• Zalo

Dân hoang mang vì nhà cửa nứt toác, giếng bỗng cạn khô

Thời sự Thứ Hai, 17/08/2015 08:00:00 +07:00Google News

Nhà máy nước sạch đi vào hoạt động được một thời gian thì hàng loạt giếng khoan, giếng khơi, ao hồ cạn kiệt. Nhà cửa của người dân cũng bị sụt nền, nứt toác

Nhà máy nước sạch đi vào hoạt động được một thời gian thì hàng loạt giếng khoan, giếng khơi, ao hồ cạn kiệt. Nhà cửa của người dân cũng bị sụt nền, nứt toác không rõ nguyên nhân.

Hàng loạt hộ dân kêu cứu 
Cách trung tâm TP Thanh Hóa hơn 20 km về phía Bắc là làng nghề rèn truyền thống của xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá. Và câu chuyện ô nhiễm từ hoạt động của làng nghề này dường như không ai là không biết. 
Vì vậy, các cấp ngành chức năng huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá đã nỗ lực, ưu ái cho xã nghề ô nhiễm này một nhà máy nước sạch từ nguồn vốn ADB. Thế nhưng, niềm vui chưa tày gang khi nhà máy nước sạch này đi vào hoạt động thì hàng loạt hộ dân sống gần khu vực nhà máy xảy ra hiện tượng nền nhà bị sụt, tường nhà rạn nứt. 
Hàng loạt vết nứt nham nhở xuất hiện tại gia đinh ông Cạy.
Hàng loạt vết nứt nham nhở xuất hiện tại gia đinh ông Cạy. 

Trả lời phỏng vấn, ông Hoàng Minh Cương - Bí thư thôn Bùi cho biết, dân cư làng Bùi sinh sống ở đây từ lâu đời. Hiện tại, cả làng có hơn 500 hộ, riêng thôn Bùi 2 là có hơn 160 hộ. 
Tuy nhiên, quá trình sinh sống bao nhiêu năm nay không hề có hiện tượng đất bị lún đất như bây giờ, chỉ từ khi nhà máy nước sạch (đặt sát khu dân cư) đi vào hoạt động thì hiện tượng trên mới xuất hiện. 
Theo danh sách báo cáo lên cấp chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá, có 16 hộ xảy ra hiện tượng sụt nền, nứt toác nhà cửa, nhưng mới đây lại có thêm một số hộ khác. Nếu tính số hộ trong diện ảnh hưởng thì phải lên tới 90 hộ dân.
Qua theo dõi, không chỉ thấy hiện tượng sụt nền, nứt toác nhà cửa mà đến đường bêtông nông thôn được đổ dày cũng nứt toác, tường rào của các hộ dân vừa mới xây nứt làm đôi.
Bên cạnh đó, toàn bộ nguồn nước tự nhiên, nước mặt, giếng khơi, giếng khoan không có nước, gây khó khăn trong sinh hoạt sản xuất. 
Giếng khơi bị khô cạn.
Giếng khơi bị khô cạn. 

Theo chân Bí thư chi bộ thôn Bùi, chúng tôi đến hộ gia đình Ông Hoàng Ngọc Cạy (67 tuổi) là một trong những hộ gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Ông Cạy cho biết, nhà ông được xây dựng từ năm 1991. Trước khi có nhà máy nước sạch, ngôi nhà không hề có hiện tượng rạn nứt hay sụt nền như bây giờ. 
Ban đầu, vết nứt rất nhỏ, nghĩ bình thường nên ông không để ý, cho tới khi vết nứt ngày càng há rộng và xuất hiện thêm nhiều vết rạn nứt thì ông mới hoang mang, lo lắng, báo cáo lên thôn, xã. 
Bây giờ, căn nhà 4 gian của ông gian nào cũng bị rạn nứt, với khoảng 15 vết rạn nứt, nơi nứt to nhất là 1,3 cm… Ông Cạy khẳng định, “do nhà máy nước hoạt động, khai thác nguồn nước ngầm nên dẫn đến hiện tượng trên”. 
Nguyên nhân do đâu? 
Trả lời phóng viên, ông Hoàng Văn Thiêm - Phó chủ tịch UBND xã Tiến Lộc cho biết, sau khi nhận được thông tin người dân thôn Bùi phản ánh, UBND xã đã báo cáo UBND huyện, UBND tỉnh và Trung tâm quản lý nước sạch của tỉnh. 
"Từ khi có phản ánh của người dân đến nay, đã có 4 đoàn về kiểm tra, khảo sát nhưng hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng", ông Thiêm cho biết thêm. Đến giữa tháng 7 vừa qua, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vùng miền Trung tỉnh Thanh Hóa tiếp tục theo dõi vết rạn, nứt đồng thời chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế kiểm tra, xem xét xác định nguyên nhân.
Video chen chân mua nước sạch

Ông Nguyễn Xuân Trang - Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa (đơn vị giao thực hiện dự án) cho biết, kể từ khi có phản ánh tình trạng sụt lún, rạn nứt nhà dân, đơn vị quản lý đã cho giảm tần suất hoạt động xuống 50%, đồng thời cùng các đơn vị chức năng về kiểm tra xác minh sự việc. 
Ông Trang cũng khẳng định, những thông tin về tình trạng rạn nứt nhà của người dân là chính xác. Trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định là do yếu tố bơm nước ngầm làm ảnh hưởng đến cấu trúc đất. 
Hướng khắc phục bây giờ, một là tiếp tục theo dõi diễn biến tình trạng trên, hai là giảm 50% công suất. Nhà máy nước sạch xã Tiến Lộc được đưa vào sử dụng tháng 9/2014 với tổng giá trị công trình là 30 tỷ 940 triệu đồng từ nguồn vốn ADB, trong đó vốn đối ứng địa phương là 1 tỷ 380 triệu đồng, có công suất 1.200 khối/ngày đêm.

Nguồn: Lao động
Bình luận
vtcnews.vn