• Zalo

Doanh nghiệp tư nhân tàn phá rừng đầu nguồn trồng cam: Cán bộ đổ cho dân, huyện nói không biết

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 23/08/2017 16:04:00 +07:00Google News

Trong khi cán bộ hai xã, huyện còn mải đổ lỗi cho nhau, hàng ngàn ha rừng đầu nguồn ở khu vực giáp ranh Tân Lạc và Tây Phong (Hòa Bình) về cơ bản đã bị một vài công ty tư nhân tàn phá xong.

Sau lời "kêu cứu" rừng đầu nguồn của người dân xã Quy Hậu (Tân Lạc - Hòa Bình), chúng tôi đã có những ngày ghi nhận thực tế và phản ánh trong 2 kỳ Phóng sự: "Bài 1: Dân thảm thiết kêu cứu rừng đầu nguồn ở Hòa Bình: 'Thà bắn chết chúng tôi đi còn hơn; Bài 2: Phá rừng đầu nguồn ở Hòa Bình: 'Con cháu chúng tôi sẽ gặp thảm họa lũ quét như Mù Cang Chải?'.

Trước hiện trạng những cánh rừng xanh tốt bỗng chốc bị doanh nghiệp tư nhân cạo trọc để trồng cam, phóng viên VTC News quay trở lại Hòa Bình làm việc với chính quyền địa phương để làm sáng tỏ hơn những thông tin mà người dân phản ánh.

1

Rừng đầu nguồn ở hòa Bình bị doanh nghiệp tư nhân cày xới, chặt phá trồng cam. (Ảnh: Kim Thược)

Cán bộ đổ cho dân phá rừng

Ông Nguyễn Văn Tươi - Chủ tịch UBND xã Tây Phong (Cao Phong - Hòa Bình) tỏ ra bất ngờ khi bỗng nhiên xuất hiện người lạ trước cửa phòng làm việc. Sau khi xuất trình đầy đủ giấy tờ để làm việc, ông Tươi tỏ ra thiện chí cung cấp thông tin cho PV.

"Trong vùng giáp ranh giữa hai xã Quy Hậu và Tây phong có 280 ha rừng đầu nguồn được UBND tỉnh Hòa Bình thu hồi của người dân và giao cho công ty Cổ phần Lâm Quế từ năm 2008. Tỉnh cấp từ 2008 nhưng mãi đến năm 2016 chúng tôi mới biết trong 280 ha này có 170 ha thuộc về xã Tây Phong.

Lúc đấy, trên đầu nguồn gọi là rừng phòng hộ nhưng thật ra nó cũng không có nhiều cây to nữa. Những cây to người ta khai thác gỗ đã chặt hết rồi", ông Tươi vào trả lời PV trơn tru những vấn đề người dân Quy Hậu phản ánh phần rừng đang tranh chấp với Tây Phong.

Tuy nhiên, khi được hỏi về mục đích UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép cho công ty Lâm Quế thì ông Chủ tịch xã Tây Phong lại mơ hồ: "Công ty được cấp phép trồng cây hay làm gì ấy. Trên ấy, ngoài công ty Lâm Quế được cấp phép, còn một công ty tên Quang Hà chưa được cấp phép nhưng cũng trồng cam nhiều lắm, gần 700 ha. Trồng ở cả hai huyện Cao Phong, trồng cả Tân Lạc".

IMG20170816144327 4

Ông Bùi Văn Tươi - Chủ tịch UBND xã Tây Phong (Ảnh: Kim Thược)

Ông Tươi xác minh, chiếc máy ủi phá rừng bị người dân Quy Hậu bức xúc kéo lên đốt cách đây hơn một năm là của Công ty CP Lâm Quế. Còn việc xô xát giữa người dân và công ty Quang Hà liên quan đến việc vỡ đường ống nước sinh hoạt của người dân cách đây không lâu ông Tươi chỉ nghe mang mángchứ không nắm bắt được hết tình hình trị an ở địa phương.

Ông Tươi bộc bạch: "Lúc rừng đang có cây là do Quy Hậu quản lý. Sau tàn phá rồi, vỡ chuyện ra, các cơ quan pháp luật vào cuộc thì mới xác định ra đây là đất của Tây Phong.Trước đây, khi trục chặc với hai công ty Lâm Quế và Quang Hà, xã Quy Hậu còn quản lý thì cây đã bị chặt hết rồi. Đến khi giao lại cho Tây Phong chỉ còn là đất đá không. Gọi là rừng đầu nguồn thật, quy hoạch là phòng hộ nguồn thật nhưng nó không có cây to".

IMG20170803102948 4

 Rừng không có cây to mà ông Chủ tịch xã Tây Phong nhắc tới khi trả lời PV VTC News (Ảnh: Kim Thược)

Để minh chứng cho lời nói của mình ông Tươi lấy hàng loạt những ví dụ việc người dân Quy Hậu đã phá rừng trước khi bàn giao về cho Tây Phong: "Hàng ngày người kéo lên phá rừng, lấy củi, lấy măng cũng toàn dân Quy Hậu thôi. Ở Tây Phong khu vực đó có người dân xóm Nếp nhưng người ta không bao giờ làm những việc ấy. Thỉnh thoảng chúng tôi có bắt gặp toàn là người dân xóm Khang, xóm Dom, xóm Bậy thuộc xã Quy Hậu. Chính mắt tôi cũng cố lần nhìn thấy một nhóm khoảng 20 người dân Quy Hậu lên rừng đầu nguồn để chặt củi, lấy gỗ".

Lời bộc bạch của ông Chủ tịch UBND xã Tây Phong là vậy nhưng trong hành trình đi từ xóm Dom lên đầu nguồn, tôi vẫn bắt gặp những cây cổ thụ trong rừng. Đứng từ trên đỉnh núi nhìn xuống vẫn là một màu xanh bát ngát. Nó khác hẳn với những cánh rừng đã bị cạo trọc lốc để xây nhà kính và trồng cây ăn quả. Dưới chân rừng, khu vực xóm Dom vẫn còn ghi tấm bia rất lớn: "Khu Rừng Phòng Hộ - Nghiêm cấm mọi hành vi chặt phá, lấn chiếm rừng, mua bán lâm sản, săn bắt động vật rừng trái quy định của pháp luật".

20861211_205009646699931_240145609_o 4

Tấm biển ghi rõ ràng đây là rừng phòng hộ. (Ảnh: Kim Thược) 

Tôi đặt ra cho ông Tươi một vài câu hỏi: "Chẳng lẽ, đất là do Tây Phong quản lý nhưng người dân Quy Hậu chịu hậu quả của việc doanh nghiệp tư nhân được phép phá rừng trồng cam? Ông có quan tâm đến hậu quả của việc phá rừng phòng hộ hay không?".

Lúc này, ông Tươi trả lời nhỏ dần: "Chúng tôi chẳng biết làm như thế nào cả. Huyện với tỉnh cũng chưa có hội nghị nào bàn về vấn đề này. Một bên có đất nhưng nguồn nước không chảy về. Bên không có thì đang chịu hậu quả...

Tất nhiên, trồng cam trên đất ấy người dân Quy Hậu bị ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Nếu cứ phá rừng núi như vậy thì tôi cũng lo ngại lũ quét và sạt lở đất. Đây cũng là vấn đề trăn trở, đau đầu của địa phương. Phải trông chờ cấp trên có hướng giải quyết như thế nào cho dân đỡ khổ".

Video: Người dân kêu cứu rừng đầu nguồn ở Quy Hậu - Tân Lạc - Hòa Bình (Kim Thược)

‘Lôi cái ông Chủ tịch xã Tây Phong về đây’

Sau cuộc gặp với người đứng đầu UBND xã Tây Phong, chúng tôi quay lại trụ sở UBND xã Quy Hậu để gặp lãnh đạo xã này. Trước thông tin ông Nguyễn Văn Tươi "tố" người dân Quy Hậu phá rừng chỉ còn trơ trọi đất đá trước khi được bàn giao về cho Tây Phong, ông Bùi Minh Hiển - Chủ tịch UBND xã Quy Hậu tỏ ra mất bình tĩnh.

"Tôi đề nghệ chị lôi cái ông Chủ tịch xã Tây Phong về đây cho tôi. Ông Tây Phong nói thế nào ấy. Chị đi lên rừng đầu nguồn Quy Hậu xem có đúng như ông ấy nói không? Nếu không có hai công ty kia (công ty CP Lâm Quế và Quang Hà - PV) đấu đá nhau ông Tây Phong cũng không biết được đấy là rừng của ông ở đấy đâu", ông Hiển bức xúc nói.

IMG20170816151927 4

Ông Bùi Minh Hiển - Chủ tịch UBND xã Quy Hậu (Ảnh: Kim Thược)

Theo ông Hiển, nếu người dân Quy Hậu không giữ thì rừng bây giờ đã bị những công ty kia phá trọc lốc để trồng cam: "Năm 2008, khi bàn giao rừng cho công ty CP Lâm Quế nó vẫn còn là rừng phòng hộ, có được phép cày xới như bây giờ đâu. Chúng tôi cũng đề nghị nhiều lần các công ty không được làm như thế vì đây vẫn là rừng phòng hộ cơ mà.

Thế nhưng, công ty bảo là được phép của các cấp có thẩm quyền rồi nên người ta có quyền làm thôi. Sau đó, người ta còn cãi đất này là của Tây Phong chứ có phải của Quy Hậu chúng tôi đâu. Ông Chủ tịch xã Tây Phong nói như thế là không đúng. Nếu chúng tôi không giữ sẽ có có rừng đến bây giờ".

Về thông tin người dân Quy Hậu vẫn lên phá rừng, ông Hiển khẳng định thêm một lần nữa: "Không, không có chuyện đó đâu. Người dân Quy Hậu đã phản ánh như thế nào trong bài báo chị đã viết rồi. Tôi không cần phải nói thêm gì nữa. Còn nói người dân phá rừng là không đúng. Người dân lấy đâu ra máy móc mà cưa cây với đào xới đất như thế".

IMG20170803142216

Đây có phải là cánh rừng chỉ có đất với đá như cán bộ xã Tây Phong nói? (Ảnh: Kim Thược)

Giọng ông Hiển vẫn căng thẳng, dường như vị Chủ tịch xã Quy Hậu vẫn chưa hết bức xúc sau những phát biểu của cán bộ xã Tây Phong "tố" người dân xã ông mới là những "thủ phạm" phá rừng.

Ông Hiển tỏ ra lo lắng cho số phận của Quy Hậu: "Hậu quả thì chúng tôi lĩnh đủ thôi. Mỗi mùa mưa lũ đến mới nơm nớp lo sợ. Chỉ cần một cơn lũ quét, lũ ống thì cực kì nguy hiểm. Chỗ này không phải là không có lũ quét đâu. Tôi nhớ là năm 2007, toàn bộ chỗ này gần như bằng phẳng hết.

Nước ngập ngang nửa căn phòng. Xã đã nhiều lần đề nghị công ty CP Lâm Quế xem xét  tác động để bồi thường cho người dân. Thậm chí, chúng tôi còn yêu cầu họ phải trồng rừng vào không ảnh hưởng tới người dân.

IMG20170803142400

Cam do công ty Quang Hà trồng trên khu vực đầu nguồn nước xã Quy Hậu. (Ảnh: Kim Thược)

Mới đây, do công ty Lâm Quế thi công đào xới đường nên làm hỏng ống nước sinh hoạt của người dân xã tôi. Chúng tôi có yêu cầu với công ty sửa chữa lại cái bể nước cho người dân ăn uống nhưng hiện vẫn chưa khắc phục được. Nước ở đây không đào được như dưới xuôi bởi chất đất có nhiều đá. Bởi vậy, chủ yếu nguồn nước sinh hoạt của người dân là từ rừng đầu nguồn theo các khe suối chảy về".

Trước khi rời UBND xã Quy Hậu, tôi cũng đặt ra cho ông Hiển một câu hỏi: "Nếu người dân cư im lặng và không phản đối thì đến bây giờ rừng trên ấy có còn hay không?".

Ông Hiển không ngần ngại mà trả lời luôn: "Do người dân phản đối nên mới giảm tốc độ như vậy. Nếu không có cơ quan nào can thiệp nữa thì họ vẫn từng bước phá đến cạn kiệt rừng đầu nguồn".

Cha chung không ai khóc?

Trụ sở UBND huyện Tân Lạc nằm cách cách rừng đầu nguồn của người dân xã Quy Hậu đang kêu cứu không xa. Nếu cán bộ chạy xe máy lên đỉnh núi chỉ mất chừng 30 phút.

Thế nhưng, khi chúng tôi đến liên hệ làm việc với UBND huyện về một vài nội dung cơ bản như: người dân phản ánh về tình trạng hỏng đường nước sinh hoạt, rừng phòng hộ diện tích người dân phản ánh bị một vài công ty tàn phá thuộc địa phận quản lý xã nào, thiệt hại cho người dân ra sao thì cán bộ huyện Tân Lạc nắm khá mơ hồ.

IMG20170816175914 4

Văn bản do UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép cho công ty CP Lâm Quế với mục đích trồng và làm dày thêm rừng. (Ảnh: Kim Thược)

Cuộc hẹn làm việc với UBND xã Tân Lạc được rời sang đến đầu giờ chiều vì lãnh đạo bận họp di họp. Chờ mãi, PV cuối cùng mới nhận được một cuộc điện thoại hồi âm từ vị Chánh văn phòng huyện Tân Lạc: "Lãnh đạo của UBND huyện cần phải có thời gian tìm hiểu những vấn đề PV đã hỏi, vì vậy không thể trả lời ngay được. Chúng tôi sẽ hẹn làm việc sau".

Không gặp được lãnh đạo huyện Tân Lạc chúng tôi đành quay trở lại UBND huyện Cao Phong. Lần này, không thể từ chối, ông Lê Xuân Hà - Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Cao Phong là người sẽ là người trả lời và cung cấp thông tin cho PV.

Về vấn đề nhầm lẫn ranh giới giữa hai xã Tây Phong và Quy Hậu dẫn đến việc quản lý đất rừng bị chồng chéo, ông Hà giải thích: "Năm 2008, nội dung của dự án do UBND tỉnh Hòa Bình cho công ty CP Lâm Quế 280 ha rừng, mục tiêu là phủ xanh đất trống đồi núi trọc và làm giàu thêm rừng.

Trong nhiều năm, diện tích 280 ha giao cho công ty Lâm Quế này thuộc về huyện Tân Lạc. Do nhầm lẫn của việc chia lại địa giới hành chính theo Chỉ thị 364 (Chỉ thị về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã - PV) một phần diện tích của Tân Lạc đã chuyển sang Cao Phong nhưng chính quyền địa phương và nhân dân 2 huyện đều không phát hiện.

IMG20170803142658 4

Con đường bị doanh nghiệp tư nhân cày xới và lập hàng rào ngăn người dân đi vào khu vực này. (Ảnh: Kim Thược)

Đến tận năm 2016, khi xảy ra tranh chấp đất đai ở khu vực này, UBND huyện Cao Phong có rà soát lại điện tích đất rừng thì phát hiện có hiện tượng chồng lấn ở phần ranh giới khu vực trên với diện tích là 170 ha.

Huyện đã một vài lần báo cáo lên UBND tỉnh, sau đó tỉnh giao cho các sở ngành xem xét điện tích đất chồng lấn là có thật. Tổng số 170 ha công ty Lâm Quế chồng lấn đã được giao lại cho huyện Cao Phong quản lý".

 
Nhưng từ năm 2016 đến nay, ngoài việc cấp phép cho việc trồng và làm giàu thêm rừng, tôi tin rằng không có lãnh đạo đồng ý cho công ty tư nhân chặt phá rừng cả.

Ông Lê Xuân Hà

Trả lời về vấn đề ai cấp phép cho các công ty tư nhân được chuyển mục đích từ trồng rừng sang trồng cây ăn quả, vị Trưởng phòng Tài Nguyên & Môi trường huyện Cao Phong cho hay: "Năm 2015 về trước, khu vực giáp ranh này thuộc địa bàn quản lý của UBND huyện Tân Lạc, UBND tỉnh có ra văn bản nào hay không thì tôi không biết. Nhưng từ năm 2016 đến nay, ngoài việc cấp phép cho việc trồng và làm giàu thêm rừng, tôi tin rằng không có lãnh đạo đồng ý cho công ty tư nhân chặt phá rừng cả.

Còn đối với huyện Cao Phong, tôi dám khẳng định là lãnh đạo huyện chưa ai ban hành một cái văn bản nào cho phép Công ty CP Lâm Quế cải tạo bất kỳ một cánh rừng nào sang trồng cây có múi".

Theo phản ánh của người dân, trên khu vực giáp ranh giữa hai xã Tây Phong và Quy Hậu, còn một doanh nghiệp tên Quang Hà cũng đang ngày ngày âm thầm đào đường, phá rừng trồng cam. Về vấn đền này ông Hà cũng chỉ xác minh, trên địa bàn huyện Cao Phong chỉ duy nhất công ty Cổ phần Lâm Quế là doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép trồng làm dày thêm rừng.

"Doanh nghiệp Quang Hà mà người dân nhắc tới chưa được UBND tỉnh cấp phép. Họ tự động thỏa thuận với người dân lấy đất và thực hiện trồng cam. Họ trồng hàng nghìn ha trên diện tích các xã Quy Hậu (Tân Lạc), Bắc Phong, Tây Phong (Cao Phong) ...", ông Hà nói.

IMG20170816180323 4

Ông Lê Xuân Hà - Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Cao Phong (Ảnh: Kim Thược)

Ngoài những thông tin trên, ông Hà cũng không nắm được nhiều về hoạt động của công ty này. Sau một loạt các câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền trong việc buông quản lý đất rừng, vị cán bộ Phòng Tài nguyên & Môi trường phải thừa nhận: "Trên địa bàn huyện đâu đó vẫn có việc tự ý chuyển đổi đất rừng sản xuất sang trồng cây có múi hoặc rau màu khác. Đối với huyện Cao Phong, sự chuyển đổi mục đích từ trồng cam sang trồng rừng cũng sự phát triển nóng. Việc canh tác, sử dụng đất rừng đâu đó còn chưa đúng theo quy hoạch.

Công tác chỉ đạo là như vậy, kiểm tra, xử lý là như vậy nhưng không thể quản lý vì nhu cầu đất nông nghiệp của người dân ngày càng cao. Kể cả công ty CP Lâm Quế cũng đã bị UBND tỉnh Hòa Bình xử phạt một lần. Vào thời điểm năm 2016, họ đã từng bị phạt hành chính 6 triệu đồng khi vi phạm vào quy định bảo vệ và phát trển rừng".

Khi rời trụ sở làm việc của UBND huyện Cao Phong, lời nói của vị Trưởng phòng TN&MT vẫn văng vẳng bên tai: "Vai trò của rừng đầu nguồn hết sức quan trọng đối với người dân. Nó mang lại nguồn sinh, nguồn sống, nguồn nước của chúng ta... Không thể vì bất kì lý do nào mà lại phá rừng đầu nguồn để trồng cây ăn quả".

Về lý thuyết thì rõ ràng vị lãnh đạo kia đã nói chuẩn. Thế nhưng, phải chứng kiến những cánh rừng đang bị đào xới, tàn phá mới thấy mọi lý thuyết mà cán bộ, chính quyền địa phương ở đây làm đều khác xa với thực tế. Chỉ một vài doanh nghiệp trong khoảng thời gian ngắn đã chuyển đổi thành công hàng ngàn ha rừng đầu nguồn sang trồng cây ăn quả mà lãnh đạo cả hai huyện nắm tình hình rất mơ hồ và có phần thờ ơ.

Lúc này, tôi nhớ lại câu nói của một người dân Quy Hậu khi được phỏng vấn: "Rừng thì cơ bản đã phá xong rồi. Cha chung thì không ai khóc. Hậu quả, vẫn là dân đen chúng tôi chịu thôi!"

Còn nữa...

Hoàng Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn