Đến thời điểm này, gần 100 trường đại học đã công bố điểm chuẩn năm 2022 theo phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, nhóm ngành Kinh tế, Công nghệ Thông tin, Máy tính tại nhiều trường đại học tiếp tục dẫn đầu về điểm chuẩn.
Có ngành tăng hơn 5 điểm
Tại khu vực phía Nam, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, điểm chuẩn nhiều ngành tăng cao so với năm ngoái như Kinh doanh nông nghiệp điểm chuẩn 25,8 - tăng 3,8 điểm; ngành Kế toán chương trình tài năng có điểm chuẩn là 27,5 - tăng 5,5 điểm.
Nhiều ngành của trường này có điểm chuẩn từ 27 trở lên như: Kinh doanh quốc tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Marketing, Kiểm toán, Hệ thống thông tin quản lý, Thương mại điện tử, Công nghệ truyền thông…
Điểm chuẩn ngành kinh tế khá cao cũng được ghi nhận tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM). Tại trường này, ngành có điểm chuẩn thấp nhất là 23,4, nghĩa ít nhất phải mỗi môn 7,8 điểm mới trúng tuyển vào trường.
Thống kê điểm trung bình trúng tuyển năm 2022 của Trường ĐH Kinh tế Luật là 26,36. Trong đó, điểm trung bình khối ngành Kinh tế là 26,22 điểm, khối ngành Kinh doanh là 26,64 điểm và khối ngành Luật là 25,65 điểm. Ngành thương Mại điện tử có điểm chuẩn cao nhất là 27,55.
Theo lãnh đạo nhà trường, có 7.650 hồ sơ đăng ký xét tuyển với 14.004 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường. Trong số các thí sinh trúng tuyển có 897 thí sinh có kết quả tổng điểm từ 25 trở lên, 253 thí sinh có kết quả tổng điểm từ 27 trở lên.
Ở phía Bắc, điểm chuẩn Trường ĐH Ngoại thương giữ vững "truyền thống", cũng rất cao. Tại cơ sở chính ở Hà Nội, các ngành Kinh tế, Kinh tế quốc tế có điểm chuẩn cao nhất là 28,4; các ngành Quản trị Kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Quản trị Khách sạn, Marketing có điểm chuẩn là 28,2. Trong khi đó, tại cơ sở TP.HCM, tất cả các ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Kinh doanh quốc tế, Marketing đều có điểm chuẩn là 28,25.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhiều ngành có điểm chuẩn từ 28 trở lên như: Marketing, Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử, Kiểm toán, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Trong 60 ngành học của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nếu tính theo thang điểm 30 thì ngành có điểm chuẩn thấp nhất là 26,1, có nghĩa ít nhất phải 8,7 điểm/môn mới trúng tuyển vào đây.
Bên cạnh nhóm ngành Kinh tế, nhóm ngành Công nghệ thông tin, Máy tính năm nay cũng có điểm chuẩn rất cao.
Khoa học máy tính là ngành có điểm chuẩn cao nhất của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), với 28,2 điểm. Tiếp đến là ngành Công nghệ thông tin chương trình chất lượng cao, các ngành Máy tính và Công nghệ thông tin cùng 27,2 điểm.
Còn tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, dù điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay chỉ chiếm 20% trong phương thức tính điểm kết hợp nhưng ngành Khoa học máy tính vẫn có điểm chuẩn cao nhất là 75,99. Tiếp đó là ngành Kỹ thuật máy tính với 66,86.
Riêng tại Trường ĐH Mở TP.HCM, ngành Công nghệ Thông tin, Máy tính cũng có điểm chuẩn cao nhất với điểm chuẩn 25,4.
Đối với Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), có điểm chuẩn thấp nhất là ngành Hệ thống thông tin chương trình tiên tiến với mức 26,2 điểm. Hai ngành điểm chuẩn từ 28 trở lên gồm Trí tuệ nhân tạo và Kỹ thuật phần mềm.
Vì sao kinh tế, công nghệ thông tin sức hút lớn?
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhìn nhận "Lý do thứ nhất là những ngành này các thí sinh có cơ hội để khẳng định mình và có cơ hội để làm việc ở những công ty đa quốc gia.
Thứ hai, hiện tại các công ty đa quốc gia đã dần dần phát triển ở Việt Nam và đã xây dựng được hình ảnh của mình trong mắt người được tuyển dụng. Mặt khác, những thí sinh biết Tiếng Anh đã dần dần thay thế những bạn không biết Tiếng Anh, vì vậy việc theo học kinh tế và công nghệ thông tin giúp các em có cơ hội việc làm cao hơn nhiều ngành nghề khác".
Một lý do nữa, theo ông Sơn, ngày càng nhiều người chịu áp lực về vấn đề thu nhập. Do đó, nhiều thí sinh họ sẵn sàng chọn lựa những ngành có thu nhập tốt để theo học.
PGS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho hay năm nay nhà trường sử dụng phương thức kết hợp, mà điểm tốt nghiệp THPT chỉ là một trong số các yếu tố, vì vậy khó so sánh với những năm trước.
"Tuy vậy, mặt bằng điểm chuẩn năm nay nhìn chung khá đều giữa các ngành. Trong đó nổi bật lên là điểm chuẩn chương trình chất lượng cao rất tốt. Đại đa số các ngành chất lượng cao ở trường có điểm chuẩn bằng hoặc cao hơn chương trình đại trà. Mà đây là chương trình dạy học bằng Tiếng Anh, nên điều này chứng tỏ thí sinh hiện nay có sự chuẩn bị rất tốt về ngoại ngữ" - ông Thắng chia sẻ và cho biết khi xem hồ sơ đăng ký xét tuyển, ông thấy hàng trăm thí sinh có điểm IELTS từ 5.0 trở lên.
Dù khó so sánh nhưng khi bóc tách ra, có 66% thí sinh có điểm xét tuyển 3 môn từ 25 trở lên trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Ông Thắng nhận xét điều này cho thấy các em có trọng tâm trong việc lựa chọn ngành nghề sau khi đã biết điểm thi tốt nghiệp THPT.
Về mặt bằng chung điểm chuẩn đại học năm nay, theo ông Thắng, số lượng thí sinh điểm cao khá nhiều và điểm ở khoảng 23-24 cũng rất nhiều. Do vậy, nhóm ngành ở giữa đã nhích xuống một chút, còn những ngành có điểm cao thì lại nhích lên.
"Tôi hơi bất ngờ thi một số ngành điểm chuẩn lên tới hơn 28 điểm. Trong đó, nhóm ngành Công nghệ thông tin năm nay có sức hút cực kỳ cao" - ông Thắng nhận định.
“Điều này có thể do thời gian vừa qua có sự tác động của chuyển đổi số, công nghệ số trong đời sống xã hội. Chính điều này đã ảnh hưởng đến việc lựa chọn ngành học của thí sinh năm nay.
Tuy nhiên, với vai trò một người làm tuyển sinh, tôi khá lo lắng về thị trường lao động ngành này sau 4 năm nữa. Có lẽ, chúng ta phải hình dung rằng một số thí sinh học ngành công nghệ thông tin nhưng theo hướng ứng dụng để sau này đáp ứng được nhu cầu nhân lực của các ngành nghề khác, chứ không chỉ chuyên về công nghệ thông tin”.
Bình luận