Phương án này đang được trình thành phố. Nếu sớm được thông qua thì ngay trong đầu tháng 10, người dân thủ đô và du khách sẽ có thêm không gian đi bộ trong khu phố cổ, gắn kết với không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, phạm vi mở rộng không gian đi bộ trong khu vực phố cổ Hà Nội gồm 7 phố và 2 ngõ, cụ thể: phố Hàng Chiếu, Ngõ Gạch, Nguyễn Siêu, Đào Duy Từ (đoạn từ Hàng Buồm đến Hàng Chiếu), ngõ Cầu Gỗ, phố Hàng Bạc, Đinh Liệt, Gia Ngư, ngõ Trung Yên. Đây là các tuyến phố trong diện cần được bảo tồn và hội đủ yếu tố tương đồng với các tuyến phố đi bộ hiện đang triển khai.
Khu vực này còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu như: Ô Quan Chưởng - cửa ô duy nhất còn được bảo tồn nguyên vẹn của đất Thăng Long xưa, đình Thanh Hà thờ tướng quân Trần Lựu (một vị tướng thời Trần).
Hơn nữa, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch ở đây tương đối sôi động, có 218 hộ kinh doanh các ngành hàng dịch vụ thương mại, quà tặng lưu niệm, ăn uống, khách sạn, quán bar.
Khi được xây dựng thành khu vực đi bộ, 9 tuyến phố này kết hợp với các phố đi bộ đã được tổ chức trước đó gồm: Hàng Buồm, Mã Mây, Đào Duy Từ, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân tạo sự đồng bộ, phát huy được lợi thế về giá trị văn hóa, ẩm thực, dịch vụ thương mại phục vụ khách tham quan.
Việc mở rộng tuyến phố đi bộ tại khu vực này sẽ tạo sự gắn kết với tuyến phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, tạo thành một quần thể không gian đi bộ rộng lớn, góp phần quảng bá lịch sử văn hóa kiến trúc, đồng thời phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của khu phố cổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Ngoài ý nghĩa bảo tồn và phát huy giá trị của không gian văn hóa kiến trúc đặc sắc khu phố cổ, 9 tuyến phố được xây dựng thành không gian đi bộ mở rộng sẽ từng bước giảm các phương tiện cá nhân, tạo thói quen đi bộ cho người dân và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Tổ chức tốt các phương án triển khai
Theo phương án xây dựng của UBND quận Hoàn Kiếm, thời gian hoạt động của 9 tuyến phố đi bộ khu vực mở rộng tương đồng với thời gian hoạt động của các tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội trước đó.
Cụ thể, quận sẽ tổ chức tuyến phố đi bộ trong 3 tối cuối tuần (thứ sáu, thứ bảy, Chủ nhật), bắt đầu từ 19h đến 24h (đối với mùa hè) và từ 18h đến 24h (đối với mùa đông). Các cơ sở hoạt động kinh doanh trong nhà được hoạt động đến 2h sáng ngày hôm sau.
Để tổ chức hoạt động tuyến phố đi bộ mở rộng, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm tạo đồng thuận trong triển khai đồng thời vận động các hộ kinh doanh trang trí ánh sáng, chỉnh trang cửa hàng đảm bảo mỹ quan khu vực tuyến phố đi bộ.
Các phương án về đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, tổ chức phân luồng giao thông, vệ sinh môi trường, quản lý các hộ kinh doanh... cũng được xây dựng cụ thể, dựa trên kinh nghiệm đã tổ chức các tuyến phố đi bộ trước đó.
Ngoài các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ đang triển khai trên các tuyến phố đi bộ tại các điểm: Đình Hương Tượng, đền Bạch Mã, đền Quan Đế, nhà cổ 87 Mã Mây, trước cửa Trung tâm giao lưu văn hóa phố Cổ - 50 Đào Duy Từ, 61 Lương Ngọc Quyến, ngã năm Đông Thái.
Để tăng tính hấp dẫn, khu vực tuyến phố đi bộ mở rộng sẽ tổ chức thêm các hoạt động văn hóa, văn nghệ tạo điểm nhấn tại các địa điểm: Ô Quan Chưởng, đình Kim Ngân, rạp Chuông Vàng.
Do mở rộng phạm vi hoạt động của tuyến phố đi bộ, 12 điểm giao thông tĩnh trong khu vực phố cổ phục vụ nhu cầu gửi xe của du khách vào 3 tối cuối tuần trước đó, với diện tích 937 m2 sẽ bị xóa bỏ.
UBND quận Hoàn Kiếm dự kiến sẽ cấp bổ xung 5 điểm giao thông tĩnh, với diện tích 530 m2 đáp ứng nhu cầu về giao thông tĩnh của nhân dân trong khu vực tuyến phố đi bộ và khách tham quan. Đồng thời, quận cũng tổ chức tuyến xe buýt điện phục vụ đi lại của du khách với điểm tập kết đón, trả khách bố trí tại vườn hoa Cổ Tân.
Video bất chấp lệnh cấm, xe máy, xe đạp vẫn đi trên phố đi bộ
Bình luận