• Zalo

Đại sứ Thụy Điển tặng mũ bảo hiểm cho học sinh Việt Nam

Tin tức - Sự kiện Thứ Năm, 21/11/2024 15:40:13 +07:00Google News
(VTC News) -

Đại sứ quán Thụy Điển mong muốn nâng cao nhận thức và thúc đẩy việc sử dụng mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn để đảm bảo an toàn cho người dân Việt Nam, đặc biệt là trẻ em.

Ngày 21/11, Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội, phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy, phòng Giáo dục và Đào tạo Cầu Giấy, đã trao tặng hơn 1.000 mũ bảo hiểm cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Đại sứ Thụy Điển Johan Ndisi trao tặng mỹ bảo hiểm cho các em học sinh trường Tiểu học Nam Trung Yên.

Đại sứ Thụy Điển Johan Ndisi trao tặng mỹ bảo hiểm cho các em học sinh trường Tiểu học Nam Trung Yên.

Tại sự kiện này, các nhà tổ chức đã kêu gọi sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng, các bậc phụ huynh và người lớn tại Việt Nam luôn đội mũ bảo hiểm cho con em mình mỗi khi tham gia giao thông bằng xe máy và xe đạp điện.

Hoạt động này là một phần trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Thụy Điển và Việt Nam (1969 - 2024).

Trong phát biểu khai mạc, Đại sứ Thụy Điển Johan Ndisi cho biết: "Thụy Điển là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về an toàn giao thông. Tầm nhìn về không (Vision Zero) với mục tiêu không có tử vong và chấn thương nghiêm trọng đã đạt được nhiều kết quả thành công vì nó đã tạo ra động lực chuyển từ chính sách và tầm nhìn thành các hành động cụ thể.

Khi gặp sự cố, tai nạn, cơ thể con người chỉ chịu được một lượng lực nhất định tác động từ bên ngoài, và cơ thể của trẻ em càng yếu hơn so với người lớn. Đó là lý do vì sao việc đội mũ bảo hiểm mỗi khi trẻ em đi xe máy hoặc xe đạp điện là rất quan trọng. Các bậc phụ huynh và người lớn cũng cần phải làm gương bằng cách luôn đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông".

Đại sứ Thụy Điển Johan Ndisi giao lưu với cô, trò trường Tiểu học Nam Trung Yên.

Đại sứ Thụy Điển Johan Ndisi giao lưu với cô, trò trường Tiểu học Nam Trung Yên.

Cách tiếp cận Vision Zero về an toàn giao thông, có nguồn gốc từ Thụy Điển, đặt mục tiêu không có tử vong hoặc chấn thương nghiêm trọng trên đường. Chương trình này tập trung vào việc thiết kế hệ thống giao thông phù hợp với tính dễ bị tổn thương của con người và đảm bảo rằng cho dù có sai sót cũng không dẫn đến hậu quả chết người. Mục tiêu là ngăn chặn bất kỳ tai nạn giao thông nào dẫn đến tử vong cho trẻ em.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tai nạn giao thông đường bộ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và chấn thương tại Việt Nam, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Luật an toàn giao thông quy định việc đội mũ bảo hiểm cho người điều khiển và người ngồi sau xe máy nhưng không bắt buộc trẻ em dưới 6 tuổi phải tuân thủ. Việc sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn rất đáng lo ngại vì nó có thể gây tác hại ngược trong trường hợp xảy ra tai nạn.

Đại sứ Thụy Điển Johan Ndisi cho biết mũ bảo hiểm là biện pháp bảo vệ đơn giản nhưng rất quan trọng và hiệu quả cho cả trẻ em và người lớn.

Đại sứ Thụy Điển Johan Ndisi cho biết mũ bảo hiểm là biện pháp bảo vệ đơn giản nhưng rất quan trọng và hiệu quả cho cả trẻ em và người lớn.

Đại sứ quán Thụy Điển muốn nâng cao nhận thức và thúc đẩy việc sử dụng mũ bảo hiểm đúng quy cách, đúng quy chuẩn để đảm bảo an toàn cho người dân Việt Nam, đặc biệt là trẻ em.

Đại sứ Johan Ndisi nhấn mạnh thêm: "Xe máy là phương tiện giao thông chính ở Hà Nội và trên khắp Việt Nam, và mũ bảo hiểm là một biện pháp bảo vệ đơn giản nhưng rất quan trọng và hiệu quả cho cả trẻ em và người lớn. Trong trường hợp xảy ra tai nạn, đội một chiếc mũ bảo hiểm chất lượng và đúng cách có thể cứu được mạng người. Chúng tôi rất vui khi có sự hợp tác của các công ty đa quốc gia Thụy Điển như ABB, AstraZeneca, Atlas Copco, Electrolux, Ericsson, Hestra, Hitachi Energy, IKEA, Niteco, Oriflame, Polarium, SKF, Tetra Pak và Volvo để đóng góp chung cho một tương lai an toàn hơn cho trẻ em Việt Nam".

Hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Thụy Điển và Việt Nam.

Hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Thụy Điển và Việt Nam.

Tại Việt Nam, mặc dù đã có nhiều nỗ lực để cải thiện an toàn giao thông, tai nạn xe máy vẫn là một vấn đề đáng lo ngại, với tỷ lệ tử vong và chấn thương cao. Tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 đến 29 tuổi. Trong nửa đầu năm 2024, Việt Nam đã ghi nhận hơn 12.300 vụ tai nạn giao thông, tăng gần 1.850 vụ so với năm trước. Tuy nhiên, số ca tử vong đã giảm hơn 700 người trong số hơn 5.250 ca tử vong được báo cáo. Số người bị thương cũng tăng, với gần 9.600 người.

Hầu hết các vụ tai nạn xảy ra trên đường bộ, với nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng được ghi nhận. Tử vong và chấn thương do tai nạn giao thông không chỉ là bi kịch cá nhân mà còn gây áp lực kinh tế cho xã hội. Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã ước tính rằng Việt Nam mất khoảng 4,9 tỷ USD mỗi năm do tai nạn giao thông.

“Ngày Thế giới Tưởng niệm Nạn nhân Giao thông đường bộ” - một ngày hành động quốc tế của Liên Hợp Quốc trong tháng 11, là lời nhắc nhở kịp thời về tầm quan trọng của những nỗ lực của chúng ta để bảo vệ trẻ em và ngăn chặn những thảm kịch trong tương lai. Chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt, và hãy cùng nhau hành động để tạo nên những con đường an toàn hơn cho trẻ em - thế hệ tương lai của chúng ta.

Bình luận
vtcnews.vn