Hiện tượng nhật thực hình khuyên xảy ra khi Mặt trăng, Trái đất và Mặt trời cùng nằm trên một đường thẳng, nhưng Mặt trăng nằm xa Trái đất hơn bình thường nên không thể che kín Mặt trời, tạo ra vành sáng nhỏ có hình khuyên (chiếc nhẫn).
Nhật thực hình khuyên ngày 21/6 diễn ra đầu tiên ở phía đông bắc Cộng hòa Congo lúc 5h46 (giờ địa phương). Đây là nơi có thời gian quan sát nhật thực hình khuyên dài nhất, kéo dài 1 phút 22 giây.
Dải tối do nhật thực sẽ "quét" qua châu Á, châu Phi và đạt đỉnh điểm với một vầng sáng hoàn hảo quanh mặt trăng vào ở Uttarakhand, Ấn Độ lúc 12h10 (giờ địa phương). Hình ảnh tuyệt vời này chỉ duy trì trong 38 giây.
Theo các nhà thiên văn, nhật thực hình khuyên có thể được quan sát từ khoảng 2% diện tích bề mặt Trái đất. Nhật thực toàn phần sẽ xảy ra ở một số nơi trong chưa đầy 4 giờ. Nơi cuối cùng được nhìn thấy một phần Mặt trời bị che khuất là Đài Loan.
Tại Việt Nam, chúng ta chỉ có thể chứng kiến nhật thực một phần, nơi có độ che phủ cao nhất là Hà Nội với 77%. Tỷ lệ che phủ giảm dần về phía nam. Cụ thể, người ở Đà Nẵng chỉ được xem nhật thực với độ phủ 65%. Ở TP.HCM, tỷ lệ này chỉ còn 48%.
Theo Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam, nhật thực một phần sẽ bắt đầu tại Hà Nội vào lúc 13h16, đạt cực đại lúc 14h55 chiều 21/6. Tại Đà Nẵng, nhật thực xuất hiện lúc 13h30 và đạt cực đại lúc 15h04. Tại TP.HCM, thời gian nhật thực bắt đầu là 13h37, đạt cực đại lúc 15h05’
Thời điểm kết thúc nhật thực là 16h18 ở Hà Nội và TP.HCM. Sau đó 4 phút, hiện tượng này cũng chấm dứt tại Đà Nẵng. Như vậy, trong 3 thành phố, Hà Nội là nơi có thời gian quan sát nhật thực dài nhất. Thiệt thòi nhất là những người yêu thiên văn ở TP.HCM.
Bình luận