Đào Kim Quy là chàng trai sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, ngay từ ngày nhỏ đã có niềm yêu thích với nghệ thuật. Thế nhưng, giấc mơ theo đuổi con đường học nghệ thuật ở tuổi 18 đã phải khép lại và được thay thế bằng một hành trình học tập khác.
Sau đó, Kim Quy lại có thêm cơ hội đi du học, trở thành du học sinh của nước Mỹ. Sau 5 năm học tập và làm việc tại Mỹ, Kim Quy đã quyết định trở về Việt Nam, từ bỏ "giấc mơ Mỹ" để được theo đuổi giấc mơ thật sự của cuộc đời mình - làm nghệ thuật.
Hiện nay, Kim Quy đang là diễn viên trẻ tại Sân khấu Nghệ thuật Trương Hùng Minh và đồng thời làm rất nhiều công việc liên quan đến nghệ thuật. Đó là cách mà anh chàng du học sinh đã lựa chọn khi về Việt Nam.
PV đã có cuộc trò chuyện ngắn cùng Kim Quy trong dịp đầu năm mới để thấy được rõ về hành trình theo đuổi giấc mơ nghệ thuật của một người diễn viên trẻ.
- Chào Kim Quy, trước tiên bạn có thể chia sẻ một chút về việc học tập, cũng như những công việc mà bạn đã từng trải qua khi sống tại Mỹ?
Quy từng là du học sinh Mỹ, mình học ngành Quản trị Kinh doanh của trường Lincoln University ở Oakland, Hoa Kỳ. Mình đậu visa đi Mỹ từ năm 2015 và là 13 người duy nhất trên 50 người có cơ hội đi du học Mỹ năm đó theo dạng liên kết của trường Đại học Hutech.
Có thể nói, đó là một niềm tự hào của gia đình và cá nhân Quy. Vì thời điểm đó là khoảng thời gian mà các chính sách nhập cư hay du học của Mỹ đang trong tình trạng rất phức tạp do có sự chuyển giao nhiệm kỳ của Tổng thống.
Mình đến Mỹ với giấc mơ được trải nghiệm và thay đổi cuộc sống. mình được học năm cuối ở Lincoln University và tốt nghiệp vào giữa năm 2017. Sau đó, mình chuyển sang thành phố Dobson của tiểu bang Bắc Carolina để thực tập và làm việc tại một công ty con của Tập đoàn ContiGroups Companies tới đầu năm 2020.
- Việc học và việc làm có vẻ khá thuận lợi, vậy tại sao Kim Quy lại trở về Việt Nam?
Sau hơn 2 năm trải nghiệm “giấc mơ Mỹ” (và trước đó là khoảng thời gian học đại học) mà nhiều người mơ ước thì mình trở về Việt Nam vào tháng 3/2020. Lúc đó, gia đình mình cùng lúc xảy ra nhiều biến cố: bà nội vừa mất, công việc làm ăn của ba mẹ không thuận lợi như trước, thủ tục định cư ở Mỹ gặp nhiều khó khăn... Mọi điều không suôn sẻ cứ kéo đến cùng một lúc, ngoài ra, khi đó dịch bệnh cũng đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Ba mẹ sợ dịch bệnh tràn đến mà mình lại ở nước ngoài một mình nên đã quyết định cho mình trở về nước để tránh dịch, và cũng là để phụ giúp ba mẹ công việc nhà.
Lúc đó nhiều người lấy làm tiếc, tỏ ra thương cảm và khuyên mình đừng nên về, nhưng đối với bản thân mình thì lúc đó "cánh cửa" mới thật sự mở ra. Vì chỉ có về Việt Nam, Quy mới có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng.
- Khi về Việt Nam thì cánh cửa theo đuổi nghệ thuật của bạn mới thật sự mở ra?
Kể ra những điều này cũng khá dài dòng. Năm 12 tuổi, mình có xin với ba cho đi học kịch ở Nhà thiếu nhi, nhưng lúc đó ba từ chối. Ba có vẻ giận lắm, nhưng mình nghĩ là do ba chưa hiểu mình, nên cũng không muốn nhắc lại. Đồng thời, mình cũng nghĩ do mình chưa đủ lớn và phải lo học ở trường trước nên cứ cố gắng học tập để ba vui, sau này lớn hơn một chút ba sẽ cho đi học kịch.
Tới năm 15 tuổi chuẩn bị thi chuyển cấp, một lần nữa mình đề cập với ba về đam mê nghệ thuật, nhưng lần này ba la rất nhiều, ba còn đánh nữa. Ba cấm mình không bao giờ được bước chân vào ngành nghề nghệ thuật. Lúc đó, mình giận ba lắm, mình tự hỏi tại sao ba cũng từng làm nghệ thuật, mình đang theo đuổi con đường giống ba mà ba lại cấm đoán như vậy?
Mặc dù còn nhỏ, nhưng mình cũng lén ba đi học hát, tham gia vào các nhóm kịch của phường, của trường, đi đóng clip Youtube, cụ thể là mình đi đóng những vai phụ không thoại cho thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu.
Năm 18 tuổi, mình tham gia nhóm kịch của trường THPT Trần Khai Nguyên, trình diễn cho chương trình “Khi tôi 18, hãy biết ước mơ”. Đó là lần đầu tiên mình đứng trên sân khấu và bên dưới có hơn 500 học sinh đang theo dõi để diễn hài.
Hôm đó, tiết mục kịch của nhóm mình đạt giải thấp nhất, điều đó cũng dễ hiểu vì các tiết mục thắng giải cao khác là hát, nhảy múa kèm thêm hoạt cảnh được dàn dựng công phu. Còn nhóm kịch của mình cũng tự phát, chưa qua trường lớp gì tất nhiên sẽ thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, sau chương trình đó, mình và nhóm được mọi người trong trường biết đến nhiều hơn, và còn được nhận nhiều lời khen về sự duyên dáng, màu sắc đặc biệt mà chúng mình từng thể hiện trên sân khấu.
Đó là bước đệm để mình thắp lên niềm hy vọng và động lực để đến với nghề diễn. Nhưng niềm vui kéo dài chưa được bao lâu đã phải dừng lại. Cũng trong năm đó, mình không may mắn bị đau ruột thừa, phải bỏ thi môn Ngữ Văn và tất nhiên là trượt đại học. Trước đó, mình và ba đã có "giao kẻo", nếu mình đậu đại học thì ba sẽ công nhận và cho mình theo học nghệ thuật. Và tất nhiên, mình đã "giao kèo" với ba và không làm được thì phải chấp nhận nghe theo lời ba.
Năm 2013-2015, mình học ngành Quản trị Kinh doanh theo chương trình liên kết của trường Hutech để tranh suất đi du học Mỹ. Thời gian đó, mình cảm thấy suy sụp nhưng vẫn phải cố gắng hoàn thành mong ước của ba. Mình vừa đi học, vừa đi làm, sau đó đi du học và lại tiếp tục làm việc... Mình kiếm được ra tiền, có thể nói là có chút dư dả thế nhưng đó không phải là cuộc sống mà mình lựa chọn.
Có nhiều lúc đang làm việc, mình lại lơ đãng, rồi mơ mộng vẽ ra một khung cảnh sân khấu tráng lệ hay một đoạn kịch tình cảm nhẹ nhàng trong đầu. Mình mơ một ngày nào đó, những ý tưởng của mình sẽ được trình hiện trên một sân khấu lớn.
Hay thậm chí mình được hòa vào một vai diễn, để trở thành mảnh ghép của tác phẩm nghệ thuật đó. Những chuyện như vậy cứ ám ảnh mình suốt nhiều năm liển, cho nên khi được ba mẹ gọi về Việt Nam tránh dịch, mình không ngần ngại đồng ý ngay.
Và tất nhiên, lần trở về này, mình không đơn thuần chỉ tránh dịch mà còn quyết tâm tận dụng nó để học tập và trau dồi nghiệp diễn. Sau dịch, ba mẹ đã nhiều lần kêu mình trở về Mỹ, nhưng mình đã quyết tâm chọn và theo đuổi theo con đường này, và chắc chắn mình phải sống cho giấc mơ nghệ thuật từ ngày nhỏ.
- Hiện tại, Kim Quy cũng đã có khoảng thời gian gần 3 năm ở lại Việt Nam theo đuổi nghề diễn, ba mẹ bạn đã chấp nhận chưa?
Thật sự, đến bây giờ thì chỉ có mẹ là ủng hộ, còn ba vẫn chưa. Khoảng thời gian đầu ba thậm chí còn tỏ vẻ khó chịu ra mặt. Nhưng gần đây công việc của ba có nhiều tiến triển, mình nghĩ do ba bận nhiều hơn nên không có thời gian để khó, riêng về mình vẫn cảm nhận là ba vẫn chưa chấp nhận được.
Khi bước vào nghề này, mình mới biết là khởi đầu sẽ rất khó khăn và phải thật sự có tinh thần thép nếu muốn theo đuổi lâu dài. Là người đi trước, mình nghĩ ba hiểu những khó khăn của nghề cho nên mới không muốn con trai theo đuổi nghệ thuật. Do đó, tuy chưa được chấp nhận nhưng mình không giận ba nữa. Thay vào đó, mình quyết định cố gắng nhiều hơn, hết sức mình để chứng mình cho ba thấy mình sẽ làm được. Và chí ít trước tiên phải cho ba thấy được nghề diễn có thể nuôi sống mình, để ba có thể yên tâm về con trai.
- Nghe qua lời Kim Quy kể, ba có vẻ là người khó tính, nhưng lại là người từng làm nghệ thuật. Bạn có thể chia sẻ rõ hơn một chút?
Thật ra có thể nói niềm đam mê nghệ thuật của Quy được bắt đầu từ ba. Vào thập niên 80, ba là một ca - nhạc sĩ hoạt động trong một nhóm nhạc chuyên đi hát phòng trà ở TP.HCM. Đến khoảng năm 1999, ba vẫn đang là giáo viên dạy thanh nhạc của trường THCS Đoàn Kết (quận 6, TP.HCM).
Có lẽ do vậy nên mình đam mê nghệ thuật từ lúc còn rất nhỏ. Hồi đó cứ đi đám cưới, mình luôn chờ ca sĩ lên hát để lên sân khấu nhảy múa theo. Ba đi dạy nhạc mình cũng xin đi theo, mặc dù mới 3,4 tuổi. Đến tận bây giờ, mình vẫn cho rằng cảm giác được tới lớp học nhạc của ba là một điều gì đó rất vui, nó vui hơn cả chuyện được đi công viên hay được đi siêu thị mua đồ chơi.
- Có thể chia sẻ một chút về những công việc mà hiện tại Kim Quy đang làm?
Hiện tại, Quy đang là học viên, diễn viên tại Sân khấu Nghệ Thuật Trương Hùng Minh của thầy Minh Nhí và là biên kịch tự do. Nói chung, mình đang làm rất nhiều công việc cùng một lúc, miễn là liên quan đến nghệ thuật là mình làm hết.
Mình từng đi nhảy, đi múa, diễn kịch, đi hát đám, hội chợ, hát event, đóng quần chúng cho phim, sân khấu cải lương hay những clip trên Youtube... Đặc biệt hơn, gần đây mình có tham gia UCT Academy - một tập thể quần chúng chính được thành lập bởi các anh chị em đồng môn trong nghề, tụi mình vừa mới hoạt động chính thức trong chương trình "Cười xuyên việt 2022" với tư cách là các diễn viên hỗ trợ cho một số thí sinh ở nhiều lĩnh vực như nhảy, múa, diễn xuất, múa rối, đẩy pano sân khấu... Mình có thể khoe đây là một nhóm rất đa năng và cũng đầy nhiệt huyết!
- Hành trình của một ngườii nghệ sĩ từ những vai nhỏ cho đến khi có được vai lớn đôi khi phải rất dài. Vậy Kim Quy có thấy sự bắt đầu của mình hiện nay là trễ?
Theo quan điểm của Quy, việc mình chọn làm nghệ thuật chưa bao giờ là trễ. Mình luôn tin rằng, khi mình hết mình với nghề, với Tổ nghiệp, làm nghề một cách chân chính nhất thì không có chuyện gọi là muộn. Chúng ta thật sự chỉ thấy trễ nếu cứ ngồi đó và không chịu bắt đầu thôi!
Cá nhân Quy đến với nghề diễn là để được sống với nghề, được hoá thân và được diễn xuất. Dù là vai lớn, vai nhỏ hay thậm chí không có thoại, mình vẫn làm hết mình và đầu tư vào vai diễn nghiêm túc. Mình chọn đến với nghề vì tình yêu không phải vì sự hào nhoáng.
Điều lợi thế là mình trải nghiệm nhiều, mình lớn hơn đa số các bạn cùng học nên việc mình nhìn nhận vấn đề, nhìn nhận vai diễn hay lấy tâm lý cũng sẽ có phần nào đó "nhỉnh" hơn một chút. Thậm chí, sự trải đời sống của mình còn bổ trợ cho phần dàn dựng kịch bản và điều đó giúp mình có được nhiều cơ hội hơn trong nghề.
Khó khăn duy nhất chính của mình là về ngoại hình, nhưng mình sẽ tận dụng những lợi thế khác của bản thân để tiếp tục cố gắng. Ai trong chúng ta khi được sinh ra đều có một sứ mệnh, và mình tin trong nghệ thuật, mình đã được Tổ nghiệp chọn ở một vị trí và có sứ mệnh riêng cho mình.
- Cảm ơn Kim Quy về cuộc nói chuyện đầy chân thành, chân thật!
Bình luận