• Zalo

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền: 'Sự cố xã hội hóa SGK là một câu chuyện cay đắng'

Chính trịThứ Hai, 29/03/2021 10:30:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho rằng sự cố xã hội hóa về sách giáo khoa trong năm vừa qua là một câu chuyện cay đắng, nhưng đó lại là bài học kinh nghiệm xương máu.

Sáng 29/3, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ.

Đóng góp ý kiến về công tác giáo dục, đảm bảo quyền của trẻ em, của người học và lực lượng giáo viên khi ban hành và thực thi chính sách pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) nhắc lại: "Sự cố xã hội hóa về sách giáo khoa trong năm vừa qua là một câu chuyện cay đắng, rất đắng. Nhưng đó lại là bài học kinh nghiệm xương máu cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách”.

Vị đại biểu của Phú Yên cho biết, có không ít giáo viên, phụ huynh, học sinh vẫn mang nhiều tâm tư trăn trở gửi đến kỳ họp cuối cùng này.

"Họ lo lắng rất nhiều, chờ đợi một phương hướng xử lý thật phù hợp, một thái độ tôn trọng đối với những người đang chịu sự tác động về các quy định liên quan của ngành giáo dục. Quốc hội chất vấn thì Bộ trưởng, Chính phủ trả lời. Trả lời nghĩa là, nói là phải đi đôi với làm chứ đừng để cử tri và nhân dân chờ quá lâu, chờ miệt mài từ nhiệm kỳ này sang kỳ khác", đại biểu Hiền phát biểu.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền: 'Sự cố xã hội hóa SGK là một câu chuyện cay đắng' - 1

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên).

Theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, giáo dục và đào tạo cần phải giữ vững vai trò, vị trí rất quan trọng trong việc xây dựng kiến tạo xã hội. Ở đó thế hệ hiện tại, tương lai cần phải được giáo dục và rèn luyện kỹ càng để có thể vượt qua những thách thức và biến động lớn lao. Không chỉ truyền tải kiến thức, sứ mệnh mới của giáo dục còn phải tính đến việc rèn luyện cho học sinh, sinh viên có khả năng thích ứng linh hoạt.

Nền tảng cho sự phát triển bền vững của giáo dục chính là trao quyền phải tôn trọng sự sáng tạo, là khai phóng sức mạnh nội lực con người. Đừng chọn cách làm đối phó vì né tránh trách nhiệm mà bỏ qua áp lực, cảm xúc của người học, người dạy.

Đổi mới giáo dục còn bắt đầu từ đổi mới tư duy trong quản lý giáo dục. Tôi cũng như nhiều người dân rất trông chờ Việt Nam sẽ có một hệ thống giáo dục được xây dựng trên nền tảng vững chắc, có chiều sâu và đa ứng dụng. Xin được trao gửi niềm tin này vào Quốc hội và Chính phủ của nhiệm kỳ mới, có đổi mới giá trị cốt lõi của giáo dục phát triển xã hội. Đó chính là xây dựng niềm tin phát triển con người, kiến tạo tương lai”, đại biểu Hiền nói.

Phát biểu về chính sách thu hút nhân tài, sử dụng nhân lực, đội ngũ chuyên gia, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho rằng trong hệ thống bộ máy của nước ta hiện nay có chuyên gia thông thái và chuyên gia thông minh.

Trong đó, chuyên gia thông thái có cái nhìn tổng thế, khách quan, dám nhận sai, chỉ ra cái sai và đối mặt với những hạn chế của ngành mình, địa phương mình. Qua đó, chuyên gia thông thái có khả năng quyết định dựa trên những thông tin thu thập, quan sát được.

Còn chuyên gia thông minh dù có khả năng thu thập thông tin nhưng phần lớn thường mắc lỗi tư duy, có lối mòn chuyên ngành. Họ chỉ phân tích chuyên môn mang tính an toàn trong lĩnh vực nghiên cứu.

Đại biểu mong muốn Chính phủ cương quyết xóa bỏ những lối mòn tư duy hay tránh xa những cái đủ trong điều hành quản lý. Muốn kiến tạo tương lai thì không thể ẩn mình an toàn trong các lỗ hổng chính sách đã cũ, đã hỏng và không còn phù hợp.

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn