• Zalo

Đề xuất đổi tên ĐH Y Dược TP.HCM, Bộ trưởng Y tế: 'Tôi phát biểu chính xác, đúng chủ trương ngành'

Giáo dục Thứ Sáu, 20/09/2019 12:32:00 +07:00Google News

"Tôi phát biểu như vậy là chính xác, nhưng vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ hay hiểu sai về bản chất của đại học và trường đại học", Bộ trưởng Y tế khẳng định.

Sáng 20/9, tại Hà Nội, bên lề Hội nghị trực tuyến "Đẩy mạnh triển khai thanh toán điện từ không dùng tiền mặt trong ngành y tế", thông tin về việc đề nghị đổi tên Trường Đại học Y Dược TP.HCM thành Đại học Khoa học Sức khỏe, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, phát biểu trên của bà là chính xác, đúng theo chủ trương ngành.

“Tôi phát biểu như vậy là chính xác, nhưng vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ hay hiểu sai về bản chất của đại học và trường đại học. Thêm nữa, một số cũng chưa hiểu rằng chủ trương ngành là phải thực hiện theo kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT.

Nghĩa là đã thực hiện mô hình thì không được để tên là “Đại học Y Dược TP.HCM nữa mà phải là “Trường Đại học Y Dược TP.HCM. Khi đã gọi là đại học thì không còn cái tên “Đại học Y Dược” nữa mà phải là đại học khối sức khỏe”, bà Tiến nói.

Bà Tiến cho biết thêm, nếu xét về bản chất, Đại học Y Dược chỉ có 2 chuyên ngành mà không có các ngành khác như y học cổ truyền, điều dưỡng, nha khoa hay phục hồi chức năng… Bởi vậy, nếu giữ tên cũ sẽ không bao quát được hết.

Cũng theo Bộ trưởng Y tế, hiện chưa thể định rõ thời gian đổi tên vì còn phụ thuộc vào quá trình phê duyệt đề án, cơ sở hạ tầng hay nhân lực… Tuy nhiên, bà Tiến cũng nhấn mạnh, sau khi đổi tên, Trường Đại học Y Dược TP.HCM sẽ đứng đầu trong cả nước về ngành y.

botruongtien2 3

 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các khách mời tham quan khu trưng bày hướng dẫn thanh toán y tế điện tử ngày 20/9.

Chiều 16/9, phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới tại Đại học Y Dược TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị trường sớm chuẩn bị đề án đổi tên thành Đại học Khoa học Sức khỏe TP.HCM.

Theo bà Tiến, trong số 14 trường trực thuộc Bộ Y tế, Đại học Y Dược TP.HCM lớn nhất, khả năng phát triển thành Đại học Sức khỏe sớm nhất. Ngoài ra, Trường Đại học Y Dược TP.HCM cũng đã có đề án cách đây 10 năm nhưng chưa được phê duyệt. Nguyên nhân do chờ Đại học Y Hà Nội và một số vướng một số quy định trong Luật Giáo dục.

"Nếu không đổi sớm, chúng ta sẽ tụt hậu hơn so với Lào và Campuchia…”, Bộ trưởng Y tế nói. Thông tin trên nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người cùng với các luồng ý kiến trái chiều.

Chiều 17/9, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Đào tạo và Công nghệ (Bộ Y tế) lên tiếng lý giải về việc đổi tên Trường Đại học Y Dược TP.HCM. Theo ông Lợi, 2019 – 2020 là năm đầu tiên thực hiện nhiều quy định Luật sửa đổi bổ sung của Luật Giáo dục Đại học; cũng là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Với ngành Y tế, Bộ đã và đang triển khai rất nhiều chương trình đề án quan trọng như: đào tạo nhân lực, tổ chức thi điểm thi quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề, phát triển một số nơi thành cơ sở đào tạo thành Đại học Khoa học Sức khỏe…

Ông Lợi thông tin, khi các chương trình, đề án, văn bản trên được ban hành, công tác đào tạo nhân lực y tế sẽ có những thay đổi mạnh mẽ cả về hệ thống đào tạo, mô hình cơ cấu đào tạo và chính sách sử dụng nhân lực, với mục tiêu là nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Việc đổi tên Đại học Y Dược TP.HCM chỉ là một trong những nhiệm vụ triển khai đề án sắp xếp, phát triển một số cơ sở đào tạo thành Đại học Khoa học sức khỏe. Quá trình đổi tên sẽ bao gồm rất nhiều lĩnh vực như khoa học y sinh, y học, y học cổ truyền, dược học, răng hàm mặt, điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng...”, ông Lợi nói.

Khả Minh
Bình luận
vtcnews.vn