• Zalo

Đâm thanh sắt nghi có HIV vào 43 học sinh: Bộ Y tế lên tiếng

Thời sựThứ Hai, 08/09/2014 12:22:00 +07:00Google News

Trước thông tin 43 học sinh Thanh Hoá bị đâm vật nhọn nghi nhiễm HIV, Bộ Y tế khẳng định, không học sinh nào phải dùng thuốc dự phòng điều trị kháng virus.

Trước thông tin 43 học sinh Thanh Hoá bị đâm vật nhọn nghi nhiễm HIV, Bộ Y tế khẳng định, không học sinh nào phải dùng thuốc dự phòng điều trị kháng virus.

Gần đây, hàng chục phụ huynh và học sinh trường THCS Xuân Thiên, Thọ Xuân,Thanh Hóa hoang mang trước sự việc con em họ bị một số học sinh khác dùng vật nhọn đâm vào người trong giờ ra chơi.


Đặc biệt trong những em học sinh bị đâm đó có một em bị nhiễm HIV. Lo sợ con em mình có nguy cơ lây nhiễm, nhiều phụ huynh trình báo đến nhà trường.

Trường THCS Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Quang Tân 

Ths.Bs. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Hoàng Đình Cảnh cho biết, khởi đầu của sự việc từ trò đùa nghịch của các cháu học sinh. Trò đùa này cũng không quá nghiêm trọng vì có em chỉ đau nhẹ, có em cũng xây xước chỗ bị châm.

“Đúng là mấy ngày qua, một số báo chí đã đưa tin về việc tại Trường Trung học cơ sở Xuân Thiên, Thọ Xuân, Thanh Hóa có xảy ra việc có 43 học sinh lớp 9 và lớp 8 của trường đùa nghịch đã dùng que thép, nan hoa trêu chọc nhau, trong số đó có 1 cháu học lớp 8 đã nhiễm HIV do mẹ truyền sang con, khiến phụ huynh của các em bị chọc đó hết sức hoang mang lo lắng. Đây là tâm lý và phản ứng tự nhiên của các bậc cha mẹ”, ông Cảnh nói.

Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Bộ Y tế vào cuộc, cử các thầy thuốc có kinh nghiệm để khám, tư vấn, đánh giá nguy cơ cho 38 em bị châm chọc theo yêu cầu của nhà trường và phụ huynh.

“Tất cả học sinh nói trên đã được các bác sỹ chuyên khoa khám sàng lọc, tư vấn, đánh giá nguy cơ rất cẩn thận và khẳng định không có nguy cơ phơi nhiễm HIV/AIDS”, ông Cảnh nói.

Theo ông Cảnh, sự việc xảy ra không do một tổ chức hay một cá nhân nào cầm đầu. Ngành y tế tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời khám và tư vấn, xử lý đối với phơi nhiễm HIV theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Qua đánh giá nguy cơ, Bộ Y tế khẳng định, không học sinh nào phải dùng thuốc dự phòng điều trị kháng virus.

Theo ông Cảnh, cha mẹ hoang mang lo lắng là tâm lý và phản ứng tự nhiên. 

“Thực tế 43 em học sinh bị đâm vật nhọn nghi nhiễm HIV chỉ bị châm chọc 2 lần và qua quần bò nên khó dính máu nếu có bị tổn thương. Số học sinh này không lây nhiễm từ người có HIV. Việc điều trị bằng thuốc kháng virus cũng ức chế làm nguy cơ lây nhiễm HIV cũng giảm”, BS Cảnh nói.

Theo ông Cảnh, cơ quan chuyên môn phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh đã tư vấn để ổn định tâm lý và tiếp tục phối hợp với chính quyền huyện, đảm bảo không xảy ra việc kỳ thị phân biệt đối xử với HIV/AIDS.

Công tác phòng, chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS đặc biệt là trẻ nhiễm HIV ở địa phương thực hiện rất tốt. Không có tình trạng kỳ thị, phản đối trẻ nhiễm HIV đến trường trước và sau sự việc.

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Đỗ Hữu Thủy, Trưởng phòng Truyền thông Cục phòng chống AIDS, Bộ Y tế, khả năng lây nhiễm HIV từ người này sang người khác phụ thuộc vào nhiều yếu tố của phơi nhiễm. Nguy cơ lây nhiễm HIV cao khi: máu của người nhiễm HIV có nồng độ virus cao, tiếp xúc với số lượng máu nhiều, bị đâm sâu trong cơ, thời gian từ khi vật sắc nhọn đâm vào người nhiễm HIV sang người khác ngắn vì HIV rất dễ bị tiêu diệt khi ra khỏi cơ thể người.

Theo ông Thủy, riêng trường hợp ở Thanh Hóa, các em châm chọc nhau một cách ngẫu nhiên nên không phải 43 em đó đều bị phơi nhiễm với HIV từ em học sinh bị nhiễm HIV, thực tế em học sinh bị nhiễm HIV cũng chỉ bị châm chọc có 2 lần và qua quần bò nên khó dính máu nếu có bị tổn thương.

Bác sĩ Thủy khuyến cáo, khi gặp những tình huống có nguy cơ nhiễm HIV phải xử lý ngay khi bị đâm. Trong trường hợp bị đâm gây tổn thương da chảy máu, phải xối ngay vết thương dưới vòi nước, để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương, rồi rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.

Sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế, nên đến phòng khám ngoại trú điều trị HIV gần nhất, hoặc Trung tâm y tế huyện hay Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS để các y bác sỹ đánh giá nguy cơ, tư vấn và xử trí kịp thời.

Các chuyên gia cũng lưu ý, về mặt khoa học, HIV không lây qua các tiếp xúc thông thường như ăn uống chung, học chung, sống chung, làm việc chung, muối đốt …nên không cần thiết phải tách biệt hay cấm đoán. Đến nay chưa có bất cứ báo cáo nào trên thế giới là trẻ em bị lây nhiễm HIV do học chung, sống chung.

Cha mẹ cũng nên trang bị cho mình các kiến thức phòng, chống HIV/AIDS để tự bảo vệ cho chính mình, con cái và người thân và khi có bất kỳ sự việc gì xảy ra cũng đủ kiến thức để phân tích, không hoảng loạn hay lo lắng quá mức cần thiết.

Luật Phòng, chống HIV/AIDS cũng quy định, cơ sở giáo dục không được có hành vi: Từ chối tiếp nhận học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV; Kỷ luật, đuổi học học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV; Tách biệt, hạn chế, cấm đoán học sinh, sinh viên, học viên tham gia các hoạt động, dịch vụ của cơ sở vì lý do người  đó nhiễm HIV; Yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm HIV  đối với học sinh, sinh viên, học viên hoặc người đến xin học. Như vậy tách biệt người nhiễm HIV là vi phạm pháp luật.

Theo Khám phá
Bình luận
vtcnews.vn