• Zalo

'Độc cô cầu bại' làng võ Việt và 2 trận tỷ thí nghẹt thở khiến người Thái ôm hận

Võ Thuật Thứ Hai, 11/04/2022 17:43:38 +07:00Google News

Nữ võ sĩ miền sông nước An Giang Nguyễn Thị Tuyết Mai là người đầu tiên giành tấm huy chương vàng lịch sử bộ môn Muay về cho thể thao Việt Nam ở các kỳ SEA Games.

"Mình không nghĩ sẽ giành được chiến thắng bởi đối thủ tập luyện trước đó rất lâu và là nhà vô địch Thái Lan. Trong khi mình chỉ tập Muay mới được 2 tuần. Nhưng mình mặc kệ, cứ thế bước lên võ đài mà đánh..."

'Độc cô cầu bại' làng võ Việt và 2 trận tỷ thí nghẹt thở khiến người Thái ôm hận - 1
'Độc cô cầu bại' làng võ Việt và 2 trận tỷ thí nghẹt thở khiến người Thái ôm hận - 2

Trong làng võ Việt, tên tuổi của Nguyễn Thị Tuyết Mai có lẽ không nổi bật khi ít được truyền thông chú ý nhưng xét về bề dày thành tích thì cô gái miền sông nước An Giang lại sở hữu bộ sưu tập đồ sộ, với hàng loạt chiến thắng ấn tượng từ trong nước đến quốc tế.

Đặc biệt, không ngoa khi nói rằng Tuyết Mai chính là "khắc tinh" của nhiều võ sĩ Thái Lan ở các kỳ đại hội thể thao khu vực. Vốn xuất phát từ nền tảng Võ cổ truyền nhưng Mai chính là người đi tiên phong mang về thành tích cao cho các bộ môn ở thời điểm mới du nhập vào Việt Nam như KickBoxing và Muay Thai.

Trở về mốc thời gian 13 năm trước, tức năm 2009, KickBoxing và Muay Thai là 2 môn võ thuật còn khá mới lạ tại Việt Nam, phong trào tập luyện chưa phát triển. Lực lượng võ sĩ chủ yếu được tuyển chọn từ các VĐV thi đấu Võ cổ truyền sẵn có. Cũng trong năm này, Đại hội Võ thuật châu Á lần đầu tiên được tổ chức tại Băng Cốc, Thái Lan (từ ngày 01 – 08/08). Đội tuyển KickBoxing dưới sự dẫn dắt của HLV trưởng Vũ Đức Thịnh tham gia với tinh thần chính là giao lưu, cọ xát. Tuyết Mai là một trong số võ sĩ của đội hình năm đó "mang chuông đi đánh xứ người".

Đúng như dự đoán, các võ sĩ Việt Nam vốn chưa có kinh nghiệm thi đấu môn võ mới nên đều "rơi rụng", chỉ còn sót lại duy nhất cái tên Nguyễn Thị Tuyết Mai. Sau khi hạ tay đấm Jahan Heena Nasreen (Ấn Độ) trong trận bán kết hạng cân dưới 56 kg, nữ võ sĩ người An Giang tiến bước vào chung kết gặp đối thủ chủ nhà Pungtha Wanlaya.

Giới chuyên môn khi đó dự đoán khả năng giành ngôi vô địch của Mai là rất thấp bởi Việt Nam tham dự lần đầu, trong khi các võ sĩ chủ nhà Thái Lan vốn dĩ rất mạnh với nhiều trận thắng như "chẻ tre".

Với đẳng cấp đã được khẳng định cùng lợi thế cổ vũ của khán giả nhà, Pungtha Wanlaya tự tin nhập cuộc bằng thế trận tấn công áp đảo. Nữ võ sĩ Thái Lan có lợi thế hơn về thể hình và sở hữu lối đánh đa dạng nên gây ra quá nhiều khó khăn cho tay đấm Việt Nam. Tuy nhiên, điều bất ngờ lại xảy ra khi Tuyết Mai có một buổi chiều thi đấu xuất thần.

Cô gái An Giang giữ cự ly gần hợp lý để tung các đòn đấm chính xác, bên cạnh đó là tận dụng khả năng luồn lách tránh né khiến đối phương dù tấn công mãnh liệt vẫn khó có cơ hội ghi điểm. Bằng chiến thuật thông minh và sự lì lợm trên sàn đấu, Nguyễn Thị Tuyết Mai đã vượt qua võ sĩ Wanlaya sau 3 hiệp đấu nghẹt thở để giành chiến thắng điểm số sít sao.

"Trước ngày thi đấu, mình thức trắng đêm không ngủ. Một phần vì quá hồi hộp, một phần vì áp lực thi đấu, áp lực thành tích. Thầy và các VĐV trong đoàn đều đặt rất nhiều kỳ vọng vào mình ở trận chiến quyết định này nên thật sự không thể nào nhắm mắt được.

Khi thắng rồi thì mọi thứ như vỡ òa, mình khóc, cả đoàn cũng ôm nhau khóc. Không khí nhà thi đấu lúc đó như muốn nổ tung vậy. Một cảm giác sung sướng khó tả khi quốc ca Việt Nam vang lên", Tuyết Mai nhớ lại.

Chiến thắng của Tuyết Mai khiến người Thái ngỡ ngàng bởi kịch bản về việc thua một võ sĩ Việt Nam mới lần đầu dự giải quốc tế là điều khó xảy ra. Nhưng đó chỉ là sự khởi đầu cho thất bại của võ sĩ Thái Lan trước cô gái An Giang. Để rồi 4 tháng sau, người Thái lại tiếp tục ôm hận ở chính bộ môn được xem là "quốc võ" của họ - Muay Thai, tại SEA Games 25 (năm 2009, Lào).

'Độc cô cầu bại' làng võ Việt và 2 trận tỷ thí nghẹt thở khiến người Thái ôm hận - 3

Thực tế, Muay Thai chính thức được đưa vào nội dung thi đấu lần đầu tiên tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm 2007 tại Nakhon Ratchasima, Thái Lan. Khi ấy, Thái Lan được xem là "bá chủ" khi ẵm 10 HCV trong tổng số 11 nội dung đăng ký. Thời điểm đó, bộ môn Muay vẫn còn mới và chưa được phổ biến tại Việt Nam, do đó chúng ta cũng không có võ sĩ nào tham gia thi đấu ở SEA Games 24.

Chỉ đến SEA Games 25 trên nước bạn Lào, Việt Nam mới mang lứa vận động viên đầu tiên tham gia thi đấu. Đội hình năm ấy có nhiều võ sĩ tên tuổi như Nguyễn Trần Duy Nhất, Võ Văn Đài, Lý Hoàng Tân… song tất cả đều thua cuộc, chỉ trừ một người duy nhất làm nên chuyện. Và rồi lịch sử lại gọi tên Nguyễn Thị Tuyết Mai.

Dù thi đấu cả Võ cổ truyền lẫn KickBoxing nhưng cuộc chơi ở môn Muay hoàn toàn lạ lẫm với Tuyết Mai. Theo như chính lời HLV Phan Thanh Thuận của Mai nói: "Đánh Muay cường độ cao hơn hẳn hai môn kia. Tôi nhớ chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là đến ngày thi đấu thì ban huấn luyện của môn Muay cảm thấy không chắc ăn với những võ sĩ đang có trong đội tuyển. Họ nhận thấy Mai có độ gan lì, lối đánh quyết liệt cũng phù hợp với Muay nên mới đề xuất lên lãnh đạo để cho Mai tập trung đi thi đấu.

Vì thời gian làm quen và chuẩn bị ngắn nên chủ yếu Mai chỉ tập thể lực, còn về kỹ thuật gối, chỏ thì tôi nói thật lúc đó rất dở. Khi vô trận, Mai vẫn dùng đòn của Võ cổ truyền để đánh thôi. Nhờ sức chịu đòn tốt nên cứ áp sát mà đánh để đối thủ không ngóc đầu lên nổi, cứ thế mà thắng cuộc".

Các võ sĩ Thái Lan vẫn tiếp tục chứng tỏ sức mạnh đáng sợ khi giành đến tận 6 HCV. Và rồi oan gia ngõ hẹp lại đưa Tuyết Mai gặp chính một võ sĩ Thái Lan, Konnika Nuanboriboon, ở trận chung kết hạng 51kg nữ. Với niềm kiêu hãnh về bề dày lịch sử môn võ, cùng bằng chứng là sự áp đảo ở kỳ SEA Games trước đó 2 năm, người Thái hoàn toàn tự tin Nuanboriboon sẽ có màn trả thù ngọt ngào cho thất bại của Wanlaya, nhất là khi được thi đấu ở môn Muay sở trường. Trận đấu vì thế rất đáng được chờ đợi.

"So với mặt bằng chung thì Mai nhỏ con hơn các võ sĩ nước khác, đặc biệt là Thái Lan. Đối thủ lại chuyên về Muay và từng vô địch nên khó khăn hơn gấp bội.

Trước khi lên sàn, HLV trưởng Nguyễn Văn Bắc có nắm được chiến thuật của đối thủ là họ thường đánh từ từ, hâm nóng dần ở hiệp 1, sang đến hiệp thứ 3 thì mới bung sức đánh hết cỡ. Do đó, thầy yêu cầu mình phải đánh phủ đầu đối thủ ngay từ hiệp đầu tiên chứ không có kiểu đánh rình rập.

Khi bước vào trận, Mai liền tấn công xuyên suốt, chỉ dùng đòn đấm và đá thôi chứ hầu như không sử dụng chỏ gối khiến đối thủ cũng bất ngờ vì không nghĩ mình lì tới vậy. Hai bên đánh nhau dữ dội, Mai cũng bị dính nhiều cú đấm đến sưng húp cả mắt. Đến hiệp thứ 3 rồi thì cảm nhận là đuối sức, không còn khả năng đứng vững trên sàn nữa.

Mai không nghĩ là sẽ giành chiến thắng mãi cho đến khi công bố điểm. Khi biết kết quả thắng cuộc, thế là Mai quỳ xuống võ đài, khoác lá cờ tổ quốc lên vai và khóc ngất với tất cả niềm tự hào. Mình đã giành HCV rồi sao? Niềm vui ấy kéo dài mãi đến tận một năm sau", Nguyễn Thị Tuyết Mai nhớ lại trận đấu lịch sử.

Từ KickBoxing qua đến Muay, cứ đụng Mai là thua! Chiến thắng của Mai thêm một lần nữa gieo sầu cho các võ sĩ Thái Lan, khiến người Thái phải "tâm phục khẩu phục". Tấm HCV đầu tiên của Tuyết Mai ở môn Muay đã mở ra sau đó một lứa võ sĩ kế cận xuất sắc. Và đến các kỳ đại hội tiếp theo, đả nữ Bùi Yến Ly nối gót đàn chị để mang về vinh quang cho nước nhà vào các năm 2015, 2019.

'Độc cô cầu bại' làng võ Việt và 2 trận tỷ thí nghẹt thở khiến người Thái ôm hận - 4
'Độc cô cầu bại' làng võ Việt và 2 trận tỷ thí nghẹt thở khiến người Thái ôm hận - 5

Danh xưng "độc cô cầu bại" thường gắn liền với võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất trong làng Muay Thai. Còn Nguyễn Thị Tuyết Mai cũng xứng đáng với biệt danh này khi nói đến các nữ võ sĩ của Việt Nam. Trải qua 15 năm thi đấu, bóng hồng An Giang hầu như không có đối thủ ở võ đài Võ cổ truyền trong nước.

Cô gái An Giang sinh năm 1989 trong một gia đình thuần nông tại vùng đất Bình Mỹ, Châu Phú. Cuộc sống nhà nông bộn bề "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" khiến cha mẹ Mai cũng không thể lo chu toàn hết cho 4 người con.

Một ngày hè năm 2003, võ sư Xuân Liễu và HLV Phan Thanh Thuận đến vùng quê của Mai để mở lớp dạy võ. Khi ấy, cô gái nhỏ nhắn xin gia đình đi tập chủ yếu để rèn luyện sức khỏe. Càng tập luyện, Mai càng bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê cứ thế ngấm vào máu thịt lúc nào không hay.

Chỉ 3 tháng sau, Tuyết Mai được tuyển chọn vào lứa VĐV năng khiếu của tỉnh và chuyển xuống TP.Long Xuyên tập trung cùng đội. Khởi đầu muộn, 14 tuổi lại phải xa nhà khiến cô gái nhỏ không khỏi chạnh lòng.

"Nhiều lúc tập luyện mệt mỏi, nghĩ đến con đường mình đang đi mờ mịt không có lối ra, mình đã có ý định bỏ cuộc để chuyển qua một hướng khác. Nhưng chính các thời khắc ấy mình lại nhìn về gia đình làm điểm tựa. Trong nhà, họ cứ bảo mình phải vững tâm lên, phải phấn đấu để vượt qua chứ không lẽ đi đến đây rồi lại bỏ cuộc. Chẳng phải sẽ phí công lắm sao.

Và rồi mình cũng suy nghĩ lại, trong đầu chỉ có hai từ cố gắng, cố thêm chút nữa, mãi rồi cũng cố được đến bây giờ", Tuyết Mai tâm sự.

Khi vượt qua được nỗi lo tâm lý, Tuyết Mai chuyên tâm vào tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện TDTT An Giang. Nhờ lĩnh giáo được nhiều tinh hoa của dòng võ Bắc Phái Tây Sơn Xuân Bình Võ Đạo nức tiếng miền Tây, Nguyễn Thị Tuyết Mai dần dần bước vào chinh phục các võ đài trong nước, khởi đầu là giải trẻ ở Quảng Ngãi năm 2004.

"Mình là dân tỉnh lẻ lần đầu đi đánh giải quốc gia nên còn nhiều bỡ ngỡ. Cứ nghe đến tên các đoàn như Quân đội, TP.HCM thì rất run sợ vì họ là những đội mạnh. Khi thi đấu, đa phần mình nhỏ hơn đối thủ, nhưng bù lại thì có chiến thuật hợp lý hơn. Bên cạnh đó, các thầy cô cũng luôn động viên khiến mình tự tin, rồi cứ thế bước lên đánh, đánh đâu thì thắng đó".

Từ chức vô địch đầu tiên ở giải trẻ năm 2004, Tuyết Mai đã duy trì sự thống trị của mình suốt 14 năm liền ở bộ môn võ cổ truyền và hầu như không có đối thủ. Ở võ đài Đấu Trường Thép nổi danh một thời, Nguyễn Thị Tuyết Mai cũng khẳng định sức mạnh tuyệt đối bằng 3 chiếc đai vô địch vào các năm 2014, 2016, 2017. Nữ võ sĩ An Giang cũng là nhà vô địch thế giới Võ cổ truyền Việt Nam các năm 2016, 2018.

Trên sàn đấu, Tuyết Mai là nỗi ám ảnh với bất kỳ tay đấm nào bởi sự lì đòn, độ nhạy bén, cộng với lối đánh áp sát khó chịu khiến đối thủ nhiều khi nghe danh đã bỏ cuộc. Vì thế gọi Mai với danh xưng "độc cô cầu bại" cũng chẳng hề sai.

Từng xưng vương trên khắp võ đài Việt đến cả châu lục lẫn thế giới nhưng Tuyết Mai trở lại với cuộc sống hiện tại là người điềm tĩnh, tỏ ra rất kiệm lời khi nói về bản thân. Cô gái luôn quan niệm với người học võ thì đạo đức đi đầu, thắng không kiêu bại không nản, đặc biệt là không gây thù chuốc oán với bất kỳ ai.

'Độc cô cầu bại' làng võ Việt và 2 trận tỷ thí nghẹt thở khiến người Thái ôm hận - 6
'Độc cô cầu bại' làng võ Việt và 2 trận tỷ thí nghẹt thở khiến người Thái ôm hận - 7

Ở tuổi 33, Nguyễn Thị Tuyết Mai vẫn đi về lẻ bóng. Căn phòng trọ cùng phòng tập khoảng 50m2 của nhà vô địch SEA Games năm nào nằm sâu trong con hẻm nhỏ tại TP.Long Xuyên. Một buổi chiều mưa rả rích, cũng như bao ngày, Mai vẫn lên lớp tiếp tục truyền lửa võ thuật cho các môn sinh. Từ giã thi đấu đỉnh cao vào năm 2018, Tuyết Mai trở về với công tác huấn luyện ở đội tuyển võ thuật An Giang, đồng thời mở một phòng tập nhỏ duy trì đam mê, tìm kiếm thêm nhân tài mới.

Thấm thoát gần 20 năm trôi qua, Tuyết Mai vẫn xem võ thuật như cái chẳng thể nào buông bỏ được. Với nhiều người, nam giới tập võ và theo đuổi con đường võ sĩ chuyên nghiệp vốn đã khó, với nữ nhi như Mai thì điều đó khó khăn gấp bội. Thời gian, nhan sắc, chấn thương… những thứ đó chẳng chừa một ai cả.

Trong suốt thời gian tập luyện và thi đấu, Tuyết Mai gặp vô số chấn thương lớn nhỏ, như có một lần, võ sĩ An Giang suýt phải giải nghệ. Đó là năm 2013 ở Incheon (Hàn Quốc) tham dự Đại hội Võ thuật châu Á, trong lúc đấu tập với một VĐV người nước bạn, vì quá ham đòn nên trong lúc lao đến thì Mai bị đối phương tung cú đấm rất mạnh vào mắt gây sưng to và không nhìn thấy gì nữa.

Các bác sĩ khi ấy đã khám và cho rằng khả năng cao là Mai sẽ không thi đấu được nữa, tình huống xấu nhất sẽ phải bỏ nghề. Tuy nhiên, bằng một cách thần kỳ nào đó, Tuyết Mai vẫn có thể kiên trì chữa trị và vượt qua được vết thương chí mạng để trở lại sàn tập.

"Nếu như nữ tập võ mà đi theo quyền thuật thì vẫn giữ được gương mặt đẹp, vẫn son phấn trang điểm đẹp và tự tin đi ra đường. Còn theo đối kháng như Mai thì hàng ngày bị "ăn đấm" vào mặt là chuyện bình thường. Mà bị đấm nhiều thì rất dễ bị chấn thương, mặt sưng vù lên đau đớn, còn son phấn, trang điểm gì nữa? Nó là vậy á, nhiều khi cũng không biết sao mà có thể theo được đến giờ", Mai tâm sự.

'Độc cô cầu bại' làng võ Việt và 2 trận tỷ thí nghẹt thở khiến người Thái ôm hận - 8

Phút yếu lòng của cô gái nhỏ phần nào khắc họa được nỗi vất vả mà một nữ võ sĩ đối kháng phải trải qua. Còn với người mẹ của Mai, thường gọi là chị Sáu Thoa, khi được hỏi về những trận đấu của con gái, bà chỉ đáp: "Tui chưa bao giờ dám xem con mình thi đấu bất kỳ trận nào. Tui sợ lắm, sợ con mình bị người ta đánh nên không dám nhìn lên ti vi. Tui không xem nhưng vẫn để ý, nhiều khi đi làm ngoài ruộng cũng nghe người này người kia nói là con Mai nó thắng rồi. Nghe vậy thì vui lắm chứ".

Trong ký ức của người mẹ, Tuyết Mai là cô gái mạnh mẽ ngay từ nhỏ. Mặc dù vậy, bản thân bà không dám nghĩ và cũng từng khuyên ngăn con mình thôi theo con đường võ thuật.

"Khuyên riết không được thì tui cũng đành để cho nó tự chọn. Từ lo lắng thì mình cũng chuyển sang động viên và ủng hộ nó chứ biết sao giờ. Cũng may Mai thành danh, tự lo cho cuộc sống nó được. Nó là đứa sống rất lễ độ, được bà con hàng xóm ở đây quý mến lắm.

Nhà có 4 anh chị em, 2 đứa đầu thì lập gia đình rồi, đứa con út cũng chuẩn bị lấy chồng, chỉ còn mình nó thôi. Nhiều khi nó về nhà thì cũng buột miệng hỏi "khi nào con lấy chồng"? Hỏi vui vậy chứ ở quê tui, cũng đầy người ngoài 30 rồi mà chưa lấy thì sao. Không sợ ế đâu. Thậm chí, bà con hàng xóm cũng hỏi nó vậy, nó chỉ đáp lại là "con sẽ ở vậy nuôi ba mẹ đến suốt đời", chị Thoa bộc bạch.

'Độc cô cầu bại' làng võ Việt và 2 trận tỷ thí nghẹt thở khiến người Thái ôm hận - 9

Nguyễn Thị Tuyết Mai sở hữu sự nghiệp có thể nói là thành công đến thời điểm hiện tại. Nhưng khi nói về chuyện tình cảm, bóng hồng nhỏ An Giang lại tỏ ra thẹn thùng. Dường như Tuyết Mai vẫn còn quá nặng lòng với nghiệp võ mà quên đi hạnh phúc của bản thân. Với nhà vô địch SEA Games 25 lúc này, niềm vui lớn nhất chính là sống trong chính niềm đam mê cùng võ thuật và hỗ trợ tỉnh nhà đào tạo ra nhiều lứa võ sĩ kế cận phục vụ cho đội tuyển quốc gia.

"Mình không tự nhận bản thân giỏi, chỉ thú thật là rất mê võ. Tuổi trẻ bây giờ họ có nhiều lựa chọn hơn so với ngày xưa. Ngày trước khi mình tập võ, dù có mệt, có chán nản thì cũng chỉ nghĩ về gia đình rồi lấy đó làm động lực chứ không thích lựa chọn thứ khác.

Còn tuổi trẻ bây giờ khi nản hoặc buồn thì họ có thể chọn một hướng khác tốt hơn. Nếu trong võ thuật mà ai cũng như vậy thì sẽ rất phí phạm thời gian, công sức tập luyện. Vì thế nên khi lui về hậu phương, mình mong muốn sẽ tìm ra nhiều Tuyết Mai nữa. Để làm gì? Để yêu võ thuật và gắn bó với nó. Mai sẽ truyền lửa bằng tất cả chuyên môn, kinh nghiệm sống và kinh nghiệm chiến đấu trên võ đài để tạo ra được thế hệ kế cận cho tỉnh An Giang và cho đất nước".

'Độc cô cầu bại' làng võ Việt và 2 trận tỷ thí nghẹt thở khiến người Thái ôm hận - 10
(Nguồn: Tổ Quốc)
Bình luận
vtcnews.vn