• Zalo

Dự án bất động sản và bến du thuyền lấn sông Hàn: 2 luồng ý kiến trái chiều

Kinh tếThứ Ba, 07/05/2019 17:33:00 +07:00 Google News

Nhiều ý kiến đề nghị Đà Nẵng không triển khai Dự án Marina Complex trong khi không ít chuyên gia chứng minh và nhận định dự án ảnh hưởng nhưng không đáng kể.

Ngày 7/5, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Đà Nẵng tổ chức Hội nghị phản biện Dự án Bất động sản và bến du thuyền (Marina Complex) lấn sông Hàn.

Tại hội nghị, nhiều ký kiến trái chiều của các chuyên gia, nhà khoa học về việc dừng hay tiếp tục triển khai dự án.

Đề nghị không tiếp tục triển khai dự án

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng cho rằng, không nên tiếp tục triển khai Dự án Marina Complex.

Anh-bui-van-tieng

Ông Bùi Văn Tiếng đề nghị không nên tiếp tục triển khai dự án Marina Complex.

Ông Tiếng nêu 2 vấn đề liên quan đến Dự án Marina Complex là mỹ quan đô thị và việc người Pháp từng xây kè, dựng hải đăng ở cửa sông này.

“Ở đây, phải hiểu mục đích của người Pháp xây kè là để làm gì? 2 kè, mỗi bên 5m, mục đích của họ là để chỉnh lưu chứ không phải là để lấn đất, tăng diện tích quỹ đất như bây giờ”.

Theo ông Tiếng, về mặt mỹ quan đô thị, vấn đề lấp sông như Đà Nẵng hiện nay, đặc biệt lấp, lấn ở cửa sông là không thể chấp nhận được.

“Tôi vẫn bảo lưu ý kiến của mình và đề nghị không nên tiếp tục triển khai Dự án bất động sản và bến du thuyền này cũng như các dự án tương tự”, ông Tiếng nhấn mạnh.

 
Tôi vẫn bảo lưu ý kiến của mình và đề nghị không nên tiếp tục triển khai Dự án bất động sản và bến du thuyền này cũng như các dự án tương tự.

Ông Bùi Văn Tiếng

Tuy nhiên, ông Tiếng cũng rất thông cảm với nhà đầu tư cũng như chính quyền thành phố.

“Ở đây, quyết định cho tiếp tục triển khai dự án dễ hơn nhiều so với dừng dự án. Trong chuyện này, lỗi không phải do nhà đầu tư, nếu không cho triển khai dự án thì thiệt hại của nhà đầu tư sẽ được tính toán ra sao? Làm gì thì làm nhưng phải dựa trên 2 tiêu chí là vì lợi ích cộng đồng, vì sự phát triển bền vững mà làm”, ông Tiếng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng, dư luận xã hội có phản ứng nhiều nhất vẫn là không gian công cộng.

“Tốt nhất nên dừng lại để xây dựng một tầm nhìn mới có thể đạt được qua một đồ án quy hoạch tổng thể mà trong đó chính quyền cân bằng giữa lợi ích chính đáng của người dân và nhà đầu tư”, đại diện Hội phát biểu.

Anh-du-an-lan-song 1 3

 Dự án Marina Complex lấn sông Hàn. 

Cũng theo vị này, dẫu biết rằng sẽ tốn kém thời gian, tiền bạc và uy tín nhưng nếu chính quyền thành phố và nhà đầu tư tháo gỡ từng bước dự án, cụ thể hóa bằng những giai đoạn trước mắt và trung hạn, biến khu vực ven sông thành công viên cảnh quan kết hợp du lịch thì cảnh quan sông Hàn trở thành một điểm đến hấp dẫn.

Ông Trần Văn Thiết, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng đề xuất nên điều chỉnh tên Dự án Bất động sản và bến du thuyền thành Dự án Bến du thuyền Đà Nẵng, bất động sản phục vụ cho Bến du thuyền chỉ là kèm theo.

“Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của các chuyên gia rằng dù ít hay nhiều, việc lấn sông Hàn đều có tác động đến dòng chảy và có ảnh hưởng đến địa chất tại đây. Hậu quả đó, có thể không thấy được ngay nên cần phải xem xét thận trọng để tránh thiệt hại về lâu về dài”, ông Thiết nói.

Có ảnh hưởng nhưng không đáng kể

Trái ngược với những ý kiến đề nghị không tiếp tục khai dự án, các chuyên gia về thủy lợi như Tiến sĩ Lê Hùng (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng), Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Thị Hương Lan (Trường ĐH Thủy Lợi) và Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Song Giang (Trường ĐH TP.HCM)... phân tích dựa trên các cứ liệu khoa học cho rằng dự án lấn sông Hàn có ảnh hưởng nhưng không đáng kể đến dòng chảy và khả năng thoát lũ.

Anh-pham-thi-huong-lan 1 5

Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Lan Hương phân tích dự án Marina Complex có ảnh hưởng nhưng không đáng kẻ đến dòng chảy và khả năng thoát lũ. 

Theo các chuyên gia, thực tế cho thấy, sau trận lũ năm 2009 mức độ ngập lụt từ khu vực kè ra Thuận Phước giảm, phía thượng nguồn gia tăng nhưng ở dưới mức 0,05m.

Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Lan Hương nêu 2 vấn đề quan trọng là ảnh hưởng của dự án đến vấn đề thoát lũ ở hạ lưu như thế nào và ảnh hưởng đến cầu thuận phước ra sao. Phải đánh giá những tác động trực tiếp, gián tiếp, trước mắt, hiện tại và lâu dài.

“Chúng tôi đã thu thập số liệu từ năm 1977 cho đến hiện nay. Trên cơ sở đó chúng tôi có phân tích, tính toán với số liệu, nhận thấy với trận lũ lịch sử tháng 10/1999 trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn thì tần xuất xuất hiện ở đây (khu vực dự án) là khoảng 2%, còn với trận lũ tháng 9/2009, tần xuất xuất hiện khoảng 5%”, bà Hương nêu.

Ở góc nhìn của chuyên gia kinh tế, GS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm, để có sự phát triển cần chấp nhận sự đánh đổi, nếu đó là đánh đổi cái nhỏ để được cái lớn hơn.

“Quan trọng nhất là sau buổi phản biện hôm nay sẽ đi đến kết luận nào và kết luận đó sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư như thế nào. Với dự luận như vậy thi không ai dám quyết định, mà không quyết thì các dự án ngưng trệ, ảnh hưởng đến số phận của nhà đầu tư. Đối với các nhà đầu tư, chậm thì chết”, ông Thiên nói.

Anh-tran-dinh-thien 6

Ông Trần Đình Thiên đề nghị chính quyền phải xử lý làm sao trên tinh thần giữ được môi trường đầu tư, còn vấn đề khác thì phải xử lý trên căn cứ khoa học để có kết luận và công khai.

Ông Thiên đề nghị chính quyền phải xử lý làm sao trên tinh thần giữ được môi trường đầu tư, còn vấn đề khác thì phải xử lý trên căn cứ khoa học để có kết luận và công khai.

Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Đà Nẵng cho biết thành phố sẽ tiếp thu các ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học trên cơ sở trung thực và khách quan, công tâm vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và vì sự phát triển bền vững của thành phố để gửi đến lãnh đạo và ngành chức năng của thành phố xem xét, nghiên cứu sớm đưa ra giải pháp khả thi và hữu hiệu nhất.

XUÂN TIẾN
Bình luận
vtcnews.vn