• Zalo

Để trẻ không ngắt lời khi nói chuyện, cha mẹ cần thực hiện các phương pháp sau

Kinh nghiệm sốngThứ Bảy, 13/06/2020 06:53:47 +07:00 Google News

Thiết lập quy tắc và dạy phương pháp thu hút sự chú ý sẽ giúp trẻ biết cách không ngắt lời người khác khi nói chuyện.

Ở tuổi thứ 5 trở đi, trẻ bắt đầu nói nhiều hơn, điều này cho thấy khả năng ngôn ngữ, từ vựng của trẻ phát triển tốt. Tuy nhiên, bên cạnh việc khuyến khích trẻ nói, người lớn cần đặt ra những quy tắc nhất định, dạy phép tắc trong giao tiếp, đặc biệt là không ngắt lời người khác.

Trang Young Parents gợi ý một số phương pháp có thể áp dụng để dạy trẻ.

Giải thích tại sao ngắt lời là mất lịch sự

Phụ huynh cần giải thích với trẻ, trò chuyện là hoạt động hai chiều, người nói và người nghe thay phiên nhau. "Giống như khi muốn người khác lắng nghe mình, con cũng cần phải đợi họ nói hết câu", bố mẹ nên nói vậy.

Làm gương

Khi trẻ nói, bố mẹ cần thể hiện mình đang lắng nghe chăm chú, đôi lúc gật đầu và biểu hiện nét mặt phù hợp. Tiếp đó, bố mẹ hãy khuyến khích trẻ làm tương tự khi lắng nghe người khác nói.

Muốn ngắt lời trẻ, bố mẹ cần khéo léo và lịch sự trong hầu hết tình huống, chẳng hạn bảo "mẹ xin lỗi nhưng mẹ có thể nói 1-2 câu được không" hoặc "câu chuyện con kể rất hay nhưng mẹ nghĩ đã đến lúc chúng ta cần đi ngủ".

Để trẻ không ngắt lời khi nói chuyện, cha mẹ cần thực hiện các phương pháp sau - 1

Dạy trẻ không ngắt lời bố mẹ. (Ảnh: Shutterstock)

Thiết lập quy tắc

Mỗi khi trẻ ngắt lời, bố mẹ có thể giơ tay hoặc lắc đầu để trẻ biết hành động đó là không phù hợp. Phụ huynh cần cho trẻ biết "không nên nói leo" thay vì "không bao giờ được phép nói leo" vì trong một số trường hợp cấp bách sẽ phải ngắt lời người khác.

Bên cạnh đó, bố mẹ không nên tiếp chuyện hoặc trả lời câu hỏi khi trẻ ngắt lời người khác. Nếu làm vậy, trẻ sẽ không ý thức được việc làm của mình là mất lịch sự.

Khi nào trẻ ngắt lời, phụ huynh hãy nhắc nhở: "Con đang làm gián đoạn cuộc nói chuyện, điều này không hay đâu". Ngoài ra, trong một số hoàn cảnh như bố mẹ nói chuyện với người quen, bạn bè, trẻ cũng cần học cách giữ im lặng, không ngắt lời. Bên cạnh đó, mỗi lần sắp bước vào không gian yên tĩnh, bố mẹ cũng nên dặn trước trẻ không được nói to.

Dạy trẻ thu hút sự chú ý bằng cách khác

Trong lúc người lớn đang nói chuyện, trẻ muốn chơi game hoặc ra ngoài, bố mẹ cần dạy một số cách thu hút sự chú ý như lay cánh tay, đầu gối của người lớn. Các quy tắc này cần được hiểu ngầm giữa bố mẹ và trẻ. Khi đó, người lớn có thể dừng cuộc nói chuyện của mình và chuyển sự chú ý sang chúng.

Nếu trẻ biết chờ đợi, không ngắt lời khi nói chuyện và tuân thủ đúng các quy tắc được thỏa thuận, bạn đừng quên dành lời khen và cảm ơn trẻ đã biết cố gắng, tôn trọng người khác.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn