Bà bảo, trước khi bà nhắm mắt, bà sẽ cho các con mình ăn một bữa thật no rồi đầu độc cả thảy để chúng cùng chết.
"Trại tâm thần" cạnh ngôi chùa cổ
Ở xã Phụ Khánh (Hạ Hòa, Phú Thọ) bà Nguyễn Thị Lực, năm nay tuổi đã ngấp nghé 80 là người nổi tiếng. "Nhà bà ấy thì khác nào cái trại tâm thần!", người làng người xã thường thốt như vậy mỗi khi có ai đó nghé lại hỏi thăm.
Nhà bà Lực nép dưới tán cây xanh mướt, cạnh ngôi chùa mới được tôn tạo. Đường vào nhà vắng hoe. Vẻ u tịch khiến người từ xa đến cảm thấy rờn rợn.
"Các chú vào nhà bà Lực à? Từ từ để tôi dẫn vào! Các chú lạ vào đường đột thế bọn trẻ nó sợ nó lại chạy mất thì khổ!", thấy chúng tôi lớ ngớ lần bước, một bà đang lúi húi hái rau ở ngay đầu ngõ hớt hải gọi theo.
Đúng như lời bà hàng xóm ấy nói, vừa nhác thấy bóng người lạ, "mấy đứa trẻ" to lớn kềnh càng nhà bà Lực đã túa ra ngó nghiêng rồi lăm lăm tư thế như thể chuẩn bị… đánh trận. "Khách đến thăm đấy, không phải sợ đâu!", bà hàng xóm lớn tiếng nạt.
Nghe được câu ấy, "mấy đứa trẻ" ấy vội tản ra mỗi người một góc và cứ thế mủm mỉm cười. Riêng có một anh, suốt nãy cứ ôm khư khư gốc xoan ở ngay trước sân. Nhìn kỹ mới biết anh này bị cột chân ở gốc cây bằng sợi dây to như ngón cái.
"Bà Lực ơi, nhà có khách này!", đứng ở cửa ngó vào trong nhà tối như hũ nút gọi mấy câu mới thấy bóng người trên giường động đậy. "Mấy hôm nay trời nặng quá, đầu tôi đau như búa bổ ấy, không nhấc lên nổi nữa", người đàn bà vừa cố gượng người vừa thều thào nói.
"Trưa nay mệt quá, tôi cũng chẳng thổi nấu gì được. Mấy đứa nó chia nhau cơm nguội thôi, chẳng biết có đủ lót dạ không nữa. Thôi kệ thôi, tôi cũng đã kiệt sức rồi", nhìn mấy đứa con đang nhăn nhở cười, bà Lực mếu máo chia sẻ.
Trời cho số khổ
Bà Lực quê ở Duy Tiên (Hà Nam). Bà bảo, trời đánh cho bà số khổ. Bao nhiêu tên đẹp, mềm mại nhẹ nhàng cha mẹ không đặt, lại đặt cái tên rõ nam tính. "Tên như thế thì chả cả đời phải lao lực, khổ sở là gì! Người ta có hai, ba đứa con thì đứa nào cũng lành lặn, khôn ngoan. Còn tôi thì…", bà Lực bỏ lửng câu nói, gạt tay lau nước mắt.
Bà Lực lấy chồng năm 1959 và đẻ sòn sòn. "Ông nhà tôi làm cán bộ, vắng nhà liên miên. Ấy nhưng mà cứ khi nào ông ấy về nhà là tôi lại có chửa. Đứa đầu tiên thì không sao nhưng đến đứa thứ hai là có vấn đề rồi", bà Lực tâm sự.
Theo lời bà Lực, ngay từ khi chập chững, người con thứ hai của bà, anh Chu Văn Quyến, sinh năm 1962, đã bị bệnh não phải đi cấp cứu ở viện.
"Ngày bé nó cũng như những đứa trẻ khác thôi, nhưng càng lớn thì càng thấy dại dần, giờ thì khùng hẳn. Nó cứ cười cười thế thôi nhưng cục tính lắm, lên cơn vớ được cái gì là đập cái đấy", chỉ tay về phía người đàn ông đang cầm chổi rễ mải miết quét nơi góc vườn, bà Lực chia sẻ.
Như biết bà Lực nói tới mình, người đàn ông ấy dừng chổi, nghếch mặt rồi cười toe toét. Suốt buổi trò chuyện, thấy anh này lúc nào cũng trên tay chiếc chổi. Nhưng anh chỉ quét chỗ mình đứng, nơi có gốc chanh nở hoa trắng xóa.
Khi có cả thảy 4 mặt con, năm 1972, bà Lực theo chồng lên định cư ở đất này theo diện "đi khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới".
"Ông nhà tôi là cán bộ mà, ông ấy đưa dân lên đây từ trước rồi. Thấy đất này rộng rãi, trồng được nhiều sắn, nhiều ngô mới đưa mẹ con tôi lên. Ngày ấy nhà đông con, có ngô, sắn ăn là sướng lắm rồi", bà Lực uể oải kể.
Lên vùng quê mới, đất rộng người thưa, lại được sớm tối bên nhau nên vợ chồng bà Lực đẻ ào ào thêm 4 mặt con nữa. Tuy nhiên, đất trời giễu cợt, bi kịch khổ đau cứ liên tiếp lặp lại với gia đình bà.
Các con khi lọt lòng thì tuấn tú khôi ngô, đẹp như tranh vẽ nhưng cứ lớn có thịt có da là ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Thậm chí, người con thứ ba khi lên quê mới đã gần 10 tuổi, khôn lanh nhất nhà, học một hiểu mười nhưng đến 7 thì lại giống các anh, chị, em mình.
"Giờ nó cũng chỉ ngồi một chỗ thôi, chả làm được gì đâu, lại thêm bị bệnh thận nữa. Nó đang ở cùng với đứa con thứ 5 của tôi. À, nhà tôi có đứa đấy là có vẻ yên, không như mấy đứa này.
Nhưng số nó cũng buồn, lấy chồng có hai mặt con rồi thì chia tay, giờ chắc chả ma nào dám lấy nữa", bà Lực buông tiếng thở dài.
Trong câu chuyện với chúng tôi, câu "nó cứ dại dần, dại dần" được bà Lực nhắc đi nhắc lại. Tám lần mang nặng đẻ đau thì 6 lần đau đớn thấy con "cứ dại dần".
"Các chú là nhà báo chắc chẳng thấy ai khổ như tôi đâu nhể?", bà Lực hỏi, giọng thản nhiên như chẳng đợi câu trả lời.
Trước khi lìa đời, cha muốn đầu độc các con bằng thuốc ngủ
"Ngày trước ông nhà tôi còn sống tôi còn có chỗ dựa chứ năm 1993, ông ấy mất, tôi thấy đời mình tối tăm lắm, chẳng thấy có lối thoát nào cả. Mà ông ấy cũng bệnh mấy năm mới chết cơ, khổ lắm!", bà Lực tiếp tục câu chuyện.
Bởi bệnh tim, chồng bà Lực chết khi tuổi mới lục tuần. Bà Lực bảo, ngày ấy cứ vay mượn được chút nào là bà đưa ông đi viện. Thế nhưng, bệnh tình của ông cứ mỗi ngày một nặng thêm.
"Ông ấy hay ngất lắm, cứ động có việc gì là quay ra ngất lịm. Tối nào tôi cũng phải rang chảo cám tướng để chườm thì ông ấy mới ngủ được, không thì cứ nằm rên đến buốt cả đầu. Cám cứ bọc vào túi vải rồi chà từ đầu tới chân, bác sĩ bảo làm vậy cho mạch máu được lưu thông, ông ấy dễ ngủ hơn", bà Lực kể.
Ốm mấy năm thì chồng bà Lực mất. Trước khi chết, ông dặn bà 3 việc. Việc thứ nhất, ông nói mà nước mắt túa ra hai bên má. Ông bảo, mấy lần đi viện, bác sĩ có kê cho ông thuốc ngủ nhưng ông không uống. Ông muốn dành số thuốc ấy cho đám con điên dại của mình.
"Tôi chẳng còn sống để chăm sóc các con cùng bà nữa, tôi biết, bà đàn bà con gái cũng chẳng thể lo cho chúng nó được đâu. Thuốc tôi để trong hòm kia kìa, trước khi tôi mất thì cho chúng nó uống để chúng đi cùng tôi", nghe ông nói thế, bà thấy ruột gan như thắt lại.
Việc thứ hai, ông dặn, làm tang cho ông bà không được vay mượn thêm. Ai cho vay cũng từ lắc đầu, bán mấy cây xoan trước nhà đi để có tiền lo đám. "Ông ấy không muốn tôi nợ nần thêm nữa ấy mà", bà Lực gạt nước mắt kể.
Việc thứ thứ ba, ông dặn bà chôn ông ở trong vườn nhà. Ông bảo, chôn ông ở vườn nhà ông sẽ giúp bà trông coi nhà cửa, đặc biệt là "mấy đứa con ngơ" để bà yên tâm lần mò xuống ruộng, lên nương.
"Ông ấy dặn tôi ba điều ấy nhưng tôi chỉ làm có điều thứ hai, thứ ba thôi. Điều đầu tiên thì tôi không thể dù cũng cùng quẫn lắm, chẳng biết tương lai thế nào", bà Lực nghẹn ngào.
Chồng mất, một mình gồng gánh "bầy con điên", bà Lực quay cuồng thâu đêm suốt sáng. Mà, trời chẳng thương, bệnh tình của các con bà cứ ngày một thêm nặng. Việc ruộng vườn, kiếm gạo, kiếm khoai cho cả nhà vừa dứt thì lại bổ về nhà cơm nước, tắm rửa vệ sinh cho mấy đứa con to lớn lềnh khềnh nhưng đầu óc thì không bằng đứa trẻ.
"Lắm hôm cố làm xong đám cỏ ruộng, về nhà thấy chúng nó đói, phá nhà cửa tan hoang mà tôi thấy tan nát hết cả ruột gan", bà Lực kể nỗi trần ai khổ cực của mình.
Đời không lối thoát
Trong số mấy người con dại chăm anh con út là vất vả nhất. Không giống như các anh chị mình, chỉ ngơ ngẩn ở quanh nhà, nổi cơn thì cũng chỉ chạy nhảy trong vườn, anh Toản, con út bà Lực, sinh năm 1982 có tính hay đi.
"Cứ hở ra là nó đi, không biết đường về đâu. Nhiều bận tôi phải đi tìm cả đêm mới thấy đấy", chỉ vào anh con trai đang bị buộc chân ở gốc xoan bà Lực nói.
"Chăm nó là khổ nhất đấy, tính nó khó như ma ấy, động tí không bằng lòng là nó nổi khùng ngay. Đây này, nhiều lần tắm cho nó, nó không hài lòng nó đẩy tôi ngã chổng càng. Thằng này có bài bẹo, nó bẹo cái nào là chỉ có tím da thâm thịt ngay.
Thằng này lại hay tè dầm nữa. Hầu như hôm nào cũng phải vệ sinh giường chiếu cho nó. Mùa hè còn đỡ, mùa đông thì nhà cửa khai rình", bà Lực "kể tội" anh con út.
Mấy năm nay, bà Lực thấy sức mình cạn kiệt, đầu óc cũng nhớ nhớ quên quên. "Hình như ông trời cũng bắt tôi phải giống các con mình hay sao ấy anh ạ. Ba năm trước, tôi bị ngộ độc thuốc diệt cỏ nên giờ đầu cũng đau ê ẩm suốt thôi", bà Lực kể.
Theo lời người đàn bà khốn khổ này thì năm ấy, thuê người phun thuốc diệt cỏ ngoài ruộng nhưng mấy được 2-3 ngày không thấy cỏ chết, sốt ruột bà lội ào xuống cào. Không đeo khẩu trang nên chất độc sộc vào não thế là mê man, phải đi cấp cứu.
"Tôi cũng bệnh nốt nên giờ chẳng làm được ruộng nữa, chỉ ở nhà nuôi mấy con gà. Ai cho tiền thì mua gạo không thì… phó mặc thôi", bà Lực chia sẻ.
Sẽ theo di nguyện của chồng là… kéo các con cùng chết
Chồng bệnh tật, các con nối nhau ngây dại, bà Lực bảo, đời bà chìm trong nước mắt. Nhiều khi quẫn quá, bà cứ ngồi một mình vừa sụt sịt vừa gọi tên chồng. "Giá ông ấy còn sống, dù nằm một chỗ cũng được, nhưng tôi còn có chỗ mà dựa tinh thần, đằng này tôi có một thân một mình…", bà Lực lại bỏ lửng câu nói bởi những tiếng nấc nghẹn.
Nhiều người khuyên bà Lực gửi những đứa con dại của mình vào trại tâm thần. Đôi lúc, thấy kiệt sức, bà cũng định làm việc đó, nhưng nghĩ kỹ thì lại thôi. "Con mình đẻ ra, mình chăm từ bé, giờ gửi chúng nó đi, người dưng nước lã làm sao mà tốt được. Chúng nó thì như cục thịt, có biết gì đâu, người ta đối đãi thế nào thì cũng chịu vậy thôi.
Xem ti vi, thấy người ta đối xử tệ với con người khác, tôi sợ lắm. Thêm nữa, giờ có gửi thì xác định là mất con. Có tuổi rồi, mắt mờ chân chậm rồi, nhớ chúng nó thì tôi đi thăm nom sao được", bà Lực bùi ngùi.
Đang dở chuyện thì anh con út bị buộc chân ở gốc xoan vừa hò hét rồi dứt dây như thể dẫm phải kiến lửa. "Bị buộc lâu nó cuồng chân đấy, để tôi ra đưa nó vào đây", bà Lực vừa nói vừa liêu xiêu bước.
Tháo dây khỏi gốc cây, bà Lực cố sức lôi con vào nhà và buộc ngay giữa cửa. "Thằng này phải buộc cả đêm, sểnh cái là nó đi ngay. Giờ mà nó đi là chết, tôi chẳng còn sức mà tìm nữa".
Trò chuyện, mấy lần tôi định hỏi bà Lực về tương lai nhưng câu hỏi ấy cứ ngắc ngứ chẳng thể thốt ra. Một bà lão tuổi gần đất xa trời, một bày con điên dại ngơ ngơ ngẩn ngẩn, một ngôi nhà liêu xiêu lúc nào cũng tối như hũ nút thì tương lai cũng chỉ là chuỗi ngày mịt mù, tăm tối.
"Tôi tính rồi, tôi cũng sẽ làm như ông nhà tôi dặn thôi. Khi nào biết mình không thể sống nữa, tôi sẽ cố cho chúng một bữa no nê rồi cho chúng uống thuốc độc để chết cho đỡ khổ. Mà nói thật, tôi chết thì chắc chắn chúng cũng chết thôi. Ai nuôi, ai chăm được chúng nó chứ!", bà Lực đau xót nói.
Video: Xót xa mẹ già ở Hải Phòng phải xây chuồng nhốt 3 con trai tâm thần, tật nguyền
Bình luận