• Zalo

Đại biểu Quốc hội: Chậm tiến độ các dự án là căn bệnh trầm kha

Chính trịThứ Bảy, 13/06/2020 15:44:44 +07:00 Google News
(VTC News) -

Đại biểu Quốc hội nêu ra thực trạng chậm tiến độ của nhiều dự án, đề nghị Chính phủ rà soát, kịp thời cấp đủ vốn cho những dự án đang triển khai.

Chiều 13/6, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020.

Góp ý trong phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Quang Thành (đoàn Cao Bằng) đề cập tới vấn đề chậm tiến độ của các chương trình dự án. Theo ông, đây có lẽ là căn bệnh trầm kha, làm đội vốn, gây lãng phí nguồn lực của đất nước.

Rất nhiều dự án được đầu tư rất nhiều tiền nhưng không được đưa vào sử dụng phục vụ phát triển kinh tế hoặc nhiều dự án, chương trình được cấp vốn nhỏ giọt, không đảm bảo nguồn lực thực hiện. Nhiều dự án giải ngân chậm trong khi những dự án quan trọng khác lại thiếu vốn. 

Đại biểu Quốc hội: Chậm tiến độ các dự án là căn bệnh trầm kha  - 1

Đại biểu Đỗ Quang Thành (đoàn Cao Bằng).

Vị đại biểu đoàn Cao Bằng trích dẫn ví dụ về dự án đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo.

Theo quyết định số 2081 ban hành ngày 8/1/2013 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chương trình cấp điện về nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 được nâng cấp năm 2018 thành chương trình mục tiêu quốc gia cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu tới năm 2020 100% số xã có điện trên phạm vi cả nước, 10.000 thôn bản được cấp điện, trên 1 triệu hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và khoảng 21.000 hộ dân được cấp điện từ nguồn điện năng lượng mặt trời với quy mô vốn đầu tư khoảng hơn 30.000 tỷ đồng, trong đó vốn cấp điện cho nông thôn, miền núi khoảng 28.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai thực hiện, đến tháng 8/2019, tỷ lệ xã được cấp điện theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mới đạt được khoảng 90%, tổng số vốn đầu tư cho chương trình này đạt khoảng gần 5.000 tỷ đồng, bằng khoảng 18,5% so với dự toán yêu cầu cấp vốn. 

"Ngay cả với tỉnh Cao Bằng được phê duyệt với tổng số vốn là 819 tỷ đồng nhưng cho tới nay thì tỉnh mới được cấp khoảng 77 tỷ đồng (gần 9,5%)", ông Thành cho biết. 

Vị đại biểu từ đó đề nghị Chính phủ sớm rà soát các dự án, kịp thời cấp đủ vốn cho những chương trình dự án đang triển khai, cắt hoặc chuyển vốn từ những dự án triển khai chậm tiến độ, đặc biệt ưu tiên cấp đủ vốn cho các địa phương, vùng đồng bào dân tộc miền núi để hoàn thành chương trình dự án nhằm tạo động lực xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. 

Góp ý thêm về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn trên cao tốc Bắc-Nam với hình thức từ đầu tư PPP sang đầu tư công, ông Thành bày tỏ đồng tình, khẳng định đây là chủ trương đúng đắn giúp bù đắp tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19.

"Nhưng quan trọng hơn nữa là việc thúc đẩy hơn nữa, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường cao tốc Bắc-Nam", ông cho hay. 

Cùng với đó, vị đại biểu đoàn Cao Bằng đề nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm, tìm giải pháp đầu tư cơ sở, hạ tầng thiết yếu cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền múi, nhất là bố trí nguồn vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo tiến độ, an toàn, hiệu quả, trọng tâm là các dự án giao thông trọng điểm, huyết mạch, các dự án kết nối giao thông liên vùng. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn