• Zalo

Đến Thanh Tiên xem nghề làm hoa giấy Tết

Thời sựChủ Nhật, 07/02/2016 06:39:00 +07:00Google News

Những ngày cận tết làng hoa giấy Thanh Tiên (Thừa Thiên – Huế) lại nhộn nhịp hẳn lên, ai cũng mau mải làm nghề để kịp cung ứng ra thị trường.

(VTC News) - Những ngày cận tết làng hoa giấy Thanh Tiên (Thừa Thiên – Huế) lại nhộn nhịp hẳn lên, ai cũng tất bật làm nghề để kịp bán cho người dân về cúng Tết.

Từ thế kỷ 16-17, hoa giấy Thanh Tiên đã xuất hiện tại Tổng Mậu Tài, Phủ Triệu Phong, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế).

Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi chép: “Vị tổ nghề chính là một người từ vùng đất Sơn Tây ở miền Bắc vào phò chúa Nguyễn rồi truyền nghề cho người dân nơi đây”.

Có những thời điểm nghề làm hoa giấy ở Thanh Tiên tưởng chừng như mai một nhưng sau những nỗ lực giữ nghề của dân địa phương và việc tổ chức các lễ hội nhằm tôn vinh các nghề truyền thống ở Huế đã mang đến ngọn gió hồi sinh cho làng nghề hoa giấy Thanh Tiên.

Để cho ra những bông hoa giấy đẹp cần trải qua nhiều công đoạn dưới bàn tay của người thợ lành nghề.
Để cho ra những bông hoa giấy đẹp cần trải qua nhiều công đoạn dưới bàn tay của người thợ lành nghề. 

Kỳ công hoa giấy

Để làm ra một cành hoa giấy đẹp đòi hỏi người làm phải có nhiều kinh nghiệm và sự tỉ mỉ bởi có rất nhiều công đoạn khác nhau từ vót tre, nhuộm giấy, cắt cánh, nhụy hoa, tạo nếp nhăn trên hoa… đều cần qua tay của người thợ lành nghề mới có thể cho ra một bông hoa giấy đẹp.

Từ tháng 10 dân làng Thanh Tiên đã bắt đầu phơi tre; tháng 11, 12 họ bắt đầu đục giấy màu lấy hoa, cắt giấy thiếc bạc làm nhụy đến tạo hình dáng, lấy tre làm cuống, cành rồi ghép thành cây.
Ngay từ tháng 10 âm lịch dân làng Thanh Tiên đã bắt đầu phơi và vót tre làm hoa giấy.
Ngay từ tháng 10 âm lịch dân làng Thanh Tiên đã bắt đầu phơi và vót tre làm hoa giấy.
Những bông hoa được ghép cân đối và có khoảng 5 màu: vàng, đỏ, lục, hồng, xanh ở các cây.

Làm hoa cầu kỳ, nhiều công đoạn, tốn thời gian là vậy nhưng giá bán lại khá thấp, chỉ khoảng 7.000 đồng/cặp.

Ông Nguyễn Hóa (56 tuổi, trưởng thôn Thanh Tiên và có hơn 40 năm làm nghề hoa giấy) bày tỏ: “Nói thì đơn giản nhưng làm cho đẹp thì hơi khó. Một người thợ giỏi thì mỗi ngày làm được từ 20 - 30 bông”.

Ông Hóa cho biết, riêng những ngày này ông và gia đình cần làm trên 2.000 cặp hoa thờ cúng để cung cấp ra thị trường dịp tết. Tính bình quân dịp tết này làng hoa giấy Thanh Tiên sản xuất hàng chục nghìn cặp hoa.

“Mỗi ngày tôi làm khoảng 20 cặp hoa giấy, sau khi trừ các chi phí thì lời khoảng trên dưới 12 triệu đồng/vụ”, ông Hóa thông tin.
Người thợ Thanh Tiên cần mẫn ngồi đục hoa.
Người thợ Thanh Tiên cần mẫn ngồi đục hoa.
Những lúc cao điểm không có người làm, các gia đình làm hoa ở Thanh Tiên phải nhờ hàng xóm sang làm giúp cho kịp hoa để bán Tết. Nhiều người biết làm hoa trong làng đến các hộ chuyên sản xuất hoa giấy để kiếm thêm thu nhập.

Hồi sinh sau festival

Ông Nguyễn Hóa cho hay, khoảng những năm 1975 làng có 50 hộ thì hơn 50% làm nghề hoa giấy. Năm 1995 có đến hơn 40 hộ làm hoa giấy nhưng ngày nay do thu nhập thấp nên cả lảng chỉ còn khoảng 20 hộ làm nghề.

Những năm 2000, nghề hoa giấy có nguy cơ biến mất do sự “xâm nhập” mạnh mẽ của hoa nhựa, hoa giả, lúc đó khách hàng thấy hoa đó mới, lạ nên đổ xô mua dùng, hoa giấy trở nên ế ẩm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (vợ ông Hóa) tiến hành ghép hoa.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (vợ ông Hóa) tiến hành ghép hoa.

Tuy nhiên từ năm 2000 tỉnh Thừa Thiên Huế có tổ chức Festival Huế và Festival nghề truyền thống Huế nhằm quảng bá, tôn vinh các sản phầm nghề truyền thống trong đó có sản phẩm hoa giấy ở Thanh Tiên nên hoa giấy bắt đầu được mọi người chú ý.

Cùng với đó, việc báo đài đưa tin khiến du khách đến với Huế tò mò và tìm về để tìm hiểu về nghề làm hoa giấy ở Thanh Tiên. Nghề làm hoa giấy từng bước được vực dậy.

“Hàng năm, hoa giấy được đem đi trưng bày ở các lễ hội như Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế, Lễ hội sóng nước Tam Giang…nên sản phẩm được nhiều người biết đến hơn”, ông Hóa giãi bày.

Đặc biệt từ năm 2008, làng có thêm sản phẩm hoa sen giấy nên thu hút được khách hàng. Ngoài để thờ cúng thì những nghệ nhân còn ghép hoa sen giấy thành bình hoa đất, có lắp thêm đèn điện để trang trí phòng khách hay làm điểm nhấn cho nội thất căn phòng.

Nghề làm hoa sen được họa sỹ trong làng là ông Thân Văn Huy sáng tạo từ chính nguyên liệu làm hoa giấy truyền thống.

Việc thế hệ trẻ như Thân Thanh Lâm bắt đầu ý thực được về việc giữ nghề truyền thống sẽ góp phần giúp hoa giấy Thanh Tiên không mai một.
Việc thế hệ trẻ như Thân Thanh Lâm bắt đầu ý thực được về việc giữ nghề truyền thống sẽ góp phần giúp hoa giấy Thanh Tiên không mai một.
Từ những tờ giấy trắng qua đôi bàn tay khéo léo, tài năng và niềm đam mê nghệ thuật ông đã sáng tạo ra những bông hoa sen giấy đẹp, vừa mang tính thẩm mỹ lại giống y như hoa sen thật.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác khiến nghề làm hoa giấy ở Thanh Tiên không bị mai một là do người Huế rất coi trọng vấn đề tâm linh, thờ cúng. Theo quan niệm của người Huế, hoa giấy là loại hoa tinh khiết, không có sự ảnh hưởng uế tạp do việc dùng phân bón như hoa tươi, hay thép, nhựa...

Các thế hệ trẻ kế cận ở Thanh Tiên cũng bắt đầu có ý thức giữ và tiếp nối nghề làm hoa giấy truyền thống của tổ tiên.

Thân Đình Lâm  (23 tuổi) đã bắt đầu học nghề hoa giấy được khoảng 3 năm nay. Theo Lâm, em học nghề từ những người cao tuổi trong làng, sau đó những lúc rảnh rỗi em thường làm thêm sen giấy để kiếm thêm thu nhập và cũng là để giữ nghề của ông cha.


Nguyễn Vương – Tuấn Hiệp
Bình luận
vtcnews.vn