• Zalo

Doanh nghiệp tuần qua: Lộ góc khuất ngành xăng dầu, bầu Đức dừng bán cổ phiếu

Tài chínhChủ Nhật, 25/09/2022 13:51:59 +07:00 Google News
(VTC News) -

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kêu bị chèn ép, công ty bầu Đức dừng chào bán riêng lẻ gần 162 triệu cổ phiếu... là thông tin doanh nghiệp đáng chú ý trong tuần.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ, cửa hàng, đại lý xăng dầu cho biết đang vô cùng khó khăn, càng bán càng lỗ, nếu kéo dài thì chỉ còn nước đóng cửa.

Hé lộ nhiều góc khuất thị trường bán lẻ xăng dầu

Theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sơn Hải (Hà Nội), doanh nghiệp của ông đang gặp khó khăn lớn, càng kinh doanh càng lỗ nặng, do mức chiết khấu chỉ 0 - 50 đồng/lít, không đủ chi phí trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động.

Trong khi đó, tổng chi phí cho mỗi lít xăng từ đầu nguồn đến bán lẻ là từ 1.250 - 1.300 đồng/lít, chi phí cho dầu là 1.130 -1.250 đồng/lít. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải gánh đủ mọi loại chi phí khác như lương, thuê nhân sự, vận chuyển, phí bảo hiểm, công đoàn...

Doanh nghiệp tuần qua: Lộ góc khuất ngành xăng dầu, bầu Đức dừng bán cổ phiếu - 1

Doanh nghiệp xăng dầu bán lẻ cho biết đang gặp nhiều khó khăn, cần tháo gỡ để tránh bị phá sản. (Ảnh minh họa).

Bà Lê Thị Nhã, lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân Văn Phúc (Hà Nội), cũng phản ánh, lợi nhuận kinh doanh suốt 2 tháng nay không đủ trả tiền điện vì chiết khấu không có. Nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp chỉ còn nước đóng cửa.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng (Yên Bái), cho hay, hiện chiết khấu với doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu tại kho Đức Giang là 0 đồng/lít. Trong khi đó, chi phí vận chuyển từ kho Đức Giang đến các đại lý mất khoảng 700 đồng/lít.

Với mỗi lít bán ra, doanh nghiệp lỗ 1.200-1.300 đồng. Nhưng nguồn cung cũng không sẵn, tình trạng khan hiếm, đứt hàng từ các doanh nghiệp đầu mối xảy ra liên tục. Theo bà Sinh, trong bối cảnh khó khăn chung, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không cần có lãi nhưng cơ quan quản lý phải làm sao để doanh nghiệp có đủ chi phí trả lương cho người lao động.

Đáng chú ý, theo ông Trần Bảo Sơn, đại diện Công ty Xăng dầu Trung Sơn (Hà Nội), không chỉ chiết khấu 0 đồng, hiện nay, doanh nghiệp bán lẻ đang khổ đủ đường vì các quy định rất “trời ơi đất hỡi”. Chẳng hạn, để có một cây xăng, doanh nghiệp phải trải qua cả rừng thủ tục kéo dài đến 5 năm, thậm chí 10 năm. Khi cây xăng xuống cấp, muốn sửa thì lại vướng hàng loạt quy định, từ an toàn môi trường, cảnh quan, kiến trúc, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ. Hay là quy định phải có phương án xử lý sự cố tràn dầu trong khi quy định này chỉ hợp lý với các phương tiện vận tải thủy.

Nhằm ổn định thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ và Xây lắp dầu khí, kiến nghị doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối xăng dầu cần chia sẻ chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức với doanh nghiệp bán lẻ.

“Nếu tình trạng hiện nay kéo dài, nhiều cây xăng ngưng bán sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các ngành khác và người tiêu dùng. Khi đó doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không bán hàng nữa không phải vì chiết khấu mà do không còn vốn để tồn tại”, bà Hường nói.

Hoàng Anh Gia Lai tạm dừng hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ cổ phiếu

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (Hoàng Anh Gia Lai, mã chứng khoán HAG) thông qua việc tạm dừng hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ của HAG. Việc tạm dừng nhằm điều chỉnh phương án sử dụng vốn chi tiết đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của HAG và mang lại hiệu quả đầu tư.

Hoàng Anh Gia Lai trước đó đăng ký chào bán riêng lẻ 161,9 triệu cổ phiếu ở mức giá 10.500 đồng/cổ phiếu, để huy động tổng cộng 1.699 tỷ đồng từ các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Toàn bộ số cổ phiếu từ đợt chào bán sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Theo lãnh đạo HAG, số tiền thu được lần này sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động (qua hình thức cho vay) với các công ty con (tổng cộng 1.200 tỷ đồng). Hơn 500 tỷ đồng còn lại được dùng để trả nợ gốc trái phiếu do HAG phát hành từ cuối năm 2016.

Doanh nghiệp tuần qua: Lộ góc khuất ngành xăng dầu, bầu Đức dừng bán cổ phiếu - 2

Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức tạm dừng hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ cổ phiếu.

Vingroup sắp xây thêm nhà máy sản xuất pin hơn 6.000 tỷ đồng

Công ty cổ phần giải pháp năng lượng VINES Hà Tĩnh (Vingroup) vừa được tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất pin Lithium. Nhà máy dự kiến xây dựng trên diện tích hơn 14 ha, thuộc quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp trung tâm lô CN4, CN5, Khu kinh tế Vũng Áng, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh.

Tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của chủ đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng, vốn huy động gần 4.000 tỷ đồng. Nhà máy sẽ cung cấp cell pin sạc LFP (Lithium Iron Phosphate) sử dụng chủ yếu cho pin ôtô điện và hệ thống lưu trữ điện năng (ESS). Công suất thiết kế của nhà máy là 5Gwh/ năm, tương đương 30 triệu cell pin sạc LFP (năng lượng 166,4 Wh/cell pin) mỗi năm.

Dự kiến, quý IV/2023 đến quý I/2024, nhà máy sẽ hoàn thành phần xây dựng, lắp đặt máy móc, dây chuyền sản xuất và đi vào vận hành hoạt động. Quý III/2024 là giai đoạn sản xuất đại trà. Hiện mặt bằng cho dự án đã có, nhà chức trách đang khảo sát, hoàn thiện một số thủ tục để bàn giao cho chủ đầu tư.

Những năm qua, Vingroup và Vinhomes thực hiện nhiều dự án tại Hà Tĩnh như Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Hà Tĩnh, dự án Vinhomes New Center (thành phố Hà Tĩnh), Vinpearl Ocean Villa, Công viên nước Vinpearl Land Cửa Sót (huyện Lộc Hà)...

Ông lớn ngành đường sắt tiếp tục lỗ nặng

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nửa đầu năm lỗ 30 tỷ đồng và dự kiến cả năm lỗ 570 tỷ đồng, nối mạch kinh doanh ảm đạm 3 năm liền. Theo đó, báo cáo tài chính của công ty mẹ ghi nhận doanh thu nửa đầu năm tăng trưởng 36% so với cùng kỳ, đạt gần 1.050 tỷ đồng. Dù các chỉ tiêu khác như chi phí quản lý doanh nghiệp, lãi vay, cổ tức... đều cải thiện đáng kể nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ sau thuế khoảng 30 tỷ đồng. 

Theo kế hoạch công bố đầu năm, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 1.622 tỷ đồng và lỗ sau thuế 570 tỷ đồng. Đây là năm thứ ba liên tiếp công ty kinh doanh dưới giá vốn, chủ yếu vì sản lượng hành khách giảm mạnh bởi dịch bệnh. Hai năm trước, công ty lần lượt lỗ sau thuế 1.327 tỷ đồng và 565 tỷ đồng.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hiện có tài sản hơn 15.000 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty đang nợ gần 2.230 tỷ đồng và khoản lỗ chưa phân phối hơn 1.850 tỷ đồng.

Doanh nghiệp tuần qua: Lộ góc khuất ngành xăng dầu, bầu Đức dừng bán cổ phiếu - 3

Ông lớn ngành đường sắt tiếp tục gặp nhiều khó khăn

FLC tìm được công ty kiểm toán mới

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã FLC) cho biết đã ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY làm đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021. Theo đó, UHY sẽ là đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021 của FLC.

Hội đồng quản trị FLC đã ra nghị quyết về việc thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán đã ký ngày 21/7/2022 giữa FLC và Công ty TNHH Kiểm toán An Việt. Lý do là Kiểm toán An Việt không bố trí được thời gian và nhân sự để cung cấp dịch vụ kiểm toán theo quy định của hợp đồng đã ký kết.

Trước đó, vào năm 2021, đơn vị phụ trách kiểm toán báo cáo tài chính cho FLC là Công ty TNHH Kiểm toán - Tư vấn Đất Việt. Tuy nhiên đơn vị này đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đình chỉ từ cách được chấp thuận kiểm toán cho doanh nghiệp niêm yết hồi cuối tháng 3.

Việc này đã khiến FLC phải 2 lần thay đơn vị kiểm toán và liên tục thất hứa với cổ đông về lịch công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021.

Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY (UHY) là đơn vị thành viên của UHY International, hãng kiểm toán thành lập năm 1986 có trụ sở tại London (Anh), đã hoạt động tại Việt Nam 16 năm. UHY được thành lập dựa trên cơ sở hợp nhất giữa Công ty TNHH Dịch vụ Kiểm toán và Tư vấn UHY và Công ty TNHH Kiểm toán Kreston ACA Việt Nam.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn