• Zalo

Đa số đại biểu Quốc hội muốn cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Thị trườngThứ Năm, 04/06/2020 20:36:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Hơn 77,5% số đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ tại dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có báo cáo kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội về quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). 

Tính đến 17h ngày 28/5, Ban Thư ký nhận được 409 phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội, trong đó có tới 317 phiếu (chiếm 77,51%) đồng ý cấm;  91 phiếu có quan điểm không cấm, 1 phiếu không chọn phương án nào.

Đa số đại biểu Quốc hội muốn cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ - 1

Đa số đại biểu muốn cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Báo cáo cho biết, có ý kiến đề nghị tạo quy trình thực hiện dịch vụ này để các doanh nghiệp hoạt động theo các quy định phù hợp với pháp luật. Ý kiến khác cho rằng không cần có hình thức kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong Luật Đầu tư. Các luật hiện hành đã quy định hình thức cho vay và hình thức phải trả nợ... nên không cần hình thức này trong Luật Đầu tư vì có thể tạo ra hành vi đòi nợ trái pháp luật.

Có hai đại biểu đề nghị đổi tên là “kinh doanh dịch vụ thu hộ nợ" để đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời có những điều kiện kinh doanh cụ thể quản lý, chế tài, xử lý nghiêm minh để ngành nghề này lành mạnh không biến tướng, ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội. Chính phủ cần quy định rõ những biện pháp, hành vi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này không được làm.

Theo báo cáo đánh giá tác động với loại hình kinh doanh này của Chính phủ, đến hết tháng 8/2019, cả nước có 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ với 217 doanh nghiệp đăng ký (84 doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, 62 tại Hà Nội).

Quá trình kinh doanh, nhiều doanh nghiệp không tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh, dẫn tới phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực với xã hội. Vi phạm phổ biến là bên đòi nợ thu giữ, phá hoại tài sản trái pháp luật hoặc có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần, gây hoang mang cho con nợ. Nhiều nơi xuất hiện biến tướng, hình thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” gây mất an toàn xã hội.

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) vào chiều 17/6 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có báo cáo tiếp thu, giải trình về những vấn đề lớn của dự thảo luật, trong đó có quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn