Lênh đênh xứ người
Khi dìu dắt nhau đến Tây Nguyên, những dân chài gốc gác quê nghèo An Giang, Đồng Tháp… này chỉ mong sống qua ngày. Nhưng khi bám trụ vào lòng hồ thủy điện Buôn Tua Sarh (vùng tiếp giáp 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng), niềm khát khao xây dựng cuộc sống đủ đầy trên vùng đất mới trỗi dậy trong họ.
Cuối năm Kỷ Hợi, chúng tôi tìm đến làng chài ở lòng hồ thủy điện Buôn Tua Sarh, nơi được biết đến với những cư dân bè nổi có giọng nói đặc sệt miền Tây.
Khi xe dừng bánh, một cô bé có làn da rám nắng và mái tóc đen dài nhanh nhảu chạy lại mời khách ghé mua khô cá lăng, cá lóc. Em cho biết mình tên Quyên, 15 tuổi, quê An Giang, sống ở đây hơn 5 năm.
Quyên kể, năm em học lớp 4, cha mẹ quyết định rời quê lên vùng lòng hồ này mưu sinh. Là chị lớn nên cô bé bỏ dở việc học để đi theo. Gia đình có 8 người thì 6 người phải sống trên bè nổi, ngày đêm làm bạn với sông nước. Hằng ngày, Quyên phụ mẹ bán hàng để gia đình có đồng ra đồng vào, gửi về nuôi 2 em út ở quê ăn học.
“Cháu mong ngày nào đó gia đình có tiền để được lên bờ, các em được tới trường và có công việc phù hợp, không phải lênh đênh, buồn tẻ như bây giờ", đôi mắt Quyên rơm rớm.
48 nóc nhà ở làng chài này khi tới đây đều tay trắng. Chị Nguyễn Thị Tiên, người phụ nữ 24 tuổi mang nét đẹp chịu thương chịu khó đến từ An Giang, cũng vậy.
Dù nắng hay mưa, cứ 4h30 phút là bà mẹ 2 con này lại thức giấc, vội nấu cơm rồi lên bờ cho kịp giờ mở hàng. Sạp cá của chị nằm cạnh sạp của gần chục hộ khác bên cầu Đắk Hil (bắc ngang lòng hồ thủy điện Buôn Tua Sarh) trên quốc lộ 27. Mọi người ví sạp cá của Tiên như Sêrêpốk thu nhỏ vì có đủ các loại cá câu từ lòng dòng sông này và các nhánh suối nhỏ.
Bằng cái giọng chân chất, đặc sệt miền Tây, chị niềm nở: “Vợ chồng tui đều gốc An Giang, hồi trước làm nghề chài lưới, giăng câu bên Biển Hồ (Campuchia) nhưng không đủ sống nên bỏ lên đây theo lời giới thiệu của vài người quen. Lên đây cũng được hơn 8 năm rồi, tài sản giờ là hai đứa con (gần 8 tuổi và 5 tuổi) và nhà bè, cái xuồng để đi thả lưới”.
"Đêm và sáng sớm sương mù giăng kín, ở trên bè đắp chăn còn lạnh buốt, huống hồ là đi câu, giăng lưới cả đêm. Nhưng không đi mần thì lấy gì mà sống, nuôi con, có chút dành dụm để gửi về cho cha mẹ dưới quê? Với lại mình còn trẻ, phải gắng mần để lo cho tụi nhỏ đi học. Tụi tui cũng chẳng muốn ăn đời ở kiếp trên bè, muốn có chút vốn lên bờ cất nhà hoặc về kiếm việc làm phù hợp cho tụi nhỏ được đi học", chị Tiên tâm sự.
Đau đáu chuyện học của con
Sống lênh đênh trên mặt nước, ngày đêm làm bạn với con cá, con tôm, người dân nơi đây lúc nào cũng hy vọng tương lai của con cái họ được tươi sáng hơn, mong con được học lấy con chữ. Thế nhưng, nhiều gia đình có con quá tuổi đến trường vẫn chưa biết nên để con học tạm trên Tây Nguyên hay đưa về quê.
Ngồi bên mẻ cá vừa thu được, anh Nguyễn Văn Minh (32 tuổi, quê An Giang) kể, hơn 6 năm trước, thấy bạn bè lên Tây Nguyên làm nghề chài lưới, nghĩ mình ở quê chẳng làm gì ra tiền nên anh cũng dứt áo đi cùng. Sau thấy nguồn cá ở đây dồi dào, cũng có đồng ra đồng vào nên anh đưa vợ con lên sống cùng, làm cái bè nhỏ dưới lòng hồ để tiện đánh bắt cá.
Không muốn con cái mình mù chữ, anh đăng ký tạm trú ở xã Krông Nô (huyện Lắk, Đắk Lắk) để cho các con đi học.
“Trường của sắp nhỏ cách nơi ở hơn 12km lận, nên mỗi sáng vợ tui phải dậy thiệt sớm, lên bờ chở 2 con đến lớp rồi vội vàng về bán mớ cá khô. Cuộc sống cứ thế vất vả qua ngày, miễn là các con nó biết chữ là vui rồi”, anh Minh cười hiền.
Gia đình anh Dũng (31 tuổi, quê huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) khó khăn hơn khi chưa quyết định được nên cho hai con (8 tuổi và 5 tuổi) đi học ở đâu.
Hút xong điếu thuốc lá, anh Dũng nói: "Nhà nhà đều đặt ra quy ước cho con cái mình thi đua học tập. Nhà tui cũng biết có thể đói ăn nhưng không thể đói chữ, nhưng vất vả quá. Cho con đi học trên Đắk Lắk thì ngày nào cũng phải đưa đón cả chục cây số, mà vợ chồng tui bận làm tối ngày. Đưa về quê thì nội ngoại đã già mà lại còn phải đi mần, sợ không lo nổi cho sắp nhỏ”.
“Người ta kêu trên đây dễ mần, nhiều cá nhưng cũng tùy mùa nên mỗi năm dành dụm được một ít thôi, biết bao giờ mới có vốn về quê hoặc mua đất làm nhà trên đất".
Cái Tết tha hương
Trò chuyện với phóng viên, nhiều người làng chài không giấu nỗi buồn vì 2- 3 năm nay chưa lên bờ ăn Tết, có người nhiều năm liền không có tiền về thăm quê. Trong mỗi ngôi nhà tạm trên sông của họ đều nung nấu khát vọng lên bờ để cuộc sống phần nào ổn định hơn.
Trong lúc hy vọng về cái Tết hoàn toàn khác, Tết này, trong những cái lán nhỏ quần tụ ấy vẫn có đầy đủ bánh chưng, bánh tét để bù đắp cho cả năm thiếu thốn, vất vả. Họ quây quần thi hát vọng cổ, ôn kỉ niệm và nhớ về quê hương.
"48 nóc nhà trên lòng hồ này biết nhau hết, bà con cũng thường qua lại giúp đỡ nhau sửa bè, uống rượu mừng đầy tháng, thôi nôi, đám giỗ. Ai cũng muốn có gia đình, quê hương nhưng vì khó nghèo như nhau nên tụi tui coi làng chài này cũng là quê hương. Tết cũng sẽ làm vài cái bánh tét, ít thịt heo để có chút mùa xuân", anh Minh tâm sự.
Lãnh đạo UBND xã Krông Nô (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, dân làng chài trên lòng hồ thủy điện Buôn Tua Sarh phần lớn từ địa phương khác đến nuôi trồng và đánh bắt cá, ở lại trên lồng bè tự phát. Cuối năm 2016, sau trận bão lớn, họ rất hi vọng khi nghe nói UBND huyện Lắk có kế hoạch đưa họ lên bờ. Nhưng sau đó lãnh đạo Văn phòng huyện nói chưa nghe kế hoạch này.
Tuy nhiên, giấc mơ có cuộc sống ổn định và được lên bờ của các cư dân xóm chài đang dần được hiện thực hóa. Vị lãnh đạo xã thông tin: “Theo quy định của Nhà nước, bắt đầu từ năm 2020, tất cả các hộ gia đình sống trên bè nổi, đánh bắt thủy sản trên mặt nước, lòng hồ đều phải đăng ký thường trú. Chúng tôi sẽ có kế hoạch làm bài bản để quản lý an toàn khu dân cư, có phương án để người dân ổn định hơn cuộc sống hiện tại".
Bình luận