• Zalo

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cường hợp nhất một số chức danh

Thời sựThứ Sáu, 26/10/2018 10:12:00 +07:00 Google News

Đại biểu Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề xuất cần lấy kết quả tinh giản biên chế là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá cán bộ,

Tại buổi thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Đại biểu Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương) nhận xét dù Chính phủ đang khá quyết liệt sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế song kết quả còn thấp so với mục tiêu.

pham-xuan-thang

 Đại biểu Phạm Xuân Thăng.

Theo báo cáo của Chính phủ, việc tinh giản biên giản sau 3 năm còn thấp so với mục tiêu tối thiểu 10% vào năm 2021; số đơn vị tự chủ tài chính và chi thường xuyên mới chiếm 0,2%; tổ chức trong bộ máy cơ quan Chính phủ, HĐND các tỉnh, địa phương còn nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, hoạt động chưa hiệu quả...

Từ nhận xét đó, đại biểu Phạm Xuân Thăng đề nghị Chính phủ: "Đẩy mạnh hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước, bảo đảm đồng bộ, đầy đủ, hiệu quả. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm làm luật Tổ chức Quốc hội, luật Tổ chức Chính phủ, luật Cán bộ công chức, luật Viên chức, để làm cơ sở pháp lý cho việc cải cách bộ máy hành chính Nhà nước, các chủ trương nhất thể hoá một số chức danh, hợp nhất các cơ quan Đảng và Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ tương đồng".

Vị Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng thừa nhận việc tinh giản biên chế, hợp nhất một số chức danh là việc làm khó, dễ phát sinh tư tưởng. Do vậy, ông đề nghị cần làm tốt công tác tuyên truyền, lãnh đạo các cơ quan cần có quyết tâm chính trị cao, thực hiện sáng tạo và quyết liệt, lấy kết quả tinh giản biên chế là một trong tiêu chí quan trọng trong đánh giá cán bộ, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách bộ máy hành chính Nhà nước. 

Chung quan điểm, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng ngân sách dành cho chi trả lương còn lớn, việc đổi mới sắp xếp bộ máy còn chậm, bộ máy còn cồng kềnh, chưa tinh giản được đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ yếu kém. 

Lấy hình mẫu sắp nhập Hà Nội và Hà Tây có hiệu quả cao, ông đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu tham mưu với Đảng, Quốc hội xem xét giải pháp sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố.

"Nếu quyết tâm cao, đây là giải pháp hiệu quả nhất, hoàn thành đổi mới sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế", đại biểu Tạ Văn Hạ kết luận.

Duy Thành
Bình luận
vtcnews.vn