• Zalo

Đề xuất bỏ danh hiệu 'Nghệ sĩ nhân dân', 'Nghệ sĩ ưu tú' đối với nhạc sĩ

Tin nhanh 24hThứ Bảy, 23/10/2021 11:46:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Ủy ban Xã hội đề nghị đại biểu Quốc hội thảo luận về việc bỏ đối tượng xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" đối với nhạc sĩ, phát thanh viên.

Sáng 23/10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Luật Thi đua, khen thưởng đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.

Sau khi nghe tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi đua, khen thưởng.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban Xã hội đề xuất một số nội dung đề nghị đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung về đối tượng khen thưởng. Đặc biệt, như việc bỏ đối tượng xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" đối với nhạc sĩ, phát thanh viên tại Điều 64 của dự thảo luật; sửa đổi, bổ sung về hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" tại Điều 55; việc thay đổi tên gọi các danh hiệu thi đua "gia đình văn hóa", "thôn, bản, làng, ấp, tổ dân phố văn hóa" thành  "gia đình tiêu biểu", "thôn, bản, làng, ấp, tổ dân phố tiêu biểu" tại Điều 27 và Điều 28.

Đề xuất bỏ danh hiệu 'Nghệ sĩ nhân dân', 'Nghệ sĩ ưu tú' đối với nhạc sĩ - 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV.

Theo Điều 64 của dự thảo luật, đối tượng được xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú" là diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, họa sĩ hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Như vậy so với quy định hiện hành, dự thảo luật trình Quốc hội khóa XV bỏ đối tượng xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" đối với "nhạc sĩ", "phát thanh viên".

Theo dự thảo luật, danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân" được xét tặng cho diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, họa sĩ hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đã được phong tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Ưu tú" và phải đạt một số tiêu chuẩn.

Cụ thể, người được xét danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân" phải trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa từ 15 năm trở lên; sau khi được phong tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Ưu tú", tiếp tục được tặng giải thưởng của các liên hoan, cuộc thi, hội diễn nghệ thuật trong nước hoặc ngoài nước.

Danh hiệu "Nghệ sĩ Ưu tú" được xét tặng cho những người trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng nghệ thuật, có tinh thần phục vụ nhân dân, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 15 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa từ 10 năm trở lên; được tặng giải thưởng của các liên hoan, cuộc thi, hội diễn nghệ thuật trong nước hoặc ngoài nước.

Danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú" được xét và công bố 3 năm một lần vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9. Chính phủ quy định chi tiết việc xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú".

Còn về việc bổ sung một hình thức khen thưởng riêng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang", đa số ý kiến thành viên Ủy ban Xã hội nhận thấy chưa đủ điều kiện để bổ sung hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" vào dự án luật trong lần sửa đổi này.

Quang Tuyền - Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn