, kinh tế phát triển hơn. Vì thế, ngoài sự đầu tư của đất nước, nhiều gia đình cũng tạo điều kiện để con em mình được ra nước ngoài học tập.

Đó là điều đáng mừng vì các thanh niên có thêm điều kiện được học tập để có thể trưởng thành hơn về tri thức. Chúng ta đều thực sự mong muốn phần đông trong số đó trở về phục vụ đất nước".

Việt Nam vẫn đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nên nhu cầu về đội ngũ có năng lực, chất lượng cao rất cần thiết. Vì vậy, các bạn du học sinh có thể có đầy đủ niềm tin để tiếp tục cống hiến cho đất nước.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đắc Vinh nhận định hiện nay một số du học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu ở một lĩnh vực chuyên sâu nhưng Việt Nam lại chưa có điều kiện để phát triển lĩnh vực đó.

"Trong trường hợp như vậy, chúng tôi nghĩ các bạn làm việc ở nước ngoài cũng rất tốt. Khi các bạn đã trưởng thành và có cơ hội mới ở nước ngoài, các bạn vẫn có thể cống hiến cho Việt Nam", ông Vinh nêu quan điểm.

Ngoài ra, một số ngành khoa học, nghiên cứu ở Việt Nam vẫn có đủ điều kiện, cơ hội cho các bạn phát triển khả năng.

"Tuy nhiên, không tránh khỏi việc xuất hiện những rủi ro với du học sinh trở về nước bởi có người thực sự trưởng thành, có người lại thất bại và gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, khi là thanh niên, các bạn nên thử sức mình, dám dấn thân vào các thử thách và nếu cống hiến cho nước ta sẽ là điều tốt nhất”, ông Vinh nói.

Cũng theo ông Nguyễn Đắc Vinh, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển với nhiều thành phần kinh tế khác nhau nên du học sinh khi trở về vẫn có thể có nhiều lựa chọn cho công việc của mình.

"Ngày nay, nhiều bạn du học sinh trở về làm việc cho các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tôi nhận thấy, các bạn phát huy được khả năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Rõ ràng, khi ở trong môi trường tốt hơn nhưng sau đó trở về trong môi trường khó khăn hơn, các bạn có những câu hỏi bày tỏ nỗi băn khoăn là điều rất thực tế.

Nhưng theo tôi, khi chúng ta có niềm tin, có trình độ và năng lực, chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua để đối mặt với thử thách", ông Vinh nhắn gửi.

Kết thúc những chia sẻ của mình, ông Vinh cho rằng bên cạnh việc thu hút những tài năng từ nước ngoài về, trong thời gian tới, các cơ quan, tổ chức cần phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những du học sinh đã về nước làm việc.

Chính điều đó sẽ là những ví dụ cụ thể nhất để tăng thêm niềm tin cho những tài năng Việt sắp có ý định về nước lập nghiệp.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, cựu CEO Emotiv Đỗ Hoài Nam cho rằng những người không về nước đặt kỳ vọng quá lớn vào việc xã hội phải đón nhận mình nồng nhiệt mà quên rằng 5 năm trước mình là một đứa trẻ, mọi người cổ vũ, động viên để mình ra đi học thành tài. 

5 năm sau thì bạn bước vào đời thực và đời thực cần nhân tài thực.

"Tuy nhiên, nhân tài đời thực phải được chứng minh bằng thành quả đời thực, mà chưa bắt đầu bước chân vào đời thực thì sao đã có thể có thành quả.

Chính vì thế nó tạo ra cái vòng luẩn quẩn về kỳ vọng, từ đó có một sự bức bối và bất mãn nhất định. Tôi cho rằng điều này không phụ thuộc vào điều kiện đất nước.

Trong khi đó, tại nước ngoài, các bạn không “kỳ vọng” họ trải thảm đỏ mời mình ở lại mà thường cảm thấy may mắn khi kiếm được một cơ hội vì điều đó đã phần nào làm bạn cảm giác tự chứng minh được cho bản thân là mình cũng có khả năng.

Hai sự chênh lệch về “kỳ vọng” này đã vô tình làm quyết định của bạn nghiêng nhiều hơn về phía ở lại nước ngoài để bắt đầu sự nghiệp.

Đây hoàn toàn là các vấn đề tâm lý chứ không liên quan đến điều kiện, vì để hiểu ra được điều kiện thật sự ở bất kể trong hay ngoài nước đều cần ít nhất vài năm trải nghiệm", CEO Đỗ Hoài Nam chia sẻ.

Bình luận về sự việc, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cho rằng việc nhiều du học sinh ở lại không về thì hiển nhiên là đất nước có vấn đề.

"Trách nhiệm thuộc về ai thì những người đó phải trăn trở nhiều hơn.
Chẳng hạn nếu tại một địa phương, người tài cứ đi không về thì trước hết các tân Bí thư, tân Chủ tịch mới được bầu phải băn khoăn trăn trở tìm lời giải", TS Lê Trường Tùng nêu quan điểm.


Minh Đức (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn