• Zalo

Dấu hiệu cho thấy bộ điều khiển của hệ thống phanh ABS gặp vấn đề

Tư vấnThứ Hai, 16/10/2023 16:27:00 +07:00 Google News

Bộ điều khiển ABS được ví như bộ não của hệ thống phanh ABS, nếu bộ phận này gặp lỗi sẽ khiến hệ thống phanh ABS hoạt động không hiệu quả, gây mất an toàn.

Hệ thống phanh ABS giờ đây đã trở thành tiêu chuẩn an toàn không thể thiếu đối với các dòng xe ô tô hiện đại. Cấu tạo của hệ thống phanh ABS gồm bốn bộ phận là cảm biến tốc độ, cảm biến giảm tốc, bộ chấp hành phanh và bộ điều khiển ABS. Trong đó, bộ điều khiển ABS được xem là "bộ não" trung tâm kiểm soát hệ thống phanh.

ABS là viết tắt của cụm từ “Anti-lock brake system” nghĩa là hệ thống chống bó cứng phanh, được sử dụng phổ biến trong ô tô, xe phân khối lớn.

Có thể nói, đây là một trong số những bước tiến vĩ đại của kỹ thuật công nghệ mang lại hiệu quả ứng dụng cao cho người sử dụng. Cho đến nay nguyên tắc hoạt động của ABS vẫn còn cơ bản nhưng vẫn là công nghệ phanh tiên tiến, an toàn nhất được lắp đặt.

Dấu hiệu cho thấy bộ điều khiển của hệ thống phanh ABS gặp vấn đề - 1

Cách nhận biết bộ điều khiển ABS gặp vấn đề

Đèn ABS bật sáng: Vì hệ thống phanh ABS của xe sẽ luôn tự kiểm tra sau mỗi lần khởi động nguồn điện trên xe nên khi có lỗi phát sinh sẽ được phát hiện khá nhanh.

Khi phát hiện lỗi, đèn cảnh báo ABS sẽ bật sáng trên bảng điều khiển của xe, từ đó cảnh báo người lái về vấn đề hiện tại.

Xảy ra tình trạng khóa phanh: Đôi khi, bộ điều khiển ABS có thể bị lỗi theo cách gây ra tình trạng phanh vô ý, nhiều trường hợp xảy ra một cách cực đoan khiến người điều khiển giật mình, chẳng hạn như phanh của xe bị bó cứng khi vận hành.

Điều đáng lo ngại hơn nữa là những trường hợp này thường không liên tục và xảy ra mà không có cảnh báo trong quá trình phanh thông thường.

Mất nhiều lực để phanh xe: Nếu người lái nhận thấy xe của mình đột nhiên cần phải dùng một lực đạp phanh mạnh hơn để dừng xe lại thì bộ điều khiển ABS của hệ thống phanh có thể đang gặp vấn đề.

Điều này thường xảy ra khi mạch khí nén cung cấp cho các bầu phanh đi qua bộ điều khiển ABS không thể điều chỉnh chính xác áp suất phanh thủy lực như trước đây.

Các bước xử lý khi phanh ABS gặp vấn đề

Bước 1: Mở/tắt máy để xem đèn ABS trên bảng điều khiển có sáng hay không. Điều này có thể giải quyết các vấn đề về phanh bằng cách đặt lại mã được lưu trữ trong bộ nhớ. Nếu sự cố vẫn tiếp diễn, hãy mang xe đến xưởng sửa chữa ô tô. Tại đây, máy quét sẽ được sử dụng để kết nối với bộ điều khiển ABS. Bộ điều khiển này sẽ xác định vị trí và sửa mã.

Bước 2: Làm sạch các cảm biến bánh trước nếu phanh ABS bị rung ở tốc độ thấp. Nếu không tự làm được, bạn cần đưa ô tô đến tiệm sửa xe để họ làm sạch các cảm biến một cách thích hợp.

Bước 3: Tạo áp lực lên phanh ABS nếu phanh nhưng xe không dừng. Cụ thể, hãy kiểm tra dầu phanh của xi lanh chính để xem có gần hết không và đổ đầy dầu đến mức đã đánh dấu nếu cần. Điều này cũng có thể là dấu hiệu cho thấy có không khí trong hệ thống thủy lực. Do đó, xả gió thắng (xả dầu phanh) sẽ giúp giải quyết vấn đề. Lưu ý quá trình thay dầu phanh cần phải đúng loại, đủ lượng và quan trọng nhất là phải sạch.

Nếu bạn nghe thấy tiếng ồn, tiếng rít khi nhấn phanh, hãy thay thế các bộ phận phía trước bị lỏng hoặc bị hỏng. Biện pháp cuối cùng là mang xe đến cửa hàng sửa chữa gần nhất để khắc phục vấn đề.

Công Hiếu(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn