• Zalo

'Điểm mù' chống dịch ở Ấn Độ thành nguy cơ cho thế giới

Tư liệuThứ Hai, 19/04/2021 07:13:01 +07:00 Google News

Việc chỉ có khoảng 0,05% tổng số ca mắc COVID-19 được giải mã trình tự gene được cho là một trong các nguyên nhân khiến đợt lây nhiễm mới bùng phát ở Ấn Độ.

Theo COVID-19 CG, một công cụ theo dõi của Viện nghiên cứu Broad (Mỹ), Ấn Độ xếp hạng 85 trong số 134 quốc gia về tỷ lệ các ca nhiễm bệnh được giải mã trình tự gene, Wall Street Journal đưa tin hôm 16/4.

Chỉ có khoảng 0,05% tổng số ca mắc của Ấn Độ đã được giải trình tự gene. Tỷ lệ này ở Australia là 47,4%, ở Anh là 7,7% và ở Mỹ là 0,75%.

Việc giải trình tự gene được nhiều quốc gia coi là một công cụ thiết yếu trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Tiến trình này gồm việc lấy mẫu COVID-19 từ một người bệnh và so sánh nó với các mẫu virus của những bệnh nhân khác.

Việc so sánh các kết quả xét nghiệm có thể hỗ trợ công tác truy dấu trong trường hợp nguồn nhiễm bệnh không được xác nhận rõ ràng. Đồng thời, nó cho phép giới chức phát hiện và cách ly những người có tiếp xúc với người bệnh một cách chính xác hơn.

'Điểm mù' chống dịch ở Ấn Độ thành nguy cơ cho thế giới - 1

Bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở New Delhi hôm 15/4. (Ảnh: Reuters)

Theo Wall Street Journal, những quốc gia không giải trình tự gene đủ là "điểm mù" trên bản đồ chống dịch. Tại các nước đó, một biến chủng có thể hình thành và lây lan đến nhiều quốc gia trước khi bị phát hiện. Các nhà khoa học vẫn chưa xác định nơi hình thành ba biến chủng được phát hiện lần đầu ở Anh, Nam Phi và Brazil.

Trong khi đó, Ấn Độ, nơi có dân số đông thứ hai thế giới và hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày, có nguy cơ trở thành "vùng số 0" cho các biến chủng hình thành.

"Càng nhiều người nhiễm, nguy cơ (hình thành biến chủng) càng cao", Alina Chan, nhà nghiên cứu về gene và tế bào tại Broad Institute of MIT and Harvard, cho biết.

"Vật lộn trong sự mơ hồ"

"Chúng tôi đang vật lộn trong sự mơ hồ. Không có dữ liệu cũng như bất kỳ một cuộc thảo luận nào về cách xét nghiệm các biến chủng của virus", tiến sĩ Amir Ullah Khan, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Thực hành và Chính sách Phát triển Ấn Độ, cho biết.

Ấn Độ đang là quốc gia có tốc độ lây nhiễm COVID-19 nhanh nhất trên thế giới. Ngày 18/4, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nước này đã ghi nhận 261.500 ca nhiễm COVID-19 mới trong 24 giờ qua. Đây là mức tăng kỷ lục mới và là ngày thứ tư liên tiếp số ca nhiễm mới tại Ấn Độ ở mức trên 200.000 ca/ngày, theo India Times.

Vào tháng 3, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết các phòng thí nghiệm của họ đã phát hiện cả ba biến chủng (Anh, Nam Phi và Brazil) trong các mẫu được thu thập, trong đó có một "biến chủng đột biến kép" mới, có thể có nguồn gốc từ Ấn Độ. Biến chủng này mang hai đột biến, đã được được phát hiện riêng lẻ trước đây nhưng chưa từng được thấy trên cùng biến chủng.

Các nhà khoa học chưa biết nhiều về biến chủng này. Nhưng nó đã kịp lây lan. Từ Đại học Stanford, tiến sĩ Benjamin Pinsky nói rằng ông nghe về biến chủng này lần đầu vào 24/3 khi chính phủ Ấn Độ công bố thông tin. Ngày hôm sau đó, phòng thí nghiệm của ông phát hiện cùng biến thể trong mẫu lấy từ một bệnh nhân ở California. Trong ba tuần vừa qua, đã có 6 ca nhiễm được xác nhận mang chủng này, cùng 10 ca nghi nhiễm. Ít nhất một người từng đến Ấn Độ.

Tiến sĩ Anurag Agrawal, Giám đốc Viện Sinh học Tích hợp và Sinh học CSIR của Ấn Độ, cho biết họ có thể giải trình tự từ 25.000 đến 30.000 mẫu gene mỗi tháng. Tuy nhiên, trung bình họ chỉ thực hiện khoảng 4.000 mẫu một tháng vì số lượng đó đã đủ để xác định biến thể trội khi tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn.

'Điểm mù' chống dịch ở Ấn Độ thành nguy cơ cho thế giới - 2

Một lao động di cư được xét nghiệm COVID-19 ở Jammu, Ấn Độ. (Ảnh: AP)

Một số chuyên gia y tế cảnh báo rằng tốc độ giải trình tự của Ấn Độ chỉ đủ để xác định các biến chủng sau khi dịch bệnh đã lan rộng ra cộng đồng.

“Chúng tôi đang mắc phải sai lầm tương tự như năm ngoái”, tiến sĩ Khan cho biết. "Chúng tôi đã lãng phí rất nhiều thời gian vì chậm trễ trong giải mã trình tự gene của các biến thể".

Các chuyên gia y tế công cộng cho biết nếu không có các chương trình trình tự giải trình tự gene SARS-CoV-2 tích cực hơn, các quốc gia như Ấn Độ sẽ không có đủ dữ liệu để thực hiện kiểm soát dịch bệnh tại các khu vực cụ thể.

Đồng thời, việc có ít thông tin về các biến thể cũng gây khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả sử dụng các loại vaccine hiện có.

Nhiều trở ngại

Tiến sĩ Agrawal cho biết Ấn Độ đang nỗ lực giải trình tự bộ gene SARS-CoV-2 để xác định các chủng virus chiếm ưu thế trong các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ở bang Punjab, biến thể B117 (được phát hiện lần đầu ở Anh) là phổ biến nhất. Trong khi đó, tại bang Maharashtra, biến thể kép đang chiếm ưu thế. Các phòng thí nghiệm của chính phủ Ấn Độ có kế hoạch tăng giải trình tự khi cần thiết để thông báo các quyết định về sức khỏe cộng đồng trong những tháng tới.

“Việc giải trình tự gene cần phải được thực hiện nhiều hơn vào thời điểm này, khi tình hình trở nên tồi tệ hơn”, ông Agrawal nói thêm.

Nỗ lực thúc đẩy việc giải trình tự gene đang gặp phải vấn đề tương tự đợt triển khai xét nghiệm COVID-19 ban đầu vào năm ngoái.

Những trở ngại bao gồm sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ và sự tham gia ít ỏi của khu vực tư nhân ở nước này. Tại Ấn Độ, công việc xác định trình tự bộ gene được thực hiện bởi 10 phòng thí nghiệm của nhà nước.

Nhiều cơ sở xét nghiệm - nơi cung cấp các mẫu COVID-19 dương tính cho các phòng thí nghiệm - đã bị dỡ bỏ sau khi Delhi sớm tuyên bố chiến thắng đại dịch, tiến sĩ Khan cho biết. Ông nói trọng tâm của chính phủ đã chuyển sang chiến dịch tiêm chủng thay vì xác định biến chủng nào của virus gây ra làn sóng lây nhiễm hiện nay.

Tiến sĩ Lalit Kant, nguyên trưởng phòng dịch tễ học và các bệnh truyền nhiễm tại Ấn Độ, nói rằng các bang của Ấn Độ sẽ gửi 5% tổng số mẫu dương tính đến phòng thí nghiệm để giải trình tự gene, nhưng họ đã không thực hiện đủ.

Tiến sĩ Agrawal cho biết trở ngại chính là việc phát triển mạng lưới để lấy mẫu nhanh chóng từ các khu vực. Bất kỳ sự chậm trễ nào đồng nghĩa với thông tin kém kịp thời hơn và ảnh hưởng đến quyết định về sức khỏe cộng đồng, tiến sĩ khẳng định.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn