• Zalo

Dân mạng tranh cãi biện pháp 'qua mặt' máy thổi nồng độ cồn

Giới trẻChủ Nhật, 05/01/2020 16:49:40 +07:00 Google News
(VTC News) -

Các Facebooker Việt không ngần ngại đưa ra các giải pháp nhằm "qua mặt" máy thổi phát hiện nồng độ cồn.

Luật phòng chống tác hại của rượu bia cùng những điều khoản xử phạt hành chính mới được bổ sung tiếp tục là câu chuyện được bàn luận rôm rả trên các diễn đàn mạng xã hội.

Trước tình trạng nhiều trường hợp bị cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn và phạt tiền nặng, các biện pháp làm giảm nồng độ cồn trong hơi thở cũng trở thành từ khóa được nhiều người tìm kiếm. Các Facebooker Việt không ngần ngại mách nhau các giải pháp nhằm "qua mặt" máy thổi phát hiện nồng độ cồn của CSGT.

"Trong trường hợp này chỉ có cách uống thuốc giải rượu các bác ạ. Giã được rượu chắc chắn sẽ hạ được nồng độ cồn. Em từng dùng rồi và đúng là cảm giác biêng biêng do rượu cũng đỡ hơn thật!", Hoàng Bá Trần chia sẻ.

Tài khoản Nguyễn Duy Anh lại băn khoăn: "Các đồng chí cảnh sát giao thông cứ tuýt còi ai người đấy đều "dính đòn" thế này thì căng quá anh em ơi. Chắc phải mua chai xịt khử mùi, chẳng biết có ăn thua không nhỉ?".

"Mỗi lần em đi nhậu về, vợ lại pha cho một cốc nước chanh, uống xong thấy cũng tỉnh người các bác ạ. Em nghĩ mỗi khi ra khỏi quán nhậu cứ làm cốc nước chanh, hay cốc trà gừng cho đảm bảo hả hơi rượu đã cho yên tâm", Vũ Minh Thịnh viết.

"Uống thuốc giải rượu cùng rất nhiều nước để giảm lượng cồn trong máu, rồi anh em tranh thủ chạy quanh quán nhậu vài vòng để quá trình ngấm thuốc diễn ra nhanh hơn", Lê Dũng hài hước chia sẻ bí quyết.

Dân mạng tranh cãi  biện pháp 'qua mặt' máy thổi nồng độ cồn - 1

(Ảnh chụp màn hình)

Luật phòng chống tác hại của rượu bia đưa ra nhiều điểm mới khiến cánh lái xe là những người lo lắng nhất, bởi từ trước đến nay, sau mỗi cuộc "chén anh, chén chú", họ không thể đi xe ôm hay taxi để trở về nhà mà phải tiếp tục công việc của mình, đằng sau vô lăng những chiếc xe tải hay container.

"Anh em lái xe chúng tôi mấy ngày gần đây hay mách nhau biện pháp ngậm đồng xu, lượng đồng trong đồng xu sẽ vô hiệu hóa lượng cồn trong hơi thở, thế là thổi cũng chẳng ra kết quả. Tôi chưa thử, anh em nào thử rồi thì cho ý kiến nhé!", Hùng Lạnh Lùng cho biết.

Nhiều người cũng cho rằng, hút thuốc lá cũng là một cách làm bay mùi rượu, giảm nồng độ cồn khi bị kiểm tra bằng máy thổi. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp trên chỉ là mẹo, không có kiểm chứng khoa học. Có thể nhận thấy phần lớn các biện pháp này là cách thường làm để giã rượu sau những cuộc nhậu khiến anh em nhức đầu, mệt mỏi ngày hôm sau.

"Các bác cũng có thể thổi nhẹ hoặc hít ngược vào phổi thì sẽ tránh được bị phát hiện nồng độ cồn trong máu. Thấy bảo làm thế sẽ giúp lượng không khí qua máy sẽ là không khí sạch, máy đo sẽ cho ra kết quả bình thường", Biên Hòa nói.

"Chẳng hiểu thông tin ở đâu ra mà anh em bàn tán xôn xao thế. Máy thổi phát hiện nồng độ cồn là khí từ phổi chứ có phải khí từ miệng đâu mà các bác đòi đánh răng, súc miệng với nhai kẹo. Anh em nào tin thì cứ thử rồi ra gặp CSGT để xác minh nhé", tài khoản Minh Đức phản bác.

Trong khi cánh mày râu tìm cách cứu nhau thì các chị em có mặt trong diễn đàn bày tỏ quan điểm không đồng tình. Theo các chị, Luật sinh ra để giải quyết thực trạng tai nạn giao thông, không phải để chống chế. 

"Anh em đừng hy vọng sẽ có các cách chống chế lại luật nhé. Tốt nhất là không uống, hoặc đã uống là đi taxi hay Grab về nhà. Một khi đã bị tuýt kiểm tra, chắc chắn khả năng nộp phạt cao lắm. Nhà bao việc!", nữ thành viên Quỳnh Thu chia sẻ. 

Đồng quan điểm với chị Thu, tài khoảnh Ngọc Tuyết thẳng thắn: "Giã rượu và làm giảm nồng độ cồn là hai khái niệm khác nhau. Đúng là luật đưa ra thì chắc chắn có người muốn lách luật. Trong trường hợp này mình xin phát biểu luôn là anh em không có đường lui đâu, nên đừng cố gắng nghĩ cách chống chế. Đã uống rượu bia là không lái xe, thế thôi!".

Hạ Vũ
Bình luận
vtcnews.vn