• Zalo

Đại biểu Quốc hội: Rà soát điểm thi THPT Quốc gia cả nước, Bộ Giáo dục có làm nổi không?

Thời sự Thứ Sáu, 20/07/2018 15:52:00 +07:00Google News

Trước ý kiến dư luận cho rằng Bộ GD&ĐT nên tổng thanh tra, rà soát lại kết quả điểm thi THPT Quốc gia năm 2018, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi: Liệu Bộ GD&ĐT có làm nổi hay không?

“Bộ Giáo dục&Đào tạo có làm nổi không?”

Liên quan đến thông tin một số tỉnh bị phát hiện có kết quả điểm thi THPT Quốc gia 2018 cao bất thường, dư luận cho rằng Bộ GD&ĐT nên tổng thanh tra, rà soát lại kết quả điểm thi để khách quan và công bằng. Tuy nhiên, ý kiến của một số đại biểu Quốc hội và chuyên gia giáo dục lại cho rằng đây là điều khó khả thi.

vu-trong-luong-tai-co-quan-dieu-tra-anh-cand

Ông Vũ Trọng Lương, người đã sửa kết quả điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 ở tỉnh Hà Giang vừa bị cơ quan điều tra bắt tạm giam. Ảnh: Báo CAND. 

Trả lời PV VTC News, ông Lê Tuấn Tứ, đại biểu Quốc hội Khóa 14, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa cho rằng việc tổng rà soát kết quả điểm thi của kì thi THPT Quốc gia năm nay rất khó thực hiện.

Đại biểu Lê Tuấn Tứ nhận xét: “Việc rà soát thì tùy các anh ấy thôi (tức Bộ GD&ĐT – PV), nhưng theo tôi thì chỗ mà thấy có dấu hiệu thì mình nên rà soát trước. Còn bây giờ đặt ra là rà soát cả 63 tỉnh thành như thế thì liệu Bộ có làm nổi không?

Hiện nay, tỉnh nào có bất thường thì Bộ đã lập đoàn thanh tra rồi. Bây giờ cũng là để giải quyết hậu quả thôi và Bộ GD&ĐT, Bộ Công an đã và đang làm rồi.

Cần phải xét đến tương lai sau kỳ thi này, đó là có nên làm (tức tổ chức kì thi – PV) theo hình thức “2 trong 1” nữa hay không, đây mới là vấn đề chính cần phải bàn.

Bây giờ mình phải nói đến chuyện giải quyết tương lai ra sao chứ đừng sa vào những cái vụn vặt làm gì vì nó chẳng giải quyết được cái gì cả.

Còn đặt vấn đề ra là 63 tỉnh thành bây giờ Bộ sẽ kiểm tra lại thì tôi cho rằng cái này là tốt thôi, nhưng Bộ có làm được hay không? Bộ có làm nổi không? Làm xong để đạt được mục đích gì? Nó sẽ rất là tốn kém và gây nên những xôn xao dư luận, khiến cho xã hội bất an”.

Theo ông Lê Tuấn Tứ, hình thức kì thi “2 trong 1” hiện nay đang tồn tại những bất cập.

Ông Tứ dẫn chứng: “Bây giờ thí sinh nói rằng trình độ của em chỉ muốn thi để lấy bằng tốt nghiệp thôi thì tại sao lại bắt em thi với trình độ đại học để vào đại học? Học sinh nói rằng: Em báo cáo với thầy là em thi tốt nghiệp THPT thôi, em chỉ cần cái bằng tốt nghiệp thôi, mà thầy lại bắt em thi với trình độ cao để lấy cái bằng đại học thì em chỉ làm được có mấy điểm thôi, nó quá sức, vậy thì trả lời sao?

letuantu

 

Phải nhìn thấy cái bất cập đó để mà bàn cách giải quyết, để xác định tương lai sẽ như thế nào, chứ bây giờ cứ loay hoay vào vụ việc ở tỉnh Hà Giang hay một số tỉnh khác thì tôi nghĩ chẳng giải quyết được việc gì cả.

ĐBQH Lê Tuấn Tứ

Tôi lấy ví dụ như ở tỉnh Nghệ An, năm nay có gần 40% thí sinh thi THPT Quốc gia nhưng không đăng ký vào đại học, không có nhu cầu dự tuyển đại học, thí sinh chỉ có nhu cầu tốt nghiệp THPT để đi học nghề thôi. Vậy thì cớ sao lại “bắt” thí sinh phải làm cái đề thi trình độ đại học làm gì?

Tức là phải nhìn thấy cái bất cập đó để mà bàn cách giải quyết, để xác định tương lai sẽ như thế nào, chứ bây giờ cứ loay hoay vào vụ việc ở tỉnh Hà Giang hay một số tỉnh khác thì tôi nghĩ chẳng giải quyết được việc gì cả”.

Ông Tứ kiến nghị, Bộ GD&ĐT nên tách biệt hai kì thi tốt nghiệp THPT và thi đại học, trong đó vẫn để các tỉnh tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT và Bộ sẽ tổ chức kì thi đại học hoặc để các trường đại học tự quyết định hình thức tuyển sinh sẽ tránh được những chồng chéo, tiêu cực.

Ông Tứ nêu ý kiến: “Theo tôi, bây giờ kì thi tốt nghiệp THPT có thể là Bộ vẫn ra đề thi nhưng mà giao cho địa phương làm, nó sẽ rất nhẹ nhàng.

Còn các trường đại học bây giờ đã có chính sách tự chủ đại học rồi thì cho phép các trường tự tuyển sinh, còn người ta (trường đại học – PV) tuyển sinh theo hình thức nào đó thì tùy người ta. Người ta có thể tự về địa phương để tuyển sinh hoặc tuyển sinh tại trường.

Cái gốc của nó là bây giờ bộ máy cần phải thay đổi cái tư duy đi, không nên “ôm” cái kì thi này là “2 trong 1” nữa. Bộ GD&ĐT nên quản lý về mặt nhà nước thôi, còn cụ thể như tuyển sinh đại học thì nên giao về cho các trường đại học làm, thi tốt nghiệp THPT thì giao cho các tỉnh làm, như thế thì nó sẽ nhẹ nhàng hết sức”.

“Trong nhiều lần họp ở Bộ GD&ĐT, tôi đều đã phát biểu nhiều lần rồi. Đề thi của kì thi đại học thì Bộ GD&ĐT nên giữ và đề thi tốt nghiệp THPT cho các tỉnh thì Bộ cũng phải giữ, chứ không nên giao cho từng trường đại học để họ tự ra đề. Bởi nếu giao cho từng trường đại học tự ra đề thì sẽ lặp lại trường hợp như trước đây là nhiều trường đại học lại lập các “lò” ôn thi, luyện thi, lại nảy sinh tiêu cực, phức tạp...”, ông Tứ cho biết thêm.

Video: Công an khám xét nhà ông Vũ Trọng Lương

Nên rà soát theo hình thức “xác suất”

Cũng liên quan đến vấn đề trên, trả lời PV VTC News, ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội Khóa 14, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng việc tổng rà soát kết quả điểm thi THPT Quốc gia năm nay là khó khả thi.

luubinhnhuong 3

 

Bây giờ mà nói ngay đến kì thi “2 trong 1” bất cập thế nào thì rất khó, bởi vì chúng ta chưa có đánh giá về vấn đề này. 

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

Tuy nhiên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng Bộ GD&ĐT nên lựa chọn hình thức rà soát lại theo kiểu tính “xác suất”.

Ông Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến: “Thực ra bây giờ tổng rà soát lại kết quả điểm thi THPT Quốc gia ở 63 tỉnh, thành phố thì tôi cho rằng là không cần thiết, bởi nó cần phải có thời gian.

Thêm nữa, bây giờ các thí sinh cũng chuẩn bị vào học rồi, mà giờ lại đi rà soát lại thì sẽ ảnh hưởng đến cả một hệ thống. Nên tốt nhất bây giờ cứ địa phương nào mà có dư luận cho rằng kết quả điểm thi bất thường, có vấn đề thì Bộ mới rà soát”.

Về giải pháp, ông Nhưỡng kiến nghị: “Bộ GD&ĐT có thể chọn một số nơi để rà soát theo kiểu tính xác suất, tức là như chúng ta hay gọi là rà soát theo kiểu để kiểm tra bình thường thôi.

Theo hình thức này, Bộ GD&ĐT sẽ chọn cả những địa phương ngẫu nhiên, kể cả địa phương đó không có dư luận nhưng Bộ vẫn cứ nên chọn để làm xác suất bình thường. Địa phương thì nên lựa chọn có cả các tỉnh miền núi, miền xuôi, thành thị, nông thôn. Khi làm như thế thì sẽ tốt hơn”.

“Nên làm thế để vừa khách quan, lại vừa giải quyết được vấn đề dư luận quan tâm. Chứ bây giờ mà “đè” 63 tỉnh thành ra để rà soát lại thì đó là điều không bình thường, nó sẽ là vấn đề lớn đấy, và chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người, từ phụ huynh cho đến học sinh cả nước”, ông Nhưỡng nói.

Về ý kiến cho rằng kì thi THPT Quốc gia 2018 theo hình thức “2 trong 1” có những bất cập, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra những nhận xét về vấn đề này.

“Bây giờ mà nói ngay đến kì thi “2 trong 1” bất cập thế nào thì rất khó, bởi vì chúng ta chưa có đánh giá về vấn đề này. Muốn nhận xét thì phải có sơ kết, tổng kết, phải có quá trình thực hiện việc đánh giá. Theo tôi tức là phải có thời gian để kiểm tra, đánh giá lại”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho hay.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn