• Zalo

Điều gì khiến tiêm kích mới của Nga hút khách, loạt quốc gia nóng lòng muốn mua?

Quân sựThứ Sáu, 19/11/2021 07:30:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Trên mặt bằng chung, mẫu tiêm kích tàng hình vừa được Nga giới thiệu có mức giá chỉ bằng 1/2 so với cấu hình thấp nhất của một F-35 (Mỹ).

Được giới thiệu lần đầu tiên vào mùa hè 2021, "Checkmate" hay Su-75 – mẫu tiêm kích tàng hình hạng nhẹ mới của Nga đang tạo nên một cơn sốt trên thị trường hàng không thế giới, bởi nó được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho các nước với ngân sách quốc phòng hạn chế có thể trang bị máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5.

Theo đó, Tập đoàn chế tạo máy bay Thống nhất (UAC) công ty mẹ của Sukhoi, đang ấp ủ kế hoạch biến Checkmate thành một sản phẩm mới giúp ngành công nghiệp hàng không quân sự Nga tiếp tục thống trị thị trường vũ khí thế giới. Một trong những ưu điểm lớn nhất của dòng tiêm kích này là giá của nó chỉ rơi vào khoảng 30 đến 35 triệu USD, đây một mức giá cực kỳ cạnh tranh, ngay cả với các dòng chiến đấu cơ thế hệ 4 hoặc 4++.

Video Nga giới thiệu loạt tính năng mới của Checkmate ở Dubai Airshow 2021

Với một ngân sách quốc phòng không cần quá lớn, các quốc gia có tiềm lực quân sự hạn chế vẫn có thể sở hữu Checkmate.

Bản thân UAC lẫn Sukhoi đặt khá nhiều hy vọng vào Checkmate bởi đây là dòng tiêm kích tàng hình sử dụng một động cơ đầu tiên của Nga, và nó được tích hợp khá nhiều công nghệ mới, cũng như kế thừa những ưu điểm từ dòng tiêm kích tàng hình Sukhoi Su-57.

Việc UAC mang Checkmate đến triển lãm hàng không quốc tế Dubai Airshow 2021 đang diễn ra ở UAE ít nhiều cho thấy những nỗ lực của người Nga trong việc quảng bá mẫu tiêm kích mới. Trước đó, màn ra mắt của Checkmate tại triển lãm MAKS 2021 cũng được giới chuyên gia đánh giá khá cao.

Vì sao tiêm kích tàng hình Nga hấp dẫn hơn của Mỹ?

Ở thời điểm hiện tại, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 đang trở "sản phẩm" được các quốc gia quan tâm nhiều nhất trên thị trường hàng không quân sự, điển hình như tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II. Ngoài Mỹ, F-35 đang phục vụ trong lực lượng không quân của 9 quốc gia như Australia, Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Israel, Italy, Na Uy, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Mẫu tiêm kích tàng hình của Mỹ sở hữu các tính năng đặc trưng một mẫu chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5, như có khả năng tàng hình trước radar, khả năng thực hiện hành trình siêu âm, được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, khả năng cơ động trên không đầy ấn tượng và có khoang chứa vũ khí bên trong thân. Không những thế, ở biến thể F-35B nó còn có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng, điều này giúp máy bay có thể được triển khai từ các tàu sân bay hoặc đổ bộ cỡ nhỏ.

Dù F-35 vẫn còn nhược điểm chưa được khắc phục trong thời gian ngắn nhưng nó về cơ bản nó không ảnh hưởng lớn đến sự lựa chọn của khách hàng đối với dòng máy bay này. Hầu hết vấn đề đều nằm ở mức giá của F-35, rơi vào khoảng 80-100 triệu USD cho mỗi chiếc tùy vào biến thể, tuy nhiên mức giá này có thể thay đổi ở từng quốc gia.

Điều gì khiến tiêm kích mới của Nga hút khách, loạt quốc gia nóng lòng muốn mua? - 1

Quá nhiều ràng buộc khiến F-35 trở nên kém hấp dẫn trong mắt các khách hàng tiềm năng. (Ảnh: US Defense News)

Trong hoàn cảnh này, chỉ có những quốc gia có ngân sách quốc phòng dồi dào mới có đủ tự tin để theo đuổi kế hoạch mua sắm chiến đấu cơ tàng hình từ Mỹ với số lượng lớn. Những khác biệt về mặt chính trị giữa Mỹ và một số quốc gia cũng làm thu hẹp đáng kể thị trường của F-35. Hiện tại Mỹ chỉ cho phép xuất khẩu mẫu máy bay này cho các đồng minh chiến lược.

Tuy nhiên, không phải mọi việc đều suôn sẻ khi quốc gia đồng minh nào đó của Mỹ muốn mua F-35. Ví dụ như Thụy Sĩ, họ muốn máy bay của Mỹ nhưng lại không thể thực hiện điều này khi các nước châu Âu khác cho rằng hợp đồng này sẽ tác động xấu đến ngành công nghiệp hàng không quân sự của EU. Do đó Bern buộc phải chuyển sang mua các dòng tiêm kích do châu Âu chế tạo như Eurofighter 'Typhoon'..

Một ví dụ khác về những trở ngại chính trị cản trở việc bán F-35 là câu chuyện liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi mua một hệ thống phòng không S-400 'Triumf' từ Nga, Ankara được Mỹ thông báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị cấm mua máy bay F-35 về những lo ngại bảo mất giữa hai hệ thống vũ khí này.

Nga mở ra thị trường tiêm kích tàng hình giá rẻ

Từ những rào cản kể trên, có thể thấy không dễ để một quốc gia có thể mua được chiến đấu cơ thế hệ 5 kể khi cả họ có tiền và cả mối quan hệ đồng minh. Nếu người Nga biết nắm bắt điều này họ sẽ có cơ hội thúc đẩy sự phát triển thị trường tiêm kích tàng hình với mẫu máy bay mới.

Điều gì khiến tiêm kích mới của Nga hút khách, loạt quốc gia nóng lòng muốn mua? - 2

Checkmate - mẫu tiêm kích tàng hình một động cơ mới nhất của Nga.

Theo nhà phân tích quân sự Nga và Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ ( CAST) Ruslan Pukhov:

"Máy bay chiến đấu tàng hình một động cơ Checkmate với các thông số kỹ thuật ấn tượng, giá bán hấp dẫn và chi phí vận hành thấp sẽ mang đến một triển vọng thú vị cho nhiều khách hàng tiềm năng, và trước hết là những quốc gia không thể mua được F-35 từ Mỹ. Sẽ không nói quá khi cho rằng Checkmate sẽ "cánh cửa" giúp nhiều quốc gia trên thế giới hiện đại hóa không quân bằng một dòng máy bay rẻ tiền với các tính năng không hề thua kém F-35."

Cũng theo Pukhov, ngoài mức giá hấp dẫn hơn, Checkmate cũng có lợi thế hơn F-35 về khả năng duy trì trạng thái chiến đấu của máy bay. Điển hình như chi phí vận hành Checkmate mỗi giờ bay chỉ bằng một phần bay so với F-35, tương đương khoảng 4.500 USD. Con số này trên F-35 dao động từ 31.000 – 33.000 USD.

Theo đại diện của UAC, nguyên mẫu đầu tiên của Checkmate sẽ được ra mắt trong năm 2023, quá trình thử nghiệm bay sẽ diễn ra trong năm 2024-2025 và hoàn thành các bài kiểm tra cấp nhà nước của Nga trong năm 2026. UAC cũng tự tin có thể chuyển giao lô máy bay đầu tiên cho khách hàng vào cùng năm, với quy mô dây chuyền sản xuất khoảng 300 chiếc trong vòng 15 năm tới.

Trà Khánh
Bình luận
vtcnews.vn