• Zalo

Cuộc đời ly kỳ của giang hồ đất thép sở hữu cả tấn vàng

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 17/11/2015 06:32:00 +07:00Google News

Với giới giang hồ gác kiếm, những người lớn tuổi ở Thái Nguyên, cái tên Khoái Đù vẫn như một huyền thoại đầy bí ẩn.

(VTC News) - Với giới giang hồ gác kiếm, những người lớn tuổi ở Thái Nguyên, cái tên Khoái Đù vẫn như một huyền thoại đầy bí ẩn.

Kỳ 1: Từ lính biệt động thành… tướng cướp

Bây giờ người dân Thái Nguyên không còn nhắc nhiều đến cái tên Khoái Đù nữa, song với giới giang hồ gác kiếm, cái tên Khoái Đù vẫn như một huyền thoại đầy bí ẩn.

Ngôi nhà hai tầng cũ kỹ nằm nép mình dưới tán cây bàng xum xuê ngay mặt đường lớn thị trấn Đồng Hỷ là nơi Khoái Đù – thủ lĩnh giới giang hồ đất thép một thời nay đã quy ẩn trú ngụ. Giữa nhà là giá gỗ mốc meo, bày vài chai bia, vài gói lạc phủ bụi. Bán hàng kiểu này chắc chẳng có ai mua.

Chủ nhà là một người đàn ông thấp đậm, cao chừng mét sáu, tóc muối tiêu mở cửa nhìn tôi lạnh lùng. Tôi chột dạ: “Khoái Đù đây ư? Một gã từng làm điêu đứng giới giang hồ, tiếng tăm lừng lẫy lại nhỏ con thế sao?”. Nhưng đôi mắt lạnh lùng và những vết xăm trổ đầy mình đã gợi lên trong con người này dấu ấn một thời giang hồ ngang dọc.

Ngôi nhà cũ kỹ ở Đồng Hỷ của Khoái Đù
Ngôi nhà cũ kỹ ở Đồng Hỷ của Khoái Đù 

Khoái Đù sinh năm 1948, trong một gia đình có 7 anh chị em ở xã Phong Chương, Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Tên khai sinh là Đoàn Đắc Tô.

Một ngày có ông thầy bói trong làng nói lớn lên sẽ lận đận, do vậy cha mẹ quyết định gọi Tô là Khoái, với mong muốn con mình được sung sướng về sau.

Nhưng cái khổ đã đeo bám Khoái ngay từ những ngày đầu đời, cái cảnh mà cả đất nước phải gánh chịu vì giặc giã. 12 tuổi, củ khoai, củ ráy không có mà ăn, Khoái bỏ nhà lang thang xuống thành phố Huế kiếm sống bằng nghề đánh giầy, bán kem dạo.


Ngày lang thang kiếm sống, tối học đấm đá ở các lò võ. Học chữ thì chậm, học đấm đá thì nhanh. Học hết võ của thầy này, Khoái lại đi tìm thầy khác. Những môn sinh khổ luyện trước cả chục năm trời cũng đều bại dưới những đòn hiểm ác của Khoái. Người ta học võ để rèn luyện sức khỏe, làm việc nghĩa, Khoái học võ để rồi trở thành một tướng cướp.

Cuộc sống vỉa hè đã dạy cho Khoái chân lý: Kẻ nào mạnh kẻ ấy thắng. Thấm nhuần chân lý ấy, Khoái không đi làm thuê nữa mà theo đàn anh, đàn chị học cách trộm cắp, móc túi, cướp giật.

Trong giới “giang hồ nhí”, Khoái nổi tiếng với khả năng móc túi như một nghệ sĩ và bản tính liều lĩnh, dám làm những việc mà thậm chí các tay anh chị lâu năm phiêu bạt giang hồ cũng phải nể vài phần. Với khả năng cướp nhanh như chớp, đâm chém không chờn tay, Khoái đã thu phục cả đàn anh, đàn chị dưới trướng.

Ông Khoái bây giờ
Ông Khoái bây giờ 

Một lần, tên đồn trưởng đồn Tân Hương khét tiếng độc ác giở trò trêu ghẹo một nữ sinh trường Đồng Khánh, chàng trai 16 tuổi không kìm được tức giận đã đấm rụng 5 chiếc răng cửa và chặt đứt cánh tay hắn. Sau ngày hôm đó, Khoái bị truy nã toàn quốc.

Cô học trò trường Đồng Khánh đó là o Hoa. Sau chuyện “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”, o Hoa yêu thầm nhớ vụng Khoái, dù biết Khoái chỉ giỏi nghề trộm cắp, móc túi.

Chính tình yêu của o Hoa đã cảm hoá một tên cướp. Hơn nữa, sự hy sinh của 4 người anh trai nơi chiến trường đã khiến một kẻ chỉ biết trộm cắp, móc túi tìm về con đường lương thiện.

Nỗi đau đớn cùng cực ập đến với Khoái khi quân thù bắn chết o Hoa trong lúc cô đang làm nhiệm vụ giao liên. Khi ấy, người con gái cộng sản tên o Hoa nổi tiếng lắm, là tấm gương của tuổi trẻ xứ Huế.

Bỏ lại mảnh đất Huế đầy thương đau và nước mắt, Khoái vào Sài Gòn rồi gia nhập cộng sản và được đào tạo thành lính biệt động.

Năm 1965, khi đang hoạt động, Khoái bị bắt. Chúng giam anh ở nhà lao Tử Phủ. Sau 3 tháng ngồi tù, tử tù Đoàn Đắc Tô đã tổ chức trốn trại cùng rất nhiều anh em cộng sản. Do có nhiều đóng góp cho Cách mạng, năm 1966, khi 18 tuổi, Khoái được cử ra Bắc để học.

Ông Khoái biểu diễn lại một thế võ
Ông Khoái biểu diễn lại một thế võ 

Sau khi tốt nghiệp lớp học nghề, Đại học Bách Khoa, Khoái trở thành công nhân của một nhà máy xây dựng ở Hà Nội. Cuộc sống của một công nhân vừa vất vả lại nghèo khổ, song Khoái không nản chí mà luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Một ngày, đột nhiên công an ập vào căn phòng tập thể có Khoái và vợ chồng người bạn đang ở. Lúc ấy Khoái mới biết dưới gầm giường giấu mấy cuộn thép.

Nhìn ánh mắt hãi hùng của vợ chồng người bạn Khoái đã hiểu ra vấn đề. Khoái lẳng lặng tra tay vào còng. Cả hai đều là bạn thân của Khoái, cô vợ đang chửa, hoàn cảnh hai người lại cơ cực trăm bề. Khoái nghĩ cùng lắm ngồi tù vài tháng, thế là nhất mực khai với công an rằng gã chính là thủ phạm trong vụ trộm thép đó. Khoái được đưa lên trại giam Phú Xuân 4 trên đất Bắc Thái.

Tấm lòng nghĩa hiệp nhận án thay bạn của Khoái, người từng là lính biệt động, khiến nhà văn Triệu Bôn xúc động viết tiểu thuyết “Một phút và nửa đời người” gây tiếng vang khá lớn. Đặc biệt, cuộc đời ly kỳ của Khoái đã khiến tác giả Đồng Khắc Thọ xúc động viết vở kịch: “Phần đời không đáng nhớ”. Đoàn kịch Bắc Thái đã dựng vở kịch này và vở kịch đã đạt huy chương vàng năm 1991.


Do cải tạo tốt mà Khoái được ra tù trước thời hạn. Khoái bắt ngay chuyến tàu về Hà Nội và tìm vào nhà máy. Dù mấy tháng không có lương, song bạn bè vẫn góp tiền đãi gã bát phở bò, món ăn Khoái thích nhất.

Khoái lên gặp lãnh đạo để xin vào nhà máy làm việc tiếp, song một vị ở phòng tổ chức bảo gã về chờ. Chờ mấy tháng chẳng thấy vị lãnh đạo nọ gọi, gã hiểu rằng, họ đã không ưa một người từng có tiền án.

Đang lúc túng quẫn, phải sống nhờ vào anh em công nhân vốn đã nghèo đói thì Khoái gặp Tiến Xồm, một tay anh chị nổi như cồn trong Huế thời Khoái còn là một tên cướp. Tiến lôi Khoái đi nhậu hết bữa này đến bữa khác ở những nhà hàng sang trọng, rồi lại cho Khoái tiền để chiêu đãi anh em công nhân và gửi về cho người mẹ già chữa bệnh.

Tiến đã dạy cho Khoái cách kiếm tiền cực dễ: chỉ cần mang chiếc túi da từ Hà Nội lên ga Đồng Văn (Thái Nguyên) đưa cho một người đàn ông đón sẵn ở đó là xong. Vài lần đưa hàng trót lọt, Khoái đã có cả bọc tiền trong tay và tiêu xài xả láng.

Một ngày, khi Khoái vừa ngồi xuống ghế thì xuất hiện một người mặc quần áo bộ đội đến ngồi cạnh. Khoái chẳng thèm để ý liền ngả lưng đánh giấc ngon lành. Thế nhưng, vừa mới chợp mắt thì đã nghe tiếng “rắc, rắc”. Đôi tay của Khoái đã nằm gọn trong chiếc còng số 8 cùng một lời nói lạnh lùng: “Cảnh sát hình sự đây. Anh đã bị bắt”. Lần này, Khoái ngồi tù 3 năm vì tội vận chuyển thuốc phiện.

Còn tiếp…

Phong Nguyệt - Thụy Bình
Bình luận
vtcnews.vn