• Zalo

Đại biểu Quốc hội: 'Chúng tôi đi giám sát về cứ buồn mãi cho đến bây giờ'

Thời sựThứ Năm, 27/08/2015 05:08:00 +07:00 Google News

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nêu ra thực tế giám sát việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường còn nhiều thất thoát quỹ đất và tài sản khá nghi

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nêu ra thực tế giám sát việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường còn nhiều thất thoát quỹ đất và tài sản khá nghiêm trọng.

Tại phiên giải trình về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình cho biết, sau khi rà soát đánh giá thấy tình trạng thất thoát quỹ đất và tài sản của Nhà nước khá nghiêm trọng.

Thực tế diễn ra tình trạng tranh chấp, chiếm dụng, thâu tóm đất đai, sử dụng trái mục đích sử dụng đất tràn lan, nhà nước không thu được tiền thuê đất.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho biết việc chỉ giao sơ bộ, không có đo thửa, khoảnh, chưa đo đếm dẫn đến không biết tính thế nào để thu tiền.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình)
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình)  
“Như cái công ty nông nghiệp Mường La, hiện nay nó không sống được, nợ từ các dự án rất nhiều. Lâm trường Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) 10 năm nay không có giám đốc vì không có phê duyệt tái cơ cấu. Hàng mấy năm nay sống lay lắt bằng tiền dịch vụ môi trường rừng và 3 tháng nay họ chả có đồng nào.

Không có gì trả cho người lao động. Chúng tôi đến giám sát chả biết nói gì, bởi có gì đâu mà nói. Đấy là câu chuyện mà rất đáng phải quan tâm”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh dẫn chứng.


Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thừa nhận mặc dù quản lý đất, rừng lớn nhưng nhiều nông, lâm trường rất khó khăn.

Ông Phát cho biết lâm trường Văn Chấn (Yên Bái) quản lý rừng nghèo, đất trồng rừng ít nên ít nguồn thu, chủ yếu nhận hỗ trợ từ các dự án của Nhà nước.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng khẳng định: Nghị quyết 30 nêu rõ nơi nào hoạt động không hiệu quả thì tuỳ theo vị trí, đặc điểm của nông lâm trường mà xử lý, trong đó có giải thể, giao đất cho hộ gia đình, tổ chức khác quản lý.

Từ hoạt động sản xuất không hiệu quả dẫn đến quyền lợi chính đáng của người lao động ở một số nông, lâm trường không đảm bảo.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát 

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cũng nêu thực tế: “Ở Công ty Chè Mộc Châu, trước đây người ta làm nông trường viên nhận khoán với nông trường – là doanh nghiệp của nhà nước. Đến nay chuyển sang nhận khoán của 1 công ty tư nhân.

Họ không làm gì, mỗi năm người nông dân phải trả cho công ty này 2,8 triệu đồng. Vậy thì khi chuyển đổi, người dân được gì, nhà nước được gì? Là không rõ ràng, không những không được mà còn mất đi. Chúng tôi đi giám sát về cứ buồn mãi cho đến tận bây giờ”.


Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết khi chuyển đổi chỉ cổ phần hoá tài sản trên đất còn đất đai vẫn do nhà nước quản lý. Ai sở hữu tài sản trên đất vẫn phải thuê đất. Người dân nhận khoán thì người mua cổ phần có quyền nhất định tuỳ theo cổ phần.

“Còn đời sống công nhân có giảm hay không chắc phải tuỳ thuộc vào tình hình trường hợp, chúng tôi sẽ kiểm tra cụ thể. Theo báo cáo từ thí điểm thời gian qua thì tình hình khả quan hơn”, ông Cao Đức Phát nói.

Báo cáo giải trình với Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết các nông, lâm trường sau khi được sắp xếp, chuyển đổi, hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số công ty nông, lâm nghiệp được nâng lên, thu nhập, đời sống của người lao động được cải thiện góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng thừa nhận sau sắp xếp còn một số công ty nông, lâm nghiệp không khắc phục được tồn tại cũ, kết quả sản xuất kinh doanh thấp hoặc tiếp tục lỗ.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn