Như ở kỳ trước đã nêu, người Mường và Thái định cư đã lâu đời ở vùng Suối Bàng (Vân Hồ, Sơn La), bên dòng sông Đà, và bản thân họ tin vào những huyền thoại lưu truyền từ thời cha ông, về một tộc người bí ẩn, mà họ gọi là người Xá, cao lớn, hung dữ và có sở thích ăn thịt người.
Đến bây giờ, dù tộc người Xá bí ẩn kia đã biến mất, nhưng cư dân ở Suối Bàng vẫn rất sợ hãi, không dám bén mảng vào khu rừng, đặc biệt là hang động có rất nhiều quan tài gỗ đinh thối, mà họ tin rằng linh hồn người Xá to lớn vẫn đang trú ngụ ở đó.
Người Thái và Mường định cư ở không gian rất rộng, khắp vùng Tây Bắc, ấy thế nhưng, mộ táng thân cây trên hang đá lại chỉ xuất hiện ở một khu vực nhỏ, nên khó có chuyện cư dân hai dân tộc này sử dụng hình thức mộ táng trong hang. Sách cổ, thầy cúng, người già bản địa cũng khẳng định người Mường và Thái không có táng thức này.
Gặp gỡ một số nhà nghiên cứu văn hóa ở Quan Hóa và Bá Thước (Thanh Hóa), thì tôi được nghe nhiều chuyện xoay quanh truyền thuyết Mường Ca Da và vị tướng quân có tên Khằm Ban – người có tên tuổi gắn với vùng đất này, từng giúp vua Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh vào thế kỷ 15.
Trong các tài liệu cổ, thì vùng Quan Hóa xưa có tên là Mường Ca Da. Cạnh Mường Ca Da là các lãnh địa Mường Khoòng, Mường Đèng, Mường Chiềng Ván. Đây là 4 xứ Mường cổ tiêu biểu ở miền tây Thanh Hóa, có nhiều nét đặc sắc, tiêu biểu, giống như Mường Bi, Vang, Thàng, Động ở vùng Hòa Bình.
Trong tiếng Mường, thì Ca Da có nghĩa là “con quạ với vị thuốc trường sinh”. Biểu tượng của Mường Ca Da là dải đất nổi lên giữa sông Mã. Cách đó không xa, là vị trí có vách đá dựng đứng, nơi có loại cây giúp người chết sống lại, gọi là cây bông trăng. Đây là huyền thoại rất đẹp của xứ Mường Ca Da.
Quan Hóa, Thanh Hóa.
Bỏ qua những huyền thoại, thì trong sử sách người Thái, vị tướng có tên Khằm Ban là có thật. Ông có tên là Phạm Hiếu, là con rể của vua nước Lào, nên có tên tiếng Lào là Khằm Ban. Trong tiếng Lào, thì khằm là vàng, ban là bạc. Dấu tích ông còn hiển hiện rõ ở vùng đất này, với hai tên bản là bản Khằm và bản Ban, nằm ngay thị trấn Hồi Xuân của Quan Hóa. Bản Khằm cũng là nơi có nhiều hang đá có mộ thân cây bí ẩn, trong đó có hang Lũng Mu lớn nhất Việt Nam với hàng trăm quan tài bí ẩn. Ngoài những truyền thuyết, sử sách, thì còn nguyên bia đá lớn ghi rõ công ơn của vị tướng này.
Điều thú vị, là người Mường ở Quan Hóa, Bá Thước hiện tại mang họ Phạm rất nhiều, và trong gia phả hầu hết mang dòng dõi của tướng Phạm Hiếu. Di tích đền thờ của ông vẫn còn đó.
Vị tướng Khằm Ban được ca tụng bởi không chỉ là người khai hoang lập ấp, mà ông còn gia nhập khởi nghĩa Lam Sơn, lập nhiều chiến công trong cuộc chiến thắng quân Minh, được vua Lê phong là Thượng tướng quân, thống lĩnh toàn quân từ tây Nghệ An, qua Thanh Hóa, đến tận Lào Cai. Sau này, ông chọn vùng Quan Hóa bây giờ để định cư và gọi là Mường Ca Da.
Chính vì coi đây là nơi tướng Khằm Ban khai phá, lập ấp, nên hầu hết các ý kiến đều tin rằng, những mộ táng vùng Quan Hóa có liên quan đến người Mường, họ Phạm và vị tướng Khằm Ban. Những mộ táng được đưa lên cao, vị trí rất khó khăn hiểm trở, lại có cảnh đẹp hữu tình, thì phải là quan tướng, dòng dõi mới thực hiện được.
Tuy nhiên, rõ ràng, tướng Khằm Ban mới định cư ở vùng đất này từ thế kỷ 15, mới vài trăm năm, và trong các tài liệu cổ, các gia phả của cả người Thái – Mường, thì cũng mới đến vùng đất này từ thế kỷ 14 và 15, trong khi đó, và các hình thức mộ táng từ thời điểm đó đến giờ không có sự thay đổi nhiều và không có hình thức động táng. Những mộ táng này, còn có trước thời điểm lập Mường Ca Da, tức là nó là của cư dân khác, từng định cư ở đây rất lâu đời, sau đó biến mất đi đâu không rõ.
Chiếc quan tài này dài đến 2,8m, và lòng quan tài dài 2,4m, chứng tỏ chủ nhân rất cao lớn.
Người có khá nhiều thời gian nghiên cứu về những động quan tài ở Thanh Hóa là nhà khảo cổ học Nguyễn Gia Đối, thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam. Ông dự đoán, những hang động quan tài này xuất hiện khá sớm và kéo dài từ thời đại Kim khí đến tận thế kỷ 15, đến khi xuất hiện tướng Khằm Ban. Tức là, tộc người này, có mặt ở đây đã lâu, và trước khi người Mường và người Thái đến vùng đất này. Cư dân là tộc người nào, thì chưa thể khẳng định được.
Điều đặc biệt thú vị, đó là, trong chuyến khảo sát động Lũng Mu, ở bản Khằm, nơi có cả trăm quan tài cổ, ông Cao Bằng Nghĩa (nguyên Trưởng phòng văn hóa huyện Quan Hóa), dùng thanh gỗ thử đào nhẹ lớp đất ở vách đá, thì lấy được một số xương ống chân trắng lốp. Điều đặc biệt, là tôi đã bới lên được một đồng tiền cổ.
Mặc dù đồng tiền đã hoen gỉ, gãy làm đôi, nhưng khi ghép lại, thì chữ vẫn rất sắc nét, rõ ràng. Đứng ở miệng hang, tôi đã chụp tại đồng tiền, gửi cho tiến sĩ Nguyễn Thế Lương, một chuyên gia về Trung Quốc, và rất nhanh chóng, ông đã dịch đó là đồng “Khai Nguyên Thông Bảo”. Đây là đồng tiền có từ thời Mai Hắc Đế (năm 722), có nghĩa là đồng tiền này có thể đã có mặt trên đời gần 1.300 năm.
Đồng tiền tác giả tìm được trong hang Lũng Mu.
Từ đồng tiền này, xác định rằng, những mộ táng này có thể có trước và sau 1.300 năm. Như đã nói ở kỳ trước, như lời ông Cao Bằng Nghĩa, khi ông mở một quan tài, thì thấy có rất nhiều vải lụa, trong khi, nhiều thế kỷ sau, cư dân nơi đây vẫn dùng vải đũi. Do đó, những người nằm trong quan tài gỗ trên hang, thực sự rất bí ẩn.
Tuy nhiên, điều thú vị, nếu thực sự, những động táng ở Quan Hóa, Bá Thước (Thanh Hóa), có niên đại hơn 1.000 năm, thì trùng với huyền thoại của người Thái và người Mường ở Suối Bàng (Vân Hồ, Sơn La), khi họ khẳng định mộ táng thuộc về người Xá, có mặt ở Suối Bàng từ hơn 1.000 năm trước, chứ không phải họ là chủ nhân.
Một điều thú vị, khi gặp gỡ các già làng, trưởng bản người Mường, Thái ở vùng Bá Thước, thì họ hay kể về tộc người cổ xưa ở vùng đất này, là người Xá. Chính vì thế, tất cả những hang động có mộ thân cây trên đỉnh núi, các cụ già đều gọi chung là “hang Ma Xá”, tức là hang có ma người Xá.
Ông Hà Nam Ninh, nhà nghiên cứu văn hóa Thái vùng miền tây Thanh Hóa, cũng nhắc đến người Xá, và trong ký ức của các già làng, đó là một bộ tộc cao to. Những chiếc xương ống chân trong mộ đều dài hơn cư dân hiện tại rất nhiều, đặc biệt là hộp sọ rất lớn, to gấp rưỡi.
Người Xá được mô tả là bộ tộc to lớn, hung dữ, hiếu chiến và hay sử dụng cung tên. Họ sống trên đỉnh núi, trú ngụ trong các hang đá và chết cũng ở hang đá.
Điều thú vị, cho đến hiện tại, mới chỉ phát hiện ra quần thể động táng ở một khu vực hẹp, nơi giáp ranh giữa Thanh Hóa và Sơn La. Chưa từng có một khu vực nào, đặc biệt là phía Bắc Việt Nam, có táng thức này. Tuy nhiên, nhìn ra thế giới, thì có thể thấy, động táng là táng thức cổ xưa và khá phổ biến.
Chiếc quan tài bị bật nắp rất lâu, lớp mùn bụi đã phủ ngập lòng quan tài.
Phía nam Trung Quốc, các vùng đất như Tứ Xuyên, Phúc Kiến, Thiểm Tây, Quảng Đông xuất hiện rất nhiều di chỉ động táng. Riêng thành phố Thượng Lộ (Thiểm Tây) có hơn 4 ngàn hang mộ táng, gồm cả hang tự nhiên và nhân tạo chứa quan tài cổ.
Các hang mộ ở nam Trung Quốc rất cổ xưa, chủ nhân là người Bách Việt, thời Xuân Thu – Chiến Quốc (770 đến 221 trước Công nguyên), tức là cách nay hơn 2 ngàn đến gần 3 ngàn năm.
Táng thức này cũng xuất hiện khá nhiều ở Indonesia, với những vách núi lỗ chỗ mộ táng. Ở Thái Lan cũng có động táng có niên đại 403 năm trước Công nguyên. Điều đặc biệt, là những bộ xương trong các quan tài cũng rất to, cho thấy chủ nhân cao lớn hơn người hiện đại rất nhiều.
Một số nhà khảo cổ đặt giả thiết về sự thiên di của người gốc Ấn – Âu cao lớn, đã đi qua Trung Á, qua Ấn Độ, tới tây nam Trung Quốc và tới tận Đông Dương. Mộ táng những người cao lớn tới 2m trong cánh đồng Chum ở Lào, trong những hang Ma Xá ở Việt Nam, trong động táng ở Thái Lan có thể liên quan đến nhau.
Việc xác định niên đại các mộ táng này bằng khoa học hiện đại là không có gì khó khăn. Giải mã được cư dân từng tồn tại và biến mất một cách bí ẩn ở vùng đất này, là điều hết sức thú vị. Nhưng trước hết, chính quyền cần bảo tồn, tránh sự phá hoại của con người với các động táng. Những quan tài đã tồn tại cả ngàn năm qua, có thể sẽ biết mất bởi sự thờ ơ, vô tâm của chúng ta.