• Zalo

Cuối nhiệm kỳ, Ngoại trưởng Pompeo ra loạt chính sách gây khó cho Biden?

Thời sự quốc tếChủ Nhật, 17/01/2021 08:41:29 +07:00 Google News
(VTC News) -

Trong khi Trump và nhiều trợ lý hàng đầu của ông dường như đã tạm dừng các công việc, Ngoại trưởng Mike Pompeo vẫn đang đưa ra các động thái đối ngoại lớn.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra thông báo gần như hàng ngày về các chính sách đối ngoại lớn. Nhiều trong số này được cho là củng cố các ưu tiên của chính quyền Tổng thống Trump và tạo rào cản cho các hướng đi mới mà đội ngũ tương lai của ông Biden vạch ra.

Các hành động này bao gồm đưa Cuba vào danh sách nhà nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, chỉ định phiến quân Houthi của Yemen là khủng bố, dỡ bỏ các hạn chế lâu dài đối với quan hệ Mỹ-Đài Loan, công nhận chủ quyền của Maroc ở Tây Sahara, nhanh chóng phê duyệt việc bán vũ khí gây tranh cãi và một loạt các biện pháp trừng phạt mới chống lại Iran.

Tất cả những thay đổi đó đều có thể đảo ngược được, nhưng sẽ mất thời gian và phức tạp những thách thức mà ông Biden sẽ phải đối mặt.

Cuối nhiệm kỳ, Ngoại trưởng Pompeo ra loạt chính sách gây khó cho Biden? - 1

Ngoại trưởng Mike Pompeo. 

Các quan chức của ông Biden dường như cũng cho rằng các động thái này được thúc đẩy bởi động cơ chính trị trong nước. Nhưng họ không lên tiếng chống lại, một phần vì quan điểm “mỗi lần chỉ có một tổng thống” liên quan đến lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ ở nước ngoài.

“Chúng tôi đã ghi nhận những động thái vào phút chót này”, một quan chức cấp cao của nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden cho biết. Mỗi động thái đang được xem xét, "và chính quyền sắp tới sẽ chỉ đưa ra quyết định dựa trên một tiêu chí: Lợi ích quốc gia".

Một quan chức Nhà Trắng nhắc đến những lý do khác nhau cho một số động thái gần đây, nói rằng một số trong số đó đã được xem xét một thời gian, chứ không phải đến tận bây giờ.

Sự tham gia của Mỹ vào cuộc chiến Yemen từ lâu đã gây tranh cãi. Ả-rập Xê-út bị cáo buộc gây ra cái chết cho hàng nghìn dân thường trong cuộc chiến chống lại lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn đang kiểm soát phần lớn đất nước.

Yemen, với hơn 24 triệu người sống dựa vào sự trợ giúp từ bên ngoài để tồn tại, nhập khẩu khoảng 90% lương thực. Việc chỉ định Houthi là khủng bố có thể khiến các tổ chức viện trợ giúp đỡ những người Yemen bị đói ở các khu vực Houthi kiểm soát có thể bị buộc tội phạm tội.

Các quan chức ngân khố, bao gồm Bộ trưởng Steven Mnuchin, phản đối quyết định này, cho rằng hành động diễn ra quá gấp gáp nên việc miễn trừ nhân đạo chưa sẵn sàng.

Những người khác phản đối nội bộ vì lo ngại rằng nó sẽ làm suy yếu các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra để giải quyết chiến tranh.

Bên cạnh đó, ông Pompeo dường có động lực đưa Iran trở thành nguyên nhân chính gây ra các vấn đề ở Trung Đông để đặt ra những trở ngại mới trên con đường của Biden.

Biden đã cam kết nhanh chóng khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran. Nhưng để thực hiện điều này, Iran muốn Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, mà hầu hết các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn tồn tại, trong khi ông Pompeo áp dụng nhiều biện pháp hơn nữa trong những ngày gần đây.

Tiếp theo, trong mối quan hệ với Trung Quốc, Pompeo dành phần lớn thời gian trong năm qua chỉ trích Bắc Kinh và thúc đẩy các chính sách cứng rắn. Các chuyên gia Trung Quốc nhìn nhận phần dễ biến động nhất của mối quan hệ là Đài Loan, khi chính quyền Trump đã giảm bớt các hạn chế đối với việc mua bán vũ khí và quan hệ ngoại giao đã được quy định trong nhiều thập kỷ trước.

Gần đây, ông Pompeo tuyên bố sẽ loại bỏ tất cả "các hạn chế tự đặt ra" đối với các tương tác giữa các quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm cả trong quân đội, với những người đồng cấp Đài Loan.

Bộ Ngoại giao đã lên kế hoạch cho chuyến thăm Đài Bắc vào tuần trước của Kelly Craft, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, sau các chuyến đi gây tranh cãi vào mùa hè năm ngoái của các phái đoàn cấp cao Mỹ. Tuy nhiên, chuyến đi đã không diễn ra.

Biden có thể đảo ngược các chính sách mới về Đài Loan nếu ông muốn. Nhưng Pompeo đã đặt ông vào một tình thế khó khăn, đòi hỏi một hành động công khai có thể được coi là thân Trung Quốc vào thời điểm ông vẫn đang phát triển và thực hiện chủ trương chiến lược của riêng mình đối với Bắc Kinh.

Cuối nhiệm kỳ, Ngoại trưởng Pompeo ra loạt chính sách gây khó cho Biden? - 2

Ông Joe Biden và ông Donald Trump. 

"Tại sao họ làm những điều này?" - một cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ hỏi, suy đoán về động lực của Pompeo. “Thực tế là một số lượng đáng kể các đại diện cực hữu (trong Quốc hội) chưa bao giờ tin vào ý tưởng bình thường hóa với Trung Quốc”.

“Tôi tin rằng Pompeo đang đặt những điểm này như một nền tảng chiến dịch cho năm 2024”, nhà ngoại giao nói.

Biden cũng cho biết ông có ý định trở lại bình thường hóa ngoại giao với Cuba, nhưng tuần trước ông Pompeo đã tái chỉ định Cuba là nhà nước bảo trợ khủng bố.

Luật pháp Mỹ vạch ra hai con đường để đảo ngược chỉ định này. Thứ nhất, Tổng thống phải xác nhận với Quốc hội rằng đã có "sự thay đổi cơ bản trong sự lãnh đạo và chính sách của chính phủ quốc gia liên quan", rằng "chính phủ này không ủng hộ các hành động khủng bố quốc tế" và họ sẽ không làm vậy trong tương lai.

Thứ hai, Tổng thống phải thông báo cho Quốc hội, 45 ngày trước khi việc hủy bỏ diễn ra, rằng chính phủ được đề cập đã không hỗ trợ các hành động khủng bố quốc tế trong 6 tháng trước đó và họ cam kết sẽ không làm như vậy.

Phương Anh(Nguồn: The Washington Post)
Bình luận
vtcnews.vn