Mới đây, tại hội thảo phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục do Đoàn giám sát của Quốc hội về phòng chống xâm hại trẻ em tổ chức, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Học viện Cảnh sát nhân dân có đề xuất về chứng chỉ tiền hôn nhân trước khi các cặp vợ chồng muốn đăng ký kết hôn.
Thông tin này thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt là giới trẻ. Hàng loạt những câu hỏi nên hay không nên, khả thi hay bất khả thi được đưa ra.
Học trước để tránh rủi ro
Hôn nhân là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời đòi hỏi cả hai phía phải có sự san sẻ, vun đắp và nỗ lực. Nếu không hiểu sau khi kết hôn sẽ phải đối mặt với những trách nhiệm, khó khăn ra sao sẽ rất khó để cả hai thông cảm và chia sẻ bớt gánh nặng sau khi về chung một nhà.
Kết hôn được 2 năm nhưng chị Trịnh Hoài Phương (28 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) vẫn chật vật với cuộc sống hôn nhân. Là con một, chị Phương được bố mẹ yêu chiều như công chúa. Ấy vậy mà khi lấy chồng, chị trở thành dâu cả trong gia đình có 5 anh em. Từ một tiểu thư lá ngọc cành vàng, bỗng việc gì cũng đến tay chị.
“Những công việc này mẹ mình hoàn toàn không dạy ở nhà, bản thân mình lúc sắp kết hôn cũng chỉ biết trước mắt sẽ có những khó khăn. Đến khi về nhà chồng rồi, có những phong tục, lễ nghi mình không biết đều phải tự mày mò hay hỏi mẹ chồng”, chị Phương chia sẻ.
Chị cho rằng, bản thân may mắn gặp được mẹ chồng dễ tính, hỏi gì đáp nấy chứ không giống nhiều bạn bè, đi lấy chồng lại có thêm các cuộc chiến không cân sức với mẹ chồng.
Nàng dâu 28 tuổi khẳng định, việc được học những lễ nghi, phép tắc trước khi khi kết hôn giúp các cặp vợ chồng rất nhiều. Nhiều người sẽ hiểu rõ hơn về đối phương và cách dung hòa trong mối quan hệ gắn liền với trách nhiệm và nghĩa vụ.
Cùng quan điểm với Hoài Phương, chị Nguyễn Khánh Linh (33 tuổi, Hà Nội) cho rằng, một khóa học tiền hôn nhân sẽ như một cuốn cẩm nang giúp các cặp đôi tự tin hơn trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân.
Chị Linh cho rằng, biết trước những khó khăn mình sẽ phải đối mặt khi kết hôn là một biện pháp văn minh tránh những rủi ro như ly thân, ly hôn trong tương lai. Hai người nếu thực sự yêu và sẵn sàng đến với nhau thì chắc chắn quá trình học “tiền hôn nhân” sẽ rất vui vẻ và cởi mở.
"Ngược lại, với những người chưa sẵn sàng thì càng học sẽ càng cảm thấy gánh nặng hơn. Nhiều người nghĩ rằng, đến tuổi nên lấy chồng, sinh con, nhưng theo tôi hôn nhân chỉ nên xảy ra khi cả hai đều sẵn sàng. Và việc học lớp tiền hôn nhân sẽ trả lời cho câu hỏi: Bạn đã sẵn sàng kết hôn hay chưa?"
Chứng chỉ mang tính tượng trưng
Nhiều ý kiến lại cho rằng khóa học tiền hôn nhân là việc sẽ không thể xảy ra ở Việt Nam, khi các chứng chỉ đều chỉ mang tính tượng trưng, thậm chí có thể mua được, giá trị thực tiễn của những lớp học này vô cùng mơ hồ.
Anh Nguyễn Quang Huy (31 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) ở nhiều nước họ không cần sử dụng đến cách thức này nhưng số lượng các cặp đôi ly hôn lại rất ít. Chứng tỏ rằng, việc có thể chung sống hòa thuận với nhau hay không, không phụ thuộc vào một lớp học tiền hôn nhân. Thực chất, nếu như hai người có ý thức cầu thị, khi về chung một nhà hoàn toàn có thể trao đổi với đối phương, tìm ra cách sống phù hợp để có thể chung hòa với nhau.
“Mình và vợ lấy nhau ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Bọn mình không phải trải qua bất kỳ một lớp dạy học làm vợ/chồng nào. Tuổi đời còn trẻ, chịu kết hôn khi cả hai chưa có gì ổn định”, anh Huy chia sẻ.
Anh kể, tại thời điểm đó, nhiều người cho rằng hai vợ chồng anh sẽ khó có cuộc hôn nhân lâu bền do xuất thân không môn đăng hộ đối, chưa có công việc ổn định, chưa có kinh nghiệm sống, chẳng có sự chuẩn bị nào.
“Thế nhưng, cũng giống các cặp đôi khác, chúng mình dần dần tìm hiểu, thay đổi để phù hợp với đối phương, cùng vun đắp cho gia đình nhỏ của mình, cùng trưởng thành lên mỗi ngày. Khi vợ mình sinh con, có thêm trách nhiệm phải gồng gánh, cả hai đều phải bớt cái tôi đi rất nhiều để không cãi nhau to. Đặc biệt, bọn mình luôn động viên nhau cố gắng”, anh Huy nói.
Về phần mình, chị Phạm Thúy Quyên cho rằng, chứng chỉ tiền hôn nhân chỉ có giá trị với những cặp đôi nào quá thiếu tự tin, kỹ năng và ít giao tiếp với xã hội. Theo chị, bên cạnh những trải nghiệm thực tế, các hiểu biết về hôn nhân, gia đình hoàn toàn có thể học hỏi thông qua câu chuyện của bạn bè hay sách báo chính thống.
“Ai cũng có thể tự trở thành một người vợ, người chồng tốt nếu có ý thức học hỏi và trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình. Một chứng chỉ tiền hôn nhân theo mình có thể có, nhưng không nên bắt buộc vì không phải cặp đôi nào cũng thiếu kiến thức trước khi bước vào cuộc sống mới cùng nhau. Chính vì vậy, cần xem xét kỹ khi đưa điều khoản này vào Luật Hôn nhân và Gia đình”, chị Quyên nêu quan điểm.
Tại Hội thảo phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục do Đoàn giám sát của Quốc hội về phòng chống xâm hại trẻ em tổ chức chiều 13/1, TS Nguyễn Xuân Thủy, Học viện Cảnh sát nhân dân đề nghị, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình để tăng cường vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc ngăn chặn tình trạng trẻ em bị xâm hại và phạm tội.
Theo đó, TS Thủy đề nghị cần “bổ sung quy định về điều kiện kết hôn trong luật Hôn nhân và gia đình theo hướng phải có chứng chỉ tiền hôn nhân thì mới được đăng ký kết hôn”. Vị TS này cũng đề xuất để có chứng chỉ này, những người muốn kết hôn phải "trải qua một lớp học về hôn nhân và gia đình, trong đó học cách làm cha, làm mẹ, học cách làm vợ, làm chồng, học cách dạy con trai, dạy con gái…".
Bình luận