• Zalo

Đậu mùa khỉ có khả năng lây ra cộng đồng từ ca mắc tại TP.HCM?

Tin tứcThứ Ba, 04/10/2022 07:30:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin cụ thể về trường hợp mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam.

Sau khi Sở Y tế TP.HCM thông tin về trường hợp mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam vào sáng 3/10, chiều cùng ngày, Bộ Y tế đã có thông tin chính thức tới báo chí về ca bệnh này, cũng như khả năng lây ra cộng đồng và cách ứng phó ca bệnh xâm nhập trong tương lai.

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đây là trường hợp bệnh nhân nữ và đã có triệu chứng bệnh từ trước khi về Việt Nam.

- Ngày 3/10, Sở Y tế TP.HCM thông báo phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam, xin ông cho biết tình huống phát hiện ca bệnh và hiện nay việc quản lý, theo dõi bệnh nhân được thực hiện như thế nào?

Đây là bệnh nhân nữ, 35 tuổi, có các biểu hiện mắc đậu mùa khỉ ghi nhận từ khi ở nước ngoài. Cụ thể, bệnh nhân ghi nhận biểu hiện lâm sàng vào ngày 18/9, đến ngày 22/9, bệnh nhân về Việt Nam và ngày 23/9, bệnh nhân chủ động đến khám tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM). Sau đó, bệnh nhân được tư vấn vào khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM và tiếp đó là vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Đậu mùa khỉ có khả năng lây ra cộng đồng từ ca mắc tại TP.HCM? - 1

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).

Toàn bộ quá trình chuyên môn, kỹ thuật đã được các cơ sở điều trị khuyến cáo. Trường hợp này, khi về Việt Nam, bệnh nhân tới ngay cơ sở y tế để sớm khám, phát hiện bệnh. Các trường hợp tiếp xúc với người bệnh, như người nhà và cán bộ y tế, đã được theo dõi, giám sát ngay từ đầu. Đến nay, đã hơn 10 ngày, những trường hợp tiếp xúc trên không có biểu hiện mắc đậu mùa khỉ.

Về nguồn lây, nữ bệnh nhân ở nước ngoài hơn 60 ngày, khi về nước đã mắc bệnh. Việc chủ động và phát hiện sớm ca bệnh ngay từ khi mới vào Việt Nam, giúp xử trí nhanh các trường hợp tiếp xúc. Trong đó, các cán bộ y tế đã được khám, theo dõi, giám sát trong vòng 21 ngày và đến nay chưa có biểu hiện của bệnh.

Người bệnh được lấy mẫu xét nghiệm ngày 23/9 tại Viện Pasteur TP.HCM và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới bằng kỹ thuật RT-PCR, cho kết quả dương tính. Đây là trường hợp đầu tiên và về mặt dịch tễ, bệnh nhân nữ có lịch trình di chuyển từ nước ngoài về. Do đó, người bệnh được tiếp tục làm các xét nghiệm và vẫn có kết quả dương tính. Như vậy, với các biện pháp đồng bộ, chúng ta khẳng định đây là ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam. Từ khi có các biểu hiện nghi ngờ, người bệnh đã được coi như một trường hợp dương tính và được xử trí bằng toàn bộ các biện pháp tại TP.HCM và ở cấp độ Bộ Y tế.

Các đánh giá lây nhiễm và đánh giá xử lý, khoanh vùng người tiếp xúc và nguồn lây nhiễm trên thế giới cho thấy, trường hợp tại Việt Nam khó có khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

GS.TS Phan Trọng Lân

Các trường hợp tiếp xúc cũng được giao cho các Viện, Sở khoanh vùng, đồng thời Bộ Y tế đã gửi văn bản cho UBND TP.HCM đề nghị huy động các nguồn lực để rà soát, đánh giá. Qua đó, cũng ổn định tâm lý của những người tiếp xúc và người dân.

Đến nay, các đánh giá lây nhiễm và đánh giá xử lý, khoanh vùng người tiếp xúc và nguồn lây nhiễm trên thế giới cho thấy, trường hợp tại Việt Nam khó có khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

- Ông đánh giá nguy cơ đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam sau ca bệnh này như thế nào?

GS.TS Phan Trọng Lân: Đậu mùa khỉ đã ghi nhận tại hơn 100 nước ngoài vùng lưu hành. Chúng ta thấy rằng, với địa bàn rộng, việc giao lưu đi lại không hạn chế, thì nguy cơ bệnh xâm nhập vào Việt Nam là hiện hữu.

Thứ hai, dù có xâm nhập hay không, thì chúng ta đã có chuẩn bị sẵn sàng từ rất sớm. Các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là nơi thăm khám bệnh lây qua đường tình dục đều đã được cảnh báo và cảnh giác. Mỗi người dân khi có các biểu hiện nghi ngờ thì phải đến ngay cả cơ sở y tế để thăm khám, đồng thời khai báo đầy đủ để bản thân được tư vấn và điều trị một cách đầy đủ. Điều thứ hai lớn hơn là tránh lây nhiễm cho những người khác.

Với các biện pháp làm chậm quá trình lây nhiễm, tôi hy vọng rằng chúng ta ngăn được sự xâm nhập, và  nếu có thì cũng sẽ đảm bảo được sức khỏe của người dân.

- Với trường hợp bệnh nhân 35 tuổi này, có những biểu hiện đặc trưng nào để nghi ngờ đây là bệnh đậu mùa khỉ?

Trường hợp bệnh nhân nữ này có biểu hiện của sốt, đặc biệt, có mụn nước, mụn mủ. Đây là biểu hiện hết sức đặc trưng, cho thấy người bệnh đang ở thời kỳ lây nhiễm. Như vậy, chúng ta có thể phân biệt với các trường hợp phát ban khác.

Trường hợp không tìm ra nguyên nhân thì tiếp tục làm thêm các xét nghiệm để xem xét đánh giá.

Đậu mùa khỉ có khả năng lây ra cộng đồng từ ca mắc tại TP.HCM? - 2

Virus đậu mùa khỉ dưới kính hiển vi điện tử. (Ảnh: Science Photo Library)

- Theo WHO, kit xét nghiệm đậu mùa khỉ trên thế giới rất hiếm. Vậy làm thế nào để chúng ta phát hiện sớm nhất ca mắc bệnh?

Ca bệnh này tương tự như trường hợp phát hiện ca COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam năm 2020. Chúng ta có các kỹ thuật và những sinh phẩm sơ khai để làm được xét nghiệm và những trường hợp ban đầu có thể kết luận được. Ít nhất, chúng ta phân biệt và nghi ngờ các ca mắc để triển khai các biện pháp phòng, chống.

Bên cạnh đó, chúng ta phối hợp với các tổ chức quốc tế để có được các nguồn sinh phẩm thương mại, nguồn sinh phẩm nghiên cứu và giải trình tự gene để đáp ứng được nhu cầu khi có ca cần xét nghiệm. Điều quan trọng nhất giai đoạn hiện nay là phát hiện được ca bệnh để khoanh vùng xử lý, không để lây lan.

- Với trường hợp như thế này điều trị sẽ được thực hiện thế nào?

Bộ Y tế đã ban hành phác đồ chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm trong các cơ sở y tế.  Chúng ta có sự chủ động nhờ chỉ đạo từ Chính phủ và của Bộ Y tế ngay từ khi xuất hiện những sự bất thường đầu tiên bên ngoài vùng lưu hành bệnh đậu mùa khỉ. Sau thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế đã có văn bản và hướng dẫn gửi tất cả các đơn vị tại 63 tỉnh, thành phố. Sau đó, Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn chuyên môn, kể cả dự phòng giám sát bệnh đậu mùa khỉ, cũng như điều trị và phòng lây nhiễm trong các cơ sở y tế.

Thủ tướng cũng đã ban hành công điện rất sớm. Ngay khi WHO tình trạng khẩn cấp vì sức khỏe cộng đồng quốc tế hay có ca bệnh xuất hiện ở Thái Lan, lãnh đạo Bộ cũng đã chủ trì họp và hàng tuần phối hợp với WHO, có các khuyến nghị, tập huấn thường xuyên, kể cả trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố. Điều này giúp chúng ta phát hiện sớm và chủ động đối phó với trường hợp ca bệnh xâm nhập này.

Xin cảm ơn ông!

Thiên Bình(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn