• Zalo

ĐBQH: Chưa thoả đáng khi đề xuất người bị bệnh không phải lấy phiếu tín nhiệm

Chính trị Thứ Ba, 30/05/2023 18:35:37 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu thêm về quy định "không lấy phiếu tín nhiệm đối với người chữa bệnh hiểm nghèo đã nghỉ công tác từ 6 tháng trở lên".

Chiều 30/5, Quốc hội chia tổ thảo luận dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Góp ý dự thảo, đại biểu Lê Tất Hiếu (Đoàn Vĩnh Phúc) đánh giá, dự thảo Nghị quyết quy định "không lấy phiếu tín nhiệm đối với người chữa bệnh hiểm nghèo đã nghỉ công tác từ 6 tháng trở lên" là chưa thoả đáng.

Xét về yếu tố nhân văn, khi đã mắc bệnh hiểm nghèo thì ai cũng phải chật vật chống chọi với bệnh tật. Do đó, không nên lấy phiếu tín nhiệm với những trường hợp trên dù họ mới nghỉ 1 hay 3 tháng, chưa nói đến thời gian 6 tháng.

Vị đại biểu này cũng kiến nghị, Ban soạn thảo Nghị quyết nên bổ sung thêm trường hợp dù không mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn được bác sĩ chỉ định ở nhà điều trị 6 tháng thì không phải lấy phiếu tín nhiệm.

ĐBQH: Chưa thoả đáng khi đề xuất người bị bệnh không phải lấy phiếu tín nhiệm - 1

Đại biểu Lê Tất Hiếu (Đoàn Vĩnh Phúc)

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) cho rằng, Nghị định này cần cơ chế mở hơn, bởi sẽ có những trường hợp dù mặc bệnh hiểm nghèo nhưng vấn muốn lấy phiếu tín nhiệm. Với những lãnh đạo liêm chính, việc lấy phiếu tín nhiệm là thước đo lòng tin của nhân dân với họ.

Do đó, Nghị quyết vẫn nên quy định mở để các trường hợp này được thực hiện lấy phiến như bình thường, đây cũng là quyền cơ bản của con người, vị đại biểu tỉnh Gia Lai đề xuất.

Đại biểu Bùi Văn Nghiêm (Đoàn Vĩnh Long) cho rằng, dự thảo cần làm rõ các trường hợp đưa ra lấy phiếu tín nhiệm do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Về thời gian lấy phiếu, nếu dự thảo được thông qua thì Nghị quyết này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2023. Theo lộ trình dự kiến tháng 8 mới có thể tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. 

Tuy nhiên, Quy định 96 của Bộ Chính trị yêu cầu "việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp, thường sẽ rơi vào tháng 6). Quy định cũng nêu rõ hoạt động lấy phiếu tín nhiệm cấp uỷ phải thực hiện sau khi lấy phiếm tín nhiệm hội đồng nhân dân. Như vậy hai quy định này đang chênh nhau.

"Nếu dự thảo Nghị quyết được thông qua thì chỉ có thể áp dụng cho năm nay. Còn về lâu dài đến năm 2026 sẽ bị chênh lệch rất nhiều, không phù hợp với quy định của Bộ Chính trị", đại biểu tỉnh Vĩnh Long nói và kiến nghị Ban soạn thảo cần xem xét và sửa đổi lại thời gian cho phù hợp.

Về quy định "người lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa, hoặc 2/3 số lượng đại biểu của Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể từ chức", ông Nghiêm cho rằng, nội dung chưa được rõ và băn khoăn: "Nếu các đại biểu có phiếu tín nhiệm thấp không làm đơn từ chức thì xử lý thế nào?". Ban soạn thảo nên thay từ "có thể" thành "có đơn xin từ chức".

Trong khi đó, đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn Lào Cai) nhận định, việc bỏ phiếu tín nhiệm không nên chỉ "bó buộc" trong các cấp độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Ban soạn thảo cần bổ sung thêm hình thức "không tín nhiệm". Thực tế nhiều đại biểu đã ghi điều này ở các lần bỏ phiếu trước nhưng lại bị quy định thành phiếu không hợp lý. 

Trong dự thảo Nghị quyết mới nhất trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ bổ sung nội dung "không lấy phiếu tín nhiệm đối với người chữa bệnh hiểm nghèo đã nghỉ công tác từ 6 tháng trở lên", sau khi tổng kết thực tiễn lấy phiếu tín nhiệm và ý kiến góp ý của nhiều cơ quan.

Ủy ban Pháp luật (cơ quan thẩm tra) đồng tình với đề xuất này vì "có cơ sở thực tiễn, thể hiện tính nhân văn và phù hợp với yêu cầu của việc lấy phiếu tín nhiệm". Tuy nhiên, Ủy ban cho rằng cần nêu rõ thời gian không điều hành công tác là "từ 6 tháng liên tục trở lên" để bảo đảm chặt chẽ.

Ủy ban cũng đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải rõ hơn việc dự thảo không đưa một số chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn vào diện lấy phiếu tín nhiệm như Thẩm phán TAND tối cao, thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, phó trưởng ban của Hội đồng nhân dân, Hội thẩm TAND.

Có thành viên cơ quan thẩm tra cho rằng mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là giúp cán bộ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tự soi, tự sửa. Vì vậy, ban soạn thảo cần thiết kế quy định theo hướng "trường hợp có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì nên có cơ chế cho họ có thể chủ động xin từ chức".

Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó. Quy định như vậy bảo đảm phù hợp với tinh thần của Quy định số 96 và quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo quy định tại Điều 13 của dự thảo Nghị quyết, trường hợp được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân thường là do phát hiện có dấu hiệu sai phạm hoặc qua lấy phiếu tín nhiệm cho thấy người đó có mức độ tín nhiệm thấp. Tuy nhiên dự thảo chỉ quy định hệ quả nặng nhất là trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm.

Ủy ban Pháp luật cho rằng việc bỏ phiếu tín nhiệm nên được xác định là một công đoạn trong quá trình xem xét kỷ luật đối với cán bộ là người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có từ quá nửa tổng số đại biểu trở lên đánh giá không tín nhiệm thì cần áp dụng hình thức xử lý nghiêm khắc hơn, đó là Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị cách chức.

Dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận hội trường ngày 9/6 và biểu quyết thông qua ngày 23/6.

Dự kiến, Quốc hội khóa XV sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vào kỳ họp thứ sáu, khai mạc tháng 10/2023.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn